- TP.HCM đang thử nghiệm tuyến xe buýt đầu tiên bán vé không có tiếp viên: hành khách tự xé vé rồi bỏ tiền vào thùng. Hình thức này được cho là xóa bỏ thái độ phân biệt đối xử của tiếp viên với hành khách, tránh tình trạng lấy tiền nhưng không xé vé, thế nhưng...
Đã có không ít chuyện “cười như mếu” của tài xế khi thiếu tiếp viên trên tuyến xe buýt số 152 (Tân Sơn Nhất - Bến Thành), tuyến xe đang áp dụng thử nghiệm hình thức bán vé này.
Tài xế vừa lái xe vừa… trả lại tiền!
Từ ngày 1/12/2009, xe buýt 152 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành) bắt đầu hoạt động chở khách mà không có tiếp viên bán vé. Theo đó, hành khách lên xe sẽ tự lấy tiền bỏ vào thùng đặt bên cạnh cửa lên xuống phía trước và xé 1 vé cho mình.
“Bác tài ơi, cho tôi mua vé. Trời! Đưa tờ 50.000 đồng tiền đâu mà trả lại? Xe buýt này khách tự xé vé tự bỏ tiền vào thùng mà” - anh N., tài xế tuyến 152 nói.
Thùng tiền và vé hành khách sẽ tự xé thay vì có tiếp viên. Ảnh: Thái Phương |
“Nhưng tôi không có tiền lẻ, chỉ có 50.000 đồng thì biết làm sao?” - vị khách đáp. “Anh chịu khó hỏi mấy người khách khác đổi tiền lẻ đi”. Vậy là sau đó anh này phải hỏi khắp mọi người trên xe buýt để đổi tiền lẻ mua vé với vẻ lắc đầu ngán ngẩm.
Chỉ số ít hành khách đi thường xuyên xe buýt 152 chuẩn bị sẵn tiền lẻ mua vé. Và phần lớn người dân đều chưa có thói quen để tiền lẻ đi xe buýt. Thậm chí nhiều người còn đưa cả tờ 100.000 đồng làm tài xế kiếm tiền trả lại… hụt hơi.
“Phía công ty có chuẩn bị một hộp đựng tiền lẻ để khách đổi khi lên xe buýt. Vậy là tài xế vừa lái xe vừa phải đổi tiền cho khách. Sáng nay tôi vừa vượt đèn đỏ vì mải lo lấy tiền dư trả cho khách…” - một tài xế bộc bạch.
Nhiều vị khách cho rằng hình thức này sẽ khiến họ thoải mái lên xe vì không bị tiếp viên "nặng nhẹ"... Còn tài xế thì than trời vì nhiều bất cập. Ảnh: Thái Phương |
Vài ngày sau khi áp dụng thử xe buýt không có tiếp viên, Công ty xe khách Sài Gòn buộc phải điều thêm mỗi xe một nhân viên kiểm soát làm nhiệm vụ hướng dẫn hành khách, trả tiền dư lại cho khách thay tài xế.
Vậy mà ngồi làm khách trên tuyến 152, chúng tôi chứng kiến không ít cảnh “mếu” của tài xế, nhân viên kiểm soát thì cứ có khách lên xe là lại hô “anh/chị chuẩn bị tiền lẻ, tự bỏ tiền vô thùng rồi xé cho mình một vé nha. Đây là xe buýt bán vé tự động, không có tiếp viên…”.
Được biết tuyến 152 có lộ trình từ sân bay Tân Sơn Nhất về Bến Thành qua khu phố Tây Phạm Ngũ Lão, quận 1 nên một lượng không nhỏ hành khách là người nước ngoài, tây ba lô… Nhưng trên xe buýt 152 chỉ có thông báo nhỏ xíu được dán trước cửa lên, hướng dẫn khách bỏ tiền vào thùng, tự xé vé rất khó quan sát.
Nhiều vị khách nước ngoài lên xe buýt nhưng không biết tiếng Việt, đưa 5.000 đồng mua vé mà nhân viên kiểm soát cũng không có 2.000 đồng trả lại. Rốt cuộc, nhân viên này đành phải nhờ một hành khách người Việt biết tiếng Anh giải thích dùm: “chờ lát nữa sẽ có người thối tiền”…
Thậm chí, giá vé chỉ 3.000 đồng/lượt nhưng nhiều người bỏ có 2.000 đồng vào thùng. “Chiều hôm qua, một phụ nữ là khách quen trên tuyến lên trạm ở Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thấy khách chuẩn bị bỏ tiền vào thùng tôi liền xin đưa lại để trả tiền thiếu cho vị khách trước mới phát hiện ra chị ta đưa có 2.000 đồng. Một số hành khách còn tranh thủ lúc xe lên xuống đông người không mua vé…” - anh Nguyễn Hoàng Lâm, nhân viên soát vé kể.
Chỉ là thử nghiệm, sẽ khắc phục dần!
Anh Nguyễn Công Huy, hành khách thường xuyên đi xe buýt 152, chỉ cần khách lên xe chuẩn bị tiền lẻ là mọi vấn đề được giải quyết. “Tôi thấy hình thức bán vé này tiện lợi, đỡ xảy ra tình trạng tiếp viên quát mắng, nạt nộ khách…”. Tuy nhiên, do ý thức của dân mình chưa cao nên tình trạng không mua vé, bỏ tiền thiếu và thùng là điều không tránh khỏi, anh Huy nói thêm.
“Không phải tiếp viên xe buýt nào cũng phân biệt đối xử, la mắng hành khách và nếu xe buýt chỉ có mình tài xế ai sẽ sắp xếp hành khách khi xe đông? Người già, phụ nữ mang thai hay có em nhỏ đi xe buýt ai sẽ hướng dẫn, dìu đỡ họ lên xuống xe?... Nhất là trong lúc ý thức của một số hành khách chưa cao nên họ sẵn sàng đi xe buýt “chùa”, lúc đó vẫn cần tiếp viên kiểm soát vé, xé vé và hướng dẫn khách” - một vị khách góp ý thẳng thắn.
Tuyến 152 là tuyến xe buýt đầu tiên áp dụng hình thức này. Sở GTVT TPHCM đang cố gắng làm mọi biện pháp thay đổi hình ảnh đẹp về xe buýt trong mắt hành khách. |
Ngoài ra, nhiều tài xế trên tuyến xe buýt 152 cho rằng hình thức bán vé tự động, không có tiếp viên là chủ trương đúng nhưng cần thay đổi cho phù hợp. “Tài xế chưa quen với kiểu… “bơi một mình” với mấy chục hành khách trên xe. Tuyến này chỉ có lộ trình khoảng 10km, lượng hành khách không cao nên có thể thử nghiệm phương thức bán vé này. Nếu để khách tự bỏ tiền, mua vé với các tuyến khách chen nhau chật cứng, lên xuống xô đẩy nhau thử hỏi ai kiểm soát được khách nào mua vé?” - anh N. tài xế xe buýt nói.
Đến thời điểm này, hơn 1 tháng sau khi đưa vào thử nghiệm vẫn còn không ít bất cập, tài xế chỉ biết… than trời.
Ông Nguyễn Đình Thi, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn thừa nhận hình thức thử nghiệm bán vé xe không có tiếp viên còn một số bất cập. “Hình thức này đỡ tốn nhân lực lại xóa bỏ thái độ phân biệt đối xử của tiếp viên với hành khách, tình trạng thu tiền không xé vé cũng không còn... Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhập về các thùng đựng tiền có thể tự trả lại tiền dư cho khách, khắc phục tình trạng tài xế phải thối tiền cho khách” - ông Thi nói.
Lãnh đạo Công ty xe khách Sài Gòn cho biết thêm sau thời gian thử nghiệm sẽ họp rút kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng hình thức này.
Ông Dương Hồng Thanh, PGĐ Sở GTVT TP.HCM cho biết mục tiêu của ngành vận tải hành khách công cộng trong năm 2010 là tạo hình ảnh mới, thân thiện của xe buýt trong mắt người dân. Ngoài tuyến 152 áp dụng bán vé tự động không có tiếp viên, TP.HCM còn đưa vào sử dụng thẻ thông minh cho hành khách đi xe buýt trên tuyến số 1 và 27 trong thời gian tới.
“Chỉ khi nào tài xế, tiếp viên không tác động trực tiếp vào doanh thu thì xe buýt mới có thể cải thiện những hình ảnh “chưa đẹp” trong mắt hành khách. Vì thế, trong năm 2010 ngành vận tải hành khách công cộng sẽ cố gắng tạo nên hình ảnh tốt về xe buýt” - ông Thanh khẳng định.
-
Thái Phương