- Hai xã An Khánh (huyện Đại Từ) và Phúc Hà (TP Thái Nguyên) lâu nay phải đối mặt với bãi đất thải khai thác than cao sừng sững như núi… giữa cánh đồng và cơ thể ngấm những thứ “bệnh tật công nghiệp”...
"Xã đen kịt"
Con đường vào xã Phúc Hà đen kịt khói bụi than và nhơm nhớp một lớp bùn đen phủ trên bề mặt. Mỗi ngày, hàng trăm lượt xe trọng tải lớn chở than, đất thải từ khai trường qua đây “rải” bụi than cho cả xã.
Con đường vào xã Phúc Hà nhớp nháp một lớp bùn sền sệt do nước tưới đường và bụi than quện với nhau. - Ảnh: Kiên Trung |
Mỏ than lộ thiên của Công ty TNHH Than Khánh Hòa nằm trên địa bàn xã Phúc Hà và đã được tiến hành khai thác trong nhiều năm qua. Phúc Hà được mệnh danh là “làng viêm phổi” cách đấy vài ba năm, khi bãi thải nằm "nghênh ngang" trên địa bàn xã và chất đống cao như núi.
Chiếc cầu treo bắc qua con sông trước kia là nguồn nước nông nghiệp của cả xã, nay đã gần như bị lấp dòng, trở thành “mốc” đánh dấu khu khói bụi. Kế bên phía tay phải của chiếc cầu là nơi tập kết đổ đất thải, khi người ta moi lớp đất bề mặt để lộ vỉa than lộ thiên.
Người dân xã Phúc Hà không gọi nó là bãi, mà gọi là núi, bởi đống đất thải đã chất đầy diện tích 30ha và cao chót vót. Bụi từ núi đất đá thải này bao vây khu dân cư. Có thời điểm, cả xã 80% người dân phải tới khám bệnh tại trạm y tế xã, và đều có các dấu hiệu của bệnh liên quan tới đường hô hấp.
Chiếc cầu cáp treo trở thành "mốc" đánh dấu núi bãi đất thải - Ảnh: Kiên Trung
Thậm chí, khu chứa chất thải đã "ăn" sang vùng giáp danh giữa 2 xã Phúc Hà và An Khánh (huyện Đại Từ). Nơi bị ảnh hưởng đầu tiên của xã An Khánh là xóm Ngò. Ông Ngô Văn Hùng (trưởng xóm Ngò) cho biết: “Một phần ba trong tổng số gần 200 hộ dân nằm trong bán kính 200-300 mét tính từ chân bãi thải, nằm trong vùng ảnh hưởng của bụi than từ bãi thải!”.
Lấy tay rũ một chiếc lá ngô khiến bụi than rơi xuống như xay thóc, ông Hùng than thở: “Nhiều trẻ nhỏ đã bị các chứng bệnh về hô hấp. Dù chưa dám khẳng định nguyên nhân do bãi đất thải, nhưng chúng tôi rất lo lắng cho các cháu, khi ngày càng nhiều đất đá thải được đổ ra!”.
Núi đất thải nằm lừng lững giữa... cánh đồng. Tới đây, sẽ có 87ha đất nông nghiệp bị thu hồi để làm bãi chứa đất thải. - Ảnh: Kiên Trung |
Chưa hết, năm 2009, một trận mưa lớn đã khiến cả cánh đồng xóm Ngò ngập úng vài ba ngày do con mương gần đó bị thu hẹp và bãi đất thải đã “bịt” bề mặt đất, khiến nước không thẩm thấu được xuống lòng đất. Nhiều gia đình xót xa nhìn cánh đồng sắp thu hoạch chìm trong biển nước than đen kịt.
“Cũng bị mất mùa như thế, nhưng bên xã Phúc Hà người dân được đền bù. Còn chúng tôi thì không thấy nói gì! Không biết có phải vì Công ty Than Khánh Hòa cho rằng chỉ phải đền bù người dân xã Phúc Hà, vì bãi đất đá thải của họ thuộc địa bàn xã đó, còn chúng tôi là xã khác nên không phải chịu trách nhiệm!?” – ông Trần Bình Nguyên (xóm Ngò, xã An Khánh) bức xúc.
Đất nông nghiệp bị thu hồi làm… bãi đổ đất thải?
Bãi chứa đất thải rộng 30 ha của Công ty TNHH Than Khánh Hòa trên xã Phúc Hà đã chật kín. Và người dân lo ngại và suy đoán, sẽ có thêm một bãi thải mới mọc lên trên địa bàn xã.
Và điều suy đoán này đã đúng. Ông trưởng xóm Ngò cho hay: “Chúng tôi nghe nói, nhiều ruộng đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi để giao cho họ làm... bãi tập kết đất thải! Trong khi đó, diện tích ruộng chia theo đầu người ở đây rất ít, không đủ gạo ăn cho một khẩu!”.
Ông Nguyễn Văn Bính, Phó GĐ Công ty TNHH than Khánh Hòa xác nhận: “Chúng tôi đã kiến nghị xin và được UBND tỉnh đồng ý quy hoạch mở rộng bãi chứa đất thải với diện tích 87ha nhưng sẽ tiến hành từng phần. Thời gian trước mắt, chúng tôi sẽ mở rộng bãi chứa thải thêm 16ha”. Ông Bính cho hay: Công ty đã làm việc với UBND huyện Đại Từ để thương lượng đi tới thống nhất phương án giá đền bù.
Nếu như vậy, nguy cơ ô nhiễm càng tăng cao hơn đang hiển hiện trước mắt. “Chúng tôi thấy khó hiểu, tại sao họ không chọn khe núi nào đó làm nơi đổ đất thải, cứ phải lấy đất ruộng? Trong khi đó, đất nông nghiệp thì mỗi ngày mỗi ít…” – ông Ngô Văn Hùng lo lắng.
Người dân lo lắng, với công suất khai thác như hiện nay, mỗi năm Công ty than Khánh Hòa thải khoảng 5 triệu m3 đất đá/năm. Với cường độ trên, một bãi thải rộng vài chục ha, chỉ sau 2 năm là bị lấp đầy. Lúc đó, sẽ lại có thêm nhiều ha đất nông nghiệp khác bị “quy hoạch” để làm bãi thải???
Đường dân sinh của thôn Cao Sơn bị biến thành đường vận chuyển của các xe tải trọng lớn và những bì than khổng lồ chất hai bên đường. Ảnh: K.T |
Khi được hỏi về biện pháp khắc phục ô nhiễm, ông Nguyễn Văn Bính hồn nhiên: "Khai thác than lộ thiên nên khó tránh khỏi khói bụi. Chúng tôi tiến hành phun nước để giảm bụi!".
Xác nhận “biện pháp thủ công” ấy, những người dân khi được hỏi cho biết: mỗi ngày người ta cho xe chạy phun nước 2 lần/ngày, vào hai buổi sáng – chiều.
Và con đường đen kịt và nhơm nhớp lớp bùn đen cũng "xác nhận" điều đó. Tuy nhiên, với “núi” đất thải rộng 30 ha, cao ngót cả trăm mét, thì có lẽ, nếu không “gọi trời làm mưa”, thì chắc chắn, cả trăm lượt xe tưới nước mỗi ngày cũng khó có thể giữ bụi than không phát tán đi được!!!
“Sai”, nhưng vẫn chưa sửa!?
Như đã nói, xã Sơn Cẩm, Phúc Hà và An Khánh là 3 xã giáp ranh thuộc ba đơn vị hành chính khác nhau: huyện Phú Lương, huyện Đại Từ và TP Thái Nguyên. Người dân tự hỏi, không biết có phải vì là “vùng biên” của ba đơn vị hành chính, nên các cơ quan chủ quản đều “nhường” nhau mà không đứng ra giải quyết?
Trường hợp xã Sơm Cẩm (huyện Phú Lương). Sau nhiều năm kiên trì gửi đơn thư phản ánh, ngày 18/4/2007, “cuộc họp bốn bên” gồm Sở TN-MT Thái Nguyên; Sở Công nghiệp Thái Nguyên (nay là Sở Công Thương); đại diện UBND xã Sơn Cẩm và Công ty CP XD – KT than Thái Nguyên đã được tổ chức để giải quyết vấn nạn “Cao Sơn 1”.
Một nhà dân đã phải di dời vì không chịu được những ảnh hưởng từ khai trường moong than Bá Sơn mang lại. |
Tại cuộc họp này, Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Công ty CP XD – KT than Thái Nguyên khai thác than tại khu vực moong lộ thiên Bá Sơn chưa đúng theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt năm 1983. Việc khai thác công nghiệp tại khu vực này công ty đã có thiết kế nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, đơn vị tổ chức thi công là không đúng quy định của pháp luật.
Sở TN-MT đã yêu cầu Công ty than Thái Nguyên lập thiết kế khai thác khu vực moong Bá Sơn trình cơ quan chức năng thẩm định và hoàn chỉnh các thủ tục khác để được cấp giấy phép khai thác cho pháp nhân mới. Như vậy, theo kết luận như trên, Công ty than Thái Nguyên đã “khai thác lậu” từ thời điểm trước ngày 18/4/2007?!
Sở Công nghiệp Thái Nguyên cũng khẳng định: Công ty than Thái Nguyên khai thác tại khu vực moong Bá Sơn và khu vực Gốc Thông chưa đúng theo thiết kế đã được phê duyệt.
UBND xã Sơn Cẩm, đại diện là Phó Chủ tịch xã Nguyễn Sỹ Bình đã đề nghị công ty và các cơ quan chức năng kiểm tra cự ly, khoảng cách vành đai an toàn mỏ và quy trình khai thác.
Hai Sở đã thống nhất đưa ra kết luận yêu cầu Công ty than Thái Nguyên xây dựng và hoàn thành phương án thiết kế mỏ, tiến hành đền bù thiệt hại tài sản kinh tế cho người dân.
Tuy nhiên, đã hơn 2 năm trôi qua, người dân thôn Cao Sơn 1 vẫn chưa nhận thấy dấu hiệu tích cực nào.
“Công ty khai thác nguồn lợi kinh tế tại địa phương phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp lại cho địa phương. Đằng này, chúng tôi không thấy bất cứ sự thay đổi nào trong thiết kế kỹ thuật khai thác của họ, trong khi đó, phương án đền bù cho dân thì đơn phương áp giá rẻ mạt. Trong thời gian chưa thống nhất giải quyết, họ vẫn tiến hành móc nguồn than từ trong đất của Cao Sơn để bán lấy tiền. Điều đó quá vô lý!” – một người dân bức xúc.
Với những gì đang diễn ra tại Sơn Cẩm, Phúc Hà và An Khánh thì rõ ràng, vùng giáp ranh của ba đơn vị hành chính của Thái Nguyên, đang bị bỏ rơi, để mặc người dân sống chung với ô nhiễm môi trường.
-
Kiên Trung