- Ở ven hồ Hoà Bình – tỉnh Hòa Bình, xóm Tháu là xóm gần đập thuỷ điện nhất. Nhà đầu tiên chỉ cách đập vài trăm mét, nhà xa nhất cách đập gần 1km nhưng nguồn ánh sáng cho sinh hoạt hằng ngày của cả xóm chỉ nhờ vào… “ông trời”. Đã 20 năm nay, người dân xóm Tháu phải ăn Tết trong bóng tối tù mù.
Lấy cá làm bánh chưng, cây rừng làm đào
Khi xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình, một phần dân cư của xóm đã phải chuyển đi nơi khác. Sau khi nhà máy xây dựng xong, dự án trồng rừng phòng hộ được triển khai, một số hộ dân thuộc phường Chăm Mát, Phương Lâm, Đồng Tiến (TP Hòa Bình) lên đây để thực hiện trồng rừng theo Dự án 327. Ngày ấy, họ được hứa hẹn 1, 2 năm sau sẽ có điện. Thế nhưng đã hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày thủy điện Hòa Bình đưa vào hoạt động, cuộc sống tối tăm vẫn hoàn tối tăm.
Dây điện đã kéo về từng nhà nhưng do vướng bận giải phóng mặt bằng vì một số gia đình đòi hỏi phải đền bù cả những cây hoa màu nên Tết này, dân xóm Tháu vẫn tù mù điện. |
Ngày ngày, cư dân xóm Tháu cứ nhìn ngang là thấy cột điện trồng chênh ênh trong vườn, ngẩng lên là thấy dây điện trên đầu đang cõng điện đi nơi xa còn nhà mình thì phải dùng ác quy, dùng pin và nến.
Đêm đến, xóm Tháu vẫn chỉ có “trăng suông” hắt lên từ lòng hồ sông Đà là thứ ánh sáng le lói, nhỏ nhoi. Và vì thế, mọi sinh hoạt bình thường của người dân đều cố gắng làm khi còn mặt trời. Đến tối, họ chỉ dùng ánh sáng leo lắt hắt ra từ chiếc đèn pin để ăn cơm và sau đó là đi ngủ vì không biết làm gì khác.
Anh Nguyễn Viết Dung cho biết: “Đêm giao thừa, nhà chẳng có bánh chưng, không có đào quất. Tôi bèn ra hồ quăng lưới đánh mẻ cá về thắp hương khấn các cụ. Vợ tôi thì lên đồi chặt một cành cây mận giả đào làm cành lộc treo trong nhà. Tết ở xóm Tháu là thế đấy”.
Nhiều người dân ở đây cũng cho biết, họ có thể thức trắng đêm đánh cá hồ nhưng đêm giao
Mỗi khi có khách, ông Lương Văn Giang lại chong đèn pin và thắp đèn dầu. |
Chúng tôi đem câu hỏi bức xúc này đến chính quyền xã, chủ tịch UBND xã Thái Thịnh, Nguyễn Văn Lành cho biết: “Trước Tết Canh Dần sẽ đóng điện cho dân”.
Sau một thời gian ngóng chờ đón cái Tết đầu tiên trong ánh sáng thì đến nay, lời hứa của ông chủ tịch vẫn chưa thực thi. Ánh sáng đèn điện vẫn là cõi xa xăm đối với dân xóm Tháu.
Xóm nghèo ngẩn ngơ ăn Tết
Hầu như ở xóm Tháu không có sự hiện diện của trẻ nhỏ, tất cả đều phải gửi người thân để đi học, nhà chỉ còn lại bố mẹ. Tết ở xóm nghèo thiếu điện làm các em không hứng thú. Bố mẹ rất ngong chờ những đứa con đi học xa về xum họp cùng gia đình ngày cuối năm nhưng không em nào chịu về.
Lương Văn Hùng (21 tuổi), vừa thi trượt đại học, đang đi làm tự do ở dưới thành phố Hòa Bình nhưng anh cũng không về quê ăn Tết “vì nhà không có điện, tivi để coi, buồn chết” – Hùng xịu mặt.
Khổ nhất là ngày Tết có người trong xóm bị ốm, phải đưa ra tận thành phố, đường lại trắc trở không đi xe máy được, mỗi lần như vậy đi lại mất mấy tiếng đồng hồ rất vất vả.
Chị Phạm Thị Huệ, vợ “đại ca” một thời lẫy lừng trên dòng sông Đà Lương Văn Giang thường bị sốt rét liên miên, nhất là vào mùa đông. Những cái Tết trước, vợ chồng đang vặt gà thì bà Huệ kêu chóng mặt, Giang phải liên hồi chèo thuyền ra thành phố mua thuốc, gọi thầy vào khám cho vợ. Cả Tết, ông mua 5kg thịt ba chỉ rang mặn ăn cho qua cái Tết. Ở xóm Tháu, hễ có ai ốm đau thì phải có ít nhất 2 – 3 người đi mua thuốc, gọi thầy hoặc chèo thuyền chở đi trạm xá. Nhiều gia đình chỉ lơ thơ vợ - chồng thì ông chăm bà cả ngày cũng hết 3 ngày Tết.
Ngày Tết, người dân xóm Tháu lại tụ họp nhau trên những con bè, uống rượu với cá sông và một nhúm lá rừng. Họ không có thói quen “lì xì” bằng tiền mà sẽ dùng chén rượu, miếng cá nướng đầu xuân mừng nhau cho khuây khỏa nỗi thèm… điện.
Người dân xóm Tháu hy vọng những cái Tết sau họ không phải đón năm mới trong ánh đèn pin leo lét. |
Trong câu chuyện đầu năm, chủ đề “Năm nay có điện không?” lại được bàn tán rôm rả. Họ kể cho nhau nghe những cái thú vị nhỏ nhặt của gia đình mình trong mấy ngày chuẩn bị Tết. Nhiều gia đình còn mua hẳn một tập nến dày thắp sáng trong đêm giao thừa để: Các cụ về chứng giám cho nỗi thống khổ thiếu điện của con dân xóm Tháu.
Và họ vẫn chờ, chờ đợi năm con hổ sẽ không phải tù mù vì không có điện.
- Phong Châu – Dương Anh