- Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt lên danh sách đường giao cắt giữa đường sắt với đường dân sinh do địa phương quản lý và đề nghị chính quyền địa phương cấm ôtô đi qua nếu không có người gác tại các điểm này.
Tại Hội nghị liên ngành đường sắt và công an về đảm bảo an toàn đường sắt, ngày 22/1, ông Ngô Việt Cường - Trưởng Ban Bảo vệ An ninh - Quốc phòng, Tổng Công ty ĐSVN cho biết, hiện trên các tuyến giao thông cả nước còn khoảng trên 1.000 đường ngang nguy hiểm. Trong đó, riêng tuyến Hà Nội - Hải Phòng có tới gần 100 đường ngang loại này.
Theo ông Cường, năm 2009, số vụ tai nạn đường sắt giảm 4%, số người chết giảm 10%, số người bị thương giảm 11,3%. Tuy nhiên, tiềm ẩn mất an toàn giao thông đường sắt do khách quan là rất lớn, nhất là khu vực tiếp giáp đường bộ, đường ngang.
Vụ tàu hỏa đâm ôtô làm 9 người chết ở Thường Tín, Hà Nội tháng 11/2009 (Ảnh:VNN). |
Thiếu tướng Hoàng Công Tư - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh 2 (Bộ Công an) đặc biệt lưu ý liên ngành và địa phương cần sớm thu gom các đường ngang dân sinh, hình thành đường ngang có người gác để phòng tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Trong công điện chỉ đạo Cục Đường sắt và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng yêu cầu áp dụng ngay các giải pháp tăng cường an toàn giao thông tại các đường ngang không có rào chắn, người gác, tầm nhìn hạn chế.
“Đối với các đường ngang dân sinh không có người gác và đường bộ giao cắt là đường xã, đường thôn, đường vào cụm dân cư… do địa phương quản lý, Cục Đường sắt cần lập danh sách và đề nghị chính quyền địa phương cấm ôtô đi qua, đồng thời kiên quyết không để tái lập và phát sinh thêm những đường ngang dân sinh bất hợp pháp” - Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
-
Chí Hiếu