- Những người tưởng chừng như không còn được hưởng niềm vui sum vầy đón Tết Nguyên Đán cùng gia đình nay đã được "hồi sinh". Hơn ai hết, họ hiểu cần phải quý trọng hơn cuộc sống vừa được cứu lại, sống có ích hơn cho gia đình và xã hội.
Ngày 14/1, Khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115 đã khám lại cho những bệnh nhân bị tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt đã may mắn thoát chết. Đích thân Phó giáo sư, Tiến sĩ Cao Văn Thịnh, trưởng khoa đã chia vui, tặng quà tiễn các bệnh nhân này về sum họp Tết với người thân.
10 ca, chết 8
Một trong những trường hợp đó là anh Nguyễn Văn Ngợi, sinh năm 1992, ngụ tại Trà Vinh. Anh Ngợi làm nghề sơn nước, gia đình khó khăn, bố làm mướn, mẹ phải ở nhà chăm sóc cho người anh trai bị tật nguyền.
Trong một lần đang sơn nước cho một tòa nhà cao tầng tại TP.HCM, anh Ngợi đã sơ ý, sẩy chân, rớt từ tầng 3 xuống đất, bất tỉnh. Tại Bệnh viện 115, bệnh nhân được chẩn đoán bị vỡ ruột non và tụ máu sau khúc mạc.
Anh Nguyễn Văn Ngợi được kiểm tra sức khỏe lần cuối trước khi ra viện. Ảnh: Thanh Huyền. |
Để cứu anh Ngợi, các bác sĩ đã phải truyền tất cả 10 đơn vị máu. Dù đã mổ xong nhưng cả khoa đều hồi hộp vì vẫn chưa tin bệnh nhân sống nổi. Nếu truyền quá 6 đơn vị máu bệnh nhân dễ bị rối loạn đông máu gây tụt huyết áp và rơi vào trạng thái sốc không hồi phục.
Rất may nhờ còn trẻ, có sức lực nên anh Ngợi đã qua khỏi cơn nguy kịch, ra tết có thể bắt đầu đi làm lại, phụ giúp kinh tế cho gia đình.
Vết thương chí mạng, bệnh viện chê
Giống như anh Ngợi, vết thương thấu ngực ở tim đã khiến anh Lâm Kim Long, ngụ quận 7, làm nghề kế toán rơi vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Ngoài ra, anh còn bị đâm vào bụng khiến ruột lòi ra ngoài. Trước khi chuyển sang bệnh viện 115, anh Long đã được sơ cứu tại bệnh viện Quận 7.
“Lúc ở bệnh viện Quận 7 tôi vẫn chưa hôn mê. Khi đó, các bác sĩ đã lấy cái bát úp vào phần ruột bị lòi ở bụng tôi. Khi nhìn vết đâm ở tim xiên về phía bên phải, tôi thấy các bác sĩ lắc đầu. Thế rồi cứ thế tôi thiếp đi.”, anh Long toát mồ hôi kể lại.
Đặc biệt, anh Long thuộc người có nhóm máu hiếm ( nhóm B-) nên thiếu máu để truyền. Các bác sĩ chỉ truyền được 3 đơn vị máu cùng nhóm cho anh.
Anh Long tưởng đã chết với vết thương chí mạng ở tim và bụng. Ảnh: Thanh Huyền. |
“Nếu lấy máu nhóm B bình thường để truyền thì chỉ được một lần duy nhất trong đời. Nếu lần sau chẳng may bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật mà không có máu cùng nhóm thì coi như chết chắc”, bác sĩ Thịnh nói.
Thêm trân trọng cuộc sống được cứu lại
Trường hợp của bệnh nhân Đặng Ngọc Phát, sinh năm 1973, ngụ tại TP.HCM cũng đã thoát chết một cách diệu kỳ trong đường tơ, kẽ tóc.
Anh Phát bị chém đứt động mạch cảnh nơi cổ. Chỉ trong 6 tháng của năm 2009 đã có 3 bệnh nhân bị đứt động mạch cảnh được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện 115 và 1 phụ nữ trong số đó đã tử vong.
Bác sĩ Thịnh cho biết: “Động mạch cảnh dẫn máu lên nuôi não. Thông thường nếu động mạch cảnh bị tổn thương thì bệnh nhân sẽ bị liệt tạm thời và chết vì mất máu trước khi đưa đến bệnh viện.
Riêng bệnh nhân Phát không bị liệt mà chỉ bị tê bì. Khi nhận được thông tin bệnh nhân Đặng Ngọc Phát được cứu sống, đích thân Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã gửi bằng khen cho khoa Lồng ngực – Mạch máu bởi đó là một ca rất khó và hiếm khi sống nổi.
Các bệnh nhân đã bước một chân vào cửa tử, tưởng chừng như mọi thứ trước mắt khép lại nay được tiếp tục sống vui vầy cùng người thân, bạn bè. Đa số, họ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tập thể các y, bác sĩ đều bày tỏ niềm hạnh phúc, vui mừng khi họ có thể mạnh khỏe đón Tết Nguyên Đán.
Mỗi người sau khi được kiểm tra kỹ lưỡng đều được tặng một phần quà kèm lời chúc năm mới. Hơn ai hết, họ hiểu cuộc sống của mình đã may mắn được cứu lại và càng phải thêm trân trọng hơn những phút giây quý giá, sống có ích hơn cho gia đình và xã hội.”
-
Thanh Huyền