Vỉa hè và lòng đường của Hà Nội vốn đã nhỏ, hẹp; bên dưới lại chằng chịt các công trình ngầm làm không đồng bộ: điện, nước…Nên để ngầm hoá các đường dây, cáp: chiếu sáng, thông tin viễn thông, cáp truyền hình…thì giải pháp chôn ống nhựa xoắn là hợp lí nhất.
Những ngày này, người dân Hà Nội qua lại trên các tuyến đường Kim Mã- Nguyễn Thái Học; Văn Cao- Liễu Giai-Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng… thường nhìn thấy từng đống ống nhựa xanh, đỏ lớn cỡ bắp chân, bên trong lại có nhiều ống nhỏ kiểu tổ ong, chất bên vỉa hè. Đây chính là những ống nhựa xoắn được Ban quản lý Dự án hạ tầng Đô thị (thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) sử dụng vào việc hạ ngầm cáp thông tin, truyền hình, dây chiếu sáng…
Quay trở lại với tình trạng “rác trời” chằng chịt trên cột đèn, cột điện, cây cối và nóc nhà của Thủ đô bấy lâu nay. Sau rất nhiều lần nghiên cứu, nâng lên đặt xuống, cuối cùng thì Hà Nội cũng quyết tâm ngầm hoá dần “rác trời” theo từng tuyến phố. Dù chắc chắn không thể kịp ngầm hoá 100% các tuyến phố để “rửa mặt” mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, song hạ ngầm được tuyến phố, con đường nào thì đẹp cho Thủ đô ở nơi đó.
Cho đến nay, đã có ít nhất 2 tuyến phố đã hoàn thành xong việc ngầm hoá này, đều do Ban quản lý Dự án hạ tầng Đô thị làm, đó là phố Hai Bà Trưng và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm (xong phố Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ; còn mặt phố Hàng Khay chưa ngầm hoá). Ngoài ra còn một loạt các tuyến phố khác như kể trên và các tuyến đường: Điện Biên Phủ; Phạm Văn Đồng; Tôn Đức Thắng- Nguyễn Lương Bằng- Tây Sơn- Nguyễn Trãi…đang bắt đầu được triển khai việc ngầm hoá “rác trời”.
Ông Nguyễn Hữu Sùng (Giám đốc Ban quản lý Dự án hạ tầng Đô thị) cho hay: Các tuyến phố, tuyến đường trung tâm của Hà Nội hầu hết đều có vỉa hè nhỏ. Bên dưới lòng đất cũng chằng chịt không thua gì trên trời với các đường điện, nước, cáp bưu điện nằm đan xen. Vì thế đơn vị này chọn giải pháp dùng ống nhựa xoắn để có thể tiến hành ngầm hoá.
Công ty cổ phần Ba An là đơn vị đầu tiên đưa ra giải pháp khả thi về ngầm hoá cáp bằng ống nhựa xoắn. Đặc điểm ống nhựa xoắn có lợi thế lớn nhất là giúp cho việc thi công ở đô thị thuận tiện: nhờ có khả năng uốn lượn dễ dàng qua mọi địa hình, vật cản; chiều dài lên tới 600m không cần phải nối; không cần chôn quá sâu vì ống có khả năng chịu lực ép cao; trong ống “mẹ” có đến 8-9 ống “con” với màu sắc khác nhau để có thể dễ dàng phân chia để quản lý về sau và luồn các loại dây chiếu sáng, cáp thông tin… với tốc độ cao khoảng 60m/phút. Tuổi thọ của ống nhựa xoắn là vào khoảng 50 năm.
Ống nhựa xoắn được công ty cổ phần Ba An cung cấp có 8 màu khác nhau. Màu sắc được phân theo sắc độ và khả năng tác động lên thị giác của người xem. Cụ thể hai màu da cam và đỏ mang tính cảnh báo nguy hiểm, dùng cho các đường dây điện chôn ngầm; màu đen và màu ghi dùng cho các đường dây truyền dẫn thông tin, tín hiệu trong các cơ quan an ninh, quân đội, có tính bảo mật cao; các màu còn lại như xanh da trời, xanh lá cây, vàng và trắng dùng cho các đường dây tín hiệu cáp quang, cáp đồng để truyền dẫn thông tin liên lạc hoặc tín hiệu viễn thông khác. Các màu này có thể là mà đặc trưng của đơn vị chủ sở hữu, là màu chủ đạo trên logo của đơn vị đó.
Hiện nay, tại các khu đô thị, các tuyến đường giao thông mới thường thiết kế các tuyến hào cáp bằng bê-tông cốt thép có nắp đậy, bên trong có các giá đỡ thép để đặt các loại cáp điện lực, viễn thông. Tuy nhiên qua thực tế, hiệu quả sử dụng các tuyến hào kỹ thuật này chưa cao, rất nhiều tuyến hào xây xong chỉ đặt một vài đường cáp điện lực…việc phối hợp các tuyến cáp khác đi chung trong hào không đạt được ý đồ thiết kế. Như thế rõ ràng so với ống nhựa xoắn thì hào thiếu linh hoạt hơn trong khi xây dựng lại tốn kém hơn rất nhiều lần.
Một đơn vị khác được thành phố Hà Nội giao tham gia ngầm hoá các loại dây cáp là Ban quản lý Dự án giao thông Đô thị (BQLDA- thuộc Sở GTVT Hà Nội). Đơn vị này được giao ngầm hoá 4 tuyến đường, bao gồm: phố Khâm Thiên (điểm đầu từ Ô Chợ Dừa- điểm cuối giáp đường Lê Duẩn); đường Lê Duẩn kéo dài đến khu Bắc Linh Đàm; đường Phạm Văn Đồng- Phạm Hùng và dọc đường Tôn Đức Thắng- Nguyễn Lương Bằng- Tây Sơn- Nguyễn Trãi xuống đến đường Trần Phú- Quang Trung (thuộc quận Hà Đông).
Tổng vốn đầu tư hạch toán ban đầu vào khoảng gần 500 tỉ đồng. Trong đó chiếm phân nửa số vốn là tuyến Tôn Đức Thắng- Quang Trung (quận Hà Đông), tuyến này có độ dài trên 12km.
Về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Quang Hà- Phó giám đốc BQLDA cho biết cũng sẽ sử dụng hình thức đặt ống nhựa xoắn, đi dây giống như một số tuyến phố của Hà Nội đã ngầm hoá. “Thực ra tốt nhất thì dùng hầm hào kỹ thuật, loại có thể đi bộ bên dưới được, tuy nhiên với điều kiện thực tế của Hà Nội, vỉa hè, lòng đường đều nhỏ. Hơn nữa dưới mặt đất cũng chằng chịt đường ống không kém nào các búi dây trên không, việc bố trí đường ngầm mới là rất khó nên chúng tôi chọn giải pháp cho đặt ống nhựa xoắn”.
Việc sử dụng ống nhựa xoắn cũng phù hợp với quyết định số 56/2009 của UBND TP.Hà Nội về “Quản lý, xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo, sắp xếp lại các đường dây, cáp đi nổi trên địa bàn TP.Hà Nội”. Theo đó, nếu tuyến phố có lòng đường nhỏ hơn 11,5m, hè đường lớn hơn hơn 5m nhưng vướng nhiều công trình ngầm, nổi không thể bố trí hào kỹ thuật, thì phải thiết kế cống, bể kỹ thuật để hạ ngầm các đường dây, cáp thông tin viễn thông, truyền hình và thiết kế ống riêng để hạ ngầm cáp điện lực, chiếu sáng.
-
Quốc Hưng