- Toàn bộ những đường dây đi nổi dọc các tuyến phố Lê Duẩn-Bắc Linh Đàm; Phạm Văn Đồng-Phạm Hùng; đường 6 cũ (kéo dài từ Tôn Đức Thắng-Quang Trung, quận Hà Đông) và Khâm Thiên sẽ được ngầm hoá xong vào cuối năm nay.
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Giao thông đô thị (BQLDA- sở GTVT Hà Nội)- ông Nguyễn Quang Hà vừa cho hay, đơn vị này đã được thành phố giao việc ngầm hoá toàn bộ các tuyến đường dây đi nổi (bao gồm: dây điện lực, cáp thông tin, viễn thông…) dọc theo 4 tuyến đường.
Đến cuối năm nay, đường Tôn Đức Thắng sẽ không còn cảnh này? (Ảnh minh hoạ: CTV)
Đó là các phố Khâm Thiên (điểm đầu từ Ô Chợ Dừa- điểm cuối giáp đường Lê Duẩn); đường Lê Duẩn kéo dài đến khu Bắc Linh Đàm; đường Phạm Văn Đồng- Phạm Hùng và dọc đường Tôn Đức Thắng- Nguyễn Lương Bằng- Tây Sơn- Nguyễn Trãi xuống đến đường Trần Phú- Quang Trung (thuộc quận Hà Đông).
Tổng vốn đầu tư hạch toán ban đầu vào khoảng gần 500 tỉ đồng. Trong đó chiếm phân nửa số vốn là tuyến Tôn Đức Thắng- Quang Trung (quận Hà Đông), tuyến này có độ dài trên 12km.
Tuyến Phạm Văn Đồng- Phạm Hùng dù có lợi thế đường Phạm Hùng là đường mới, đã có hệ thống hào được làm sẵn, chỉ việc hạ cáp, dây đi nổi song cũng tốn đến 110 tỉ đồng.
Tuyến Lê Duẩn- Bắc Linh Đàm có tổng vốn đầu tư hạch toán ban đầu vào khoảng 87 tỉ đồng, trong đó đường Lê Duẩn sẽ có một đoạn khá dài bên phải (tính từ đầu đường) được bỏ trống vì nằm trong hành lang an toàn của ngành đường sắt. “Đỡ tốn” nhất là phố Khâm Thiên với 47 tỉ đồng.
“Chúng tôi đã gửi công văn đến khoảng 30 đơn vị có cáp điện hoặc cáp viễn thông treo trên cột đèn, cột điện để thống kê khối lượng hệ thống đường dây mà đơn vị đó quản lý trong phạm vi dự án chúng tôi thực hiện. Chúng tôi cũng yêu cầu họ đăng ký số ống sử dụng đủ hạ ngầm cho số cáp treo trên tuyến hiện tại và dự kiến phát triển cho 10-15 năm sau, làm cơ sở để đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ dự án” - ông Hà nói.
Được biết, đa phần sau khi nhận công văn, các đơn vị của quân đội, công an, trung tâm tín hiệu đường sắt (Tổng cục Đường sắt) và các doanh nghiệp viễn thông lớn đều hợp tác, có sự hồi âm sớm. Nhưng một số đơn vị viễn thông nhỏ hơn thì lờ đi, buộc BQLDA phải gửi công văn đến vài ba lần.
Về mặt kỹ thuật, ông Hà cho biết sẽ sử dụng hình thức đặt ống nhựa xoắn, đi dây giống như một số tuyến phố của Hà Nội đã ngầm hoá. “Thực ra tốt nhất thì dùng hầm hào kỹ thuật, loại có thể đi bộ bên dưới được, tuy nhiên với điều kiện thực tế của Hà Nội, vỉa hè, lòng đường đều nhỏ. Hơn nữa dưới mặt đất cũng chằng chịt đường ống không kém nào các búi dây trên không, việc bố trí đường ngầm mới là rất khó nên chúng tôi chọn giải pháp cho đặt ống nhựa xoắn”.
“Ngoài ra, khó khăn không kém là việc đặt đường nối ngang từ trục chính hạ ngầm vào các hộ dân, chủ thuê bao của đường dây thông tin. Rồi việc đặt các tủ kỹ thuật, như thực tế trên các tuyến phố đã ngầm hoá của thành phố, chủ đầu tư thường vấp vào chuyện này vì người dân có cửa hàng mặt đường phản ứng. Đối với hộp kỹ thuật của đường điện thoại, viễn thông không quá to thì còn đỡ; tuy nhiên đối với tủ điện thì là cả một vấn đề vì nó khá to, che khuất một phần mặt tiền của cửa hàng”.
Được biết, dự án ngầm hoá 4 tuyến phố trên đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và trình duyệt. “Dự kiến vào cuối quý III, đầu quý IV năm nay chúng tôi sẽ cho triển khai thi công cùng lúc cả 4 tuyến.
Dự án sẽ hoàn thành sau khoảng 3 tháng, trong trường hợp mưa gió và các điều kiện bất khả kháng khác thì tối đa sẽ kéo dài sang đầu năm 2010. Tuy nhiên dù thế nào cũng sẽ phải hoàn thành trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long”- ông Hà khẳng định.
- Đỗ Minh