Bài 2: "Sống dở chết dở" giữa mỏ than
- Nằm ở địa giới hành chính khác nhau thuộc 2 huyện Phú Lương, Đại Từ và TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), thế nhưng người dân ba xã Sơn Cẩm, An Khánh và Phúc Hà từ nhiều năm phải chung sống với vấn nạn ô nhiễm môi trường từ những khai trường khai thác than trên địa bàn. Cuộc sống thường nhật của họ có thêm “gia vị” mới: khói bụi, nhà cửa sụt lún, bệnh tật và nguồn nước ngầm… biến mất!
Sống trong sợ hãi
Xã Sơn Cẩm (huyện Phú Lương) là xã miền núi. 17 thôn xóm trong xã chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Nó sẽ bình yên như bao vùng quê bán sơn địa khác, nếu như nơi đây không có mỏ than.
Cả xóm Cao Sơn 3 tan hoang thành khai trường. - Ảnh: Kiên Trung |
Còn tại địa phận xóm Cao Sơn 3, từ năm 2003, Công ty CP Xây dựng và Khai thác than Thái Nguyên được cấp phép khai thác tận thu moong than cũ (đã dừng khai thác từ trước năm 2000) tại địa bàn xã Sơn Cẩm. Đó cũng chính là thời điểm người dân Cao Sơn dở sống dở chết vì ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi của việc nổ mìn. Kinh hoàng nhất, đó là việc mở rộng khai trường đã kéo tụt nhiều nhà dân và “đuổi” nguồn nước ngầm khiến hàng chục hộ dân khốn đốn.
Ông Trần Duy Tuyên, nhà sát mép moong than đang mở rộng cho biết: "Thời gian đầu, người dân khốn khổ vì người ta cho nổ mìn vô tội vạ. Mỗi lần mìn nổ, nhà cửa rung bần bật, không ai dám ra khỏi nhà!”.
Sau những đợt nổ mìn là tình trạng nhà cửa rạn nứt và đất sạt lở. 32 hộ dân thuộc xóm Cao Sơn 3 đã viết đơn phản ánh gửi cơ quan chức năng các cấp để cầu cứu. Thế nhưng, mọi việc có giảm đi chút ít, rồi sau đó, đâu lại vào đấy.
“Để mở rộng khai trường, người ta đã cho xe ủi con đường cũ – lối đi trong nhiều năm nay của 32 hộ dân rồi khoét thành rãnh sâu hoắm để khai thác than lộ thiên nằm sâu vài chục thước. Sau đó, họ cho xe ủi đánh bạt một mé đồi, “đền” cho xóm lối đi bằng con đường này. Người dân không chịu, đã đứng ra ngăn chặn, nhưng không làm gì được…” - ông Tuyên nói.
Ông Tuyên liệt kê gần chục hộ nhà cửa bị rạn nứt, hư hỏng nghiêm trọng. Có những nhà, chỉ sau một đêm mà cây lâu năm trồng trước cổng, sáng ra dậy đã thấy bị “tụt” xuống. “Rồi sẽ tới lượt nhà cửa bị kéo xuống, khi mà moong than này cứ tiến sát vào nhà dân!” – ông Tuyên lo ngại.
Khai trường sâu hoắm như một cái vực và con đường dân sinh bị chiếm dụng làm đường vận chuyển than của các công ty khai thác than. - Ảnh: Kiên Trung
Thời điểm chúng tôi có mặt, moong than vừa được mở rộng đã tiến sát mép đồi nơi có các nhà dân đã ở đó lâu năm. Lối đi độc đạo cũ của xóm, nay đã “chìm nghỉm” dưới đáy moong than sâu hoắm. Vỉa moong không được gia cố kỹ thuật, vẫn để nền đất trần khiến nguy cơ sụt xuống bất cứ lúc nào.
Ông Lê Văn Thìn (8 năm liền làm trưởng thôn Cao Sơn 3) bức xúc: người dân đã kiến nghị, nhưng không thấu!
Nước ngầm… "bỏ trốn"!
Ông Thìn cho biết thêm: sau vấn nạn nổ mìn, nhà cửa nứt là đến việc nước ngầm… "trốn" mất.
Trong nhiều tháng qua, 32 hộ dân thuộc xóm Cao Sơn 3 đã bị rơi vào tình trạng không có nước sinh hoạt. Những cái giếng bỏ không vì cạn trơ đáy. Để có nước sinh hoạt, bắt buộc các hộ dân này phải mua đường ống để kéo nhờ từ xóm khác, phía nửa bên kia quả đồi.
“Tiếng là ở đồng bằng mà nước sinh hoạt khô kiệt như vùng núi mùa khô. Người dân chúng tôi nản lắm rồi!” - ông Thìn nói.
Để giải quyết nguồn nước sinh hoạt trước mắt, người dân “mạnh ai nấy lo”. Ngoài việc đi xin nước xóm bên bằng đường ống dẫn nước dài vài trăm mét, nhà nào có bể nước mưa dự trữ thì dùng dè sẻn.
Bà Dinh bên bờ tường hoa của chiếc sân bị nghiêng lún và đổ sập. Mặt sân cũng bị nứt nẻ và nghiêng về phía moong khai thác than. - Ảnh: K.T
Bà Nguyễn Thị Dinh (74 tuổi, tổ 1, xóm Cao Sơn 3) sống một mình trong căn nhà nứt dọc nứt ngang. Mảnh sân gạch bị kéo nghiêng về phía moong than đang được đào bới mở rộng khai trường. Chiếc ao đầu ngõ cũng cạn khô trơ đáy. “Cứ cách ngày, tôi lại sang nhà con gái cách đó hơn 1 cây số để… tắm giặt nhờ.
Trao đổi với VietNamNet, bà Lê Thúy Nguyệt – Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm, cho biết: “Những sự việc trên là có thực. Công ty CP XD – KT than Thái Nguyên đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân trong địa bàn 4 thôn Cao Sơn 1, 2, 3 và 4. Ô nhiễm môi trường vì khói bụi, ảnh hưởng nổ mìn làm nhà dân bị nứt, sụt lún, nước sinh hoạt bị váng toàn bộ, sau đó nước ngầm bị mất, đường dân sinh bị xe trọng tải lớn cày nát và xuống cấp…”.
Bà Nguyệt cho hay: Cty CP XD – KT than Thái Nguyên được tỉnh cho phép khai thác tận thu. Diện tích khai thác của họ trong phạm vi 20ha. Việc mở rộng các moong than cũ để làm khai trường, do đào quá sâu mà không có phương án xử lý để giữ nước ngầm đã khiến toàn bộ hệ thống nước ngầm tại địa bàn các xóm lân cận bị “rút” và cạn kiệt. Hơn 2ha diện tích đất nông nghiệp xen canh của người dân, do không có nước ngầm đã bị “sa mạc hóa” không thể canh tác được tiếp!
Từ thời điểm Công ty CP XD – KT than Thái Nguyên tiến hành khai thác tận thu mỏ than Cao Sơn, người dân trong xóm bỏ cả công việc để đi “kiến nghị”.
Rất nhiều cuộc họp cụm dân cư đã được tổ chức để yêu cầu phía công ty khai thác trả lời về việc bồi thường thiệt hại cho người dân, cam kết giảm tần suất, mật độ và giờ giấc nổ mìn, có biện pháp giảm ô nhiễm bụi và tiếng ồn để đảm bảo cuộc sống người dân, nhưng dường như đều bất thành!!!
Ngày 28/3/2008, người dân xóm Cao Sơn 3 nhận được giấy mời của phía công ty tổ chức họp dân tại Nhà văn hóa thôn. Ông Nguyễn
Chiếc giếng trơ đáy do nguồn nước ngầm theo moong than khoét sâu hút hết và ngôi nhà phải trùm bạt kín mít để chống bụi mù của gia đình ông trưởng thôn Lê Văn Thìn. - Ảnh: Kiên Trung.
Người dân bức xúc yêu cầu công ty cho xem quyết định cũng như sơ đồ quy hoạch về phạm vi khai thác, các quy định về kỹ thuật để đảm bảo hành lang an toàn cho người dân liền kề với khai trường…, thế nhưng không được chấp nhận.
Ông Thìn lập luận: “Nếu như đó là QĐ của UBND tỉnh lấy đất của 32 hộ dân thì phải có phương án di dời, tái định cư cho chúng tôi, đằng này không hề có. Hơn nữa, đến khi nhà dân bị nứt, chúng tôi yêu cầu bồi thường thì công ty mới nói 32 hộ dân thuộc diện di dời. Rõ ràng, có quá nhiều điểm nghi vấn!”.
Tại cuộc họp ngày 1/5/2008, tập thể 17 hộ dân xóm Cao Sơn 3 lại tiếp tục kiến nghị lên UBND xã Sơn Cẩm về việc đề nghị chính quyền xã yêu cầu công ty khai thác than dừng việc khai thác khi chưa thống nhất mức giá đền bù cho người dân.
Nhân dân kiến nghị mức giá đền bù 1.000.000đ/m2 đất thổ cư và 123.000/m2 đất vườn. Tuy nhiên, theo người dân, công ty khai thác than đã đơn phương áp mức giá rẻ rúng, buộc người dân phải di dời.
Trên con đường đầy bụi... - Ảnh: Kiên Trung
“Giá tiền họ đưa ra là 123.000đ/m2 đất thổ cư và 31.000/m2 đất vườn. Mức giá ấy, người dân không đủ mua đất chứ chưa nói tới chuyện làm nhà!” – ông Tuyên ngán ngẩm.
Đại diện cho các hộ dân, ông Thìn là người kiên quyết đấu tranh với công ty khai thác than. Ông khẳng định: “Họ không nói gì tới việc bồi thường hư hại tới công trình, hoa màu cho người dân. Tính theo phương án trên, thì rõ ràng họ đã mua đứt nhà cửa, vườn tược của chúng tôi để đào lấy than dưới lòng đất. Mà làm như thế thì không thể chấp nhận được!”.
Nhà ông Tuyên vì không kiên nhẫn chờ đợi được, cuối cùng đành chấp nhận mức giá do công ty khai thác than Thái Nguyên đưa ra. Toàn bộ đất đai, vườn tược, ngôi nhà mái bằng ba gian kiên cố, hoa màu, ông nhận được số tiền 550 triệu đồng.
“Họ mới trả tôi một nửa (275 triệu) và buộc chúng tôi bàn giao đất đai trước Tết (20/2/2010), khi nào trả đất, họ mới trả nốt tiền. Như thế, thì chúng tôi chỉ có nước đi… ở nhờ mà thôi!” – ông Tuyên rầu rĩ.
- Kiên Trung