221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1201990
Điện lực, chiếu sáng đều bó tay với "mạng nhện"
1
Article
null
Điện lực, chiếu sáng đều bó tay với 'mạng nhện'
,

 - Trong khi Công ty Điện lực Hà Nội không mặn mà cho doanh nghiệp thuê cột điện nữa, thì phía Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng Hà Nội cũng than phiền vì không doanh nghiệp nào xin phép khi treo cáp lên cột chiếu sáng. Cả hai "ông lớn" quản lý những cây "cột treo mạng nhện" này ở Hà Nội đều tỏ ra bất lực với "rác trời"...

 

Một cây cột điện gánh vài tấn cáp

 

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó trưởng phòng Thi đua tuyên truyền (Công ty Điện lực Hà Nội) cho biết: Theo tính toán của Công ty Điện lực Hà Nội, một cây cột điện cao 8,5m thì chịu được tải trọng tối đa là 350kg, nhưng thực tế, con số này hiện lên tới hàng tấn. Trong số đó có khá nhiều cây cột điện già nua, hầu hết đều được lắp đặt từ những năm 80 trở về trước, tuổi thọ trên dưới 30 năm. 

Rác trời. (Ảnh: Cao Minh)

 

Rất nhiều cây cột bị cong, vẹo nhưng không thể đổ được vì bị dây cáp níu tứ phía, thậm chí có những cây mọt trơ cả lõi sắt ở chân nhưng không thể đổ.

 

Lại có thêm những đống cáp mới sắp được chăng lên cột (Ảnh: Cao Minh)

“Chúng tôi đã hạ ngầm toàn bộ lưới điện trung áp khu vực nội thành (cũ). Riêng các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai cũng hạ ngầm được khoảng 80%” - bà Huệ cho hay.

 

“Thậm chí một số khu vực đặc biệt thuộc 2 quận Hoàn Kiếm và Ba Đình chúng tôi cũng đã cho hạ ngầm lưới điện hạ thế (loại đường dây đi vào nhà dân). Vì thế có khá nhiều cây cột điện không còn tác dụng nữa, tuy nhiên chúng tôi không thể loại bỏ vì còn vướng quá nhiều loại dây nhằng nhịt treo bên trên”.

 

Bà Huệ khẳng định: có tới 50% số lượng các đường dây cáp treo trên cột điện là rác theo đúng nghĩa đen vì đã “chết” (đứt, hỏng). Các công ty kéo cáp viễn thông, cáp truyền hình… thay vì phải thu hồi lại các sợi cáp đứt, hỏng khi kéo vào nhà dân, cơ quan thì lại kéo luôn một đường dây mới, bỏ mặc số phận của sợi dây cũ, và cứ thế tích tụ lại từ năm này qua năm khác.

 

Điện lực HN không muốn cho thuê cột nữa

 

Cột điện ở Hà Nội "đắt hàng" là thế, nhưng theo bà Huệ: "Trước đây chúng tôi cho thuê với giá 3.000 đồng/cột, nhưng quan điểm hiện nay của Công ty Điện lực Hà Nội là không muốn cho thuê nữa.

 

 
“Với tốc độ kéo cáp hiện nay, nếu không ngăn chặn chỉ trong vòng 5 năm nữa là “rác trời” khu vực đô thị mới sẽ đuổi kịp nội thành” - bà Huệ dự báo- "Đương nhiên là các đơn vị thích treo hơn là đi ngầm cáp; đơn giản vì giá thành sẽ rẻ hơn từ 5-6 lần".
Bà Nguyễn Thị Minh Huệ
Chúng tôi đã rất nhiều lần gửi công văn đến các đơn vị có cáp, đề nghị họ dỡ cáp để chúng tôi có thể chặt bỏ cột, nhưng không có hồi âm".

 

Trên địa bàn toàn thành phố hiện nay có đến hàng trăm nghìn cột điện do Điện lực Hà Nội quản lý. Trong đó có 92.000 cột được đem cho 16 đơn vị thuê, trong hợp đồng cho thuê có điều khoản: bên thuê muốn đi dây phải báo cho các đơn vị điện lực cơ sở (quận, huyện) đóng trên địa bàn; phải treo rõ biển báo đường dây của đơn vị mình.

 

Trong trường hợp, ngành điện tiến hành sửa chữa, đại tu cột điện hoặc tiến hành hạ ngầm thì các đơn vị phải tự gỡ bỏ đường dây của mình.

 

Quy định là thế, xong không đơn vị nào thực hiện. “Đừng nói chuyện họ treo tên biển lên cáp, bây giờ tôi đố anh nào ra chỉ ngay được đâu là cáp của mình. Bản thân thợ điện còn phải bới mãi mới tìm ra đường dây điện” - bà Huệ phàn nàn.

 

Muốn "đẩy" các doanh nghiệp khác ra khỏi hệ thống cột điện, dù Điện lực Hà Nội không còn cho ký hợp đồng thuê cột mới, song tốc độ kéo cáp vẫn mỗi ngày một nhiều. Các đơn vị tổ chức kéo chui vào ban đêm, ngày nghỉ, thuê “cửu vạn” kéo để đề phòng bị phát hiện, đương nhiên không có thiết kế hay giấy phép gì cả.

 

Chiếu sáng: "Chẳng ông nào xin phép chúng tôi!"

Có 3 loại cột chiếu sáng (cột đèn) do Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng HN quản lý; cột điện do Công ty Điện lực HN quản lý (loại cột này chiếm tỉ lệ lớn nhất); cột bưu điện, số lượng ít nằm chủ yếu ở khu vực ngoại thành đang phải gánh những tấn "rác trời" khổng lồ.

 

Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng HN Nguyễn Quốc Tuân bức xúc: "Tôi xin nói luôn là tất cả các búi dây mắc loằng ngoằng trên cột đèn toàn thành phố đều là treo trộm. Không hề có một đơn vị nào đến xin phép, thoả thuận với chúng tôi trước khi tiến hành mắc cáp cả".

Một "người nhện" kéo cáp mắc trộm lên cột đèn khu vực rạp Chiếu phim Quốc gia (Ảnh: Cao Minh)

 

"Thậm chí như 2 ngã tư: Vọng-Sở. Chủ đầu tư chưa bàn giao chính thức việc quản lý cột đèn cho chúng tôi (cột mới trồng), nhưng các đơn vị đã bắt đầu tự ý chăng cáp lên, chúng tôi kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư phải làm vệ sinh sạch sẽ trước khi bàn giao, thì mới nhận" - ông Tuân nói.

 

Cột đèn của Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng HN có 2 loại: bằng bê tông li tâm và bằng thép mạ. Loại bằng bê tông có trước, từ khoảng những năm 80 (do Liên Xô cũ tài trợ). Khi đó thành phố chủ trương dùng loại này để cho các đường dây đi chung như tàu điện bánh hơi, dây thông tin và dây truyền thanh. Khi xã hội phát triển, hàng chục các loại dây khác ra đời cũng treo lên đấy.

 

Loại bằng thép mạ được đầu tư vào các khu đô thị mới, tiêu biểu là khu Linh Đàm và nhiều khu khác, tuyến phố mới. Ban đầu thì rất “sạch sẽ”, chỉ trơ trọi mỗi chiếc cột đèn bởi hệ thống chiếu sáng của Hà Nội cũng được đi cáp ngầm, nhưng đến nay, một chiếc cột có khi phải gồng gánh hàng chục sợi cáp to và cả trăm sợi cáp nhỏ các loại.

Tai nạn xảy ra mới biết mặt chủ cáp

 

"Trước kia, các đơn vị kéo cáp ban ngày. Hiện nay, thanh tra các sở GTVT, xây dựng tăng cường kiểm tra thì họ chuyển sang kéo cáp ban đêm. Bản thân chúng tôi cũng bắt quả tang mấy vụ kéo cáp đêm ở Kim Mã, Giang Văn Minh thì chỉ thấy thợ, chủ đầu tư trốn biệt" - ông Tuân cho biết.

 

Siêu mạng nhện trên đường Lạc Long Quân (Ảnh: CTV)

 

Ông Tuân kể: Cách đây 2 tháng, một cột đèn khu vực đền Voi Phục sau cơn giông bị gió thổi nghiêng, Xí nghiệp đã phải cho thu hồi. Phải mất đến 2 hôm sau mớ dây dợ để nằm dưới đất mới được các đơn vị dọn đi - nghĩa là chỉ đến khi sự cố xảy ra họ mới xuất hiện. Thậm chí rất nhiều trường hợp đợi mãi không thấy đơn vị chủ quản xử lý, Xí nghiệp Quản lý điện chiếu sáng HN  phải tự cắt đi.

 

"Rất khó quy trách nhiệm vì ngay bản thân chúng tôi quản lý cột đèn cũng không thể biết hết trên cột có những loại dây gì, vì họ đâu có treo tem hiệu".
Cuối năm ngoái, khu vực Nghi Tàm bị đổ 3 cột đèn. Nguyên nhân do hộp cáp bưu điện ở chân cột cháy gây nổ bê tông. Cột thứ nhất đổ, cột thứ hai còn nghiêng nghiêng thì đã có một anh chàng trèo lên cắt cáp của đơn vị mình. Cột này đổ nốt, làm móp đuôi một chiếc xe 24 chỗ đi qua, anh chàng leo cột thoát chết vì nằm đúng chỗ cổ vịt nên không bị cột đè. Sau đó chiếc cột thứ 3 cũng đổ theo, dây dợ nhiều đến nỗi đen cả hè đường.

 

Trước nữa, khu vực Võng Thị - Lạc Long Quân cũng bị đổ liền một loạt 7 cột đèn - sức nặng của dây cáp đã khiến cho chân cột nằm bên rìa hồ Tây bị lở. Nói chung số cột đèn bị đổ thì không lớn, nhưng cong vẹo thì nhiều. Dù nghiêng vẹo nhưng bị dây cáp chằng tứ phía, nên muốn đổ cũng khó.

 

"Hiện chẳng có chế tài cho chúng tôi xử lý những trường hợp này. Chúng tôi sản xuất mỗi chiếc cột đèn thép mất từ 3-4 triệu đồng nhưng cũng chả được phép thu đồng phí treo cáp nào, cũng không thể tự ý cắt đứt cáp của các đơn vị đó!" - ông Phó Giám đốc trăn trở.

  • Đỗ Minh

Những đơn vị quản lý cột điện bức xúc vì không xử lý được "rác trời", còn các doanh nghiệp thuê cột điện cũng cực chẳng đã bởi đường dây cáp thường xuyên gặp sự cố, ảnh hưởng đến không nhỏ đến chất lượng dịch vụ. Vậy nên chăng đã đến lúc Hà Nội cần dẹp bỏ "rác trời" bằng cách ngầm hoá tất cả hệ thống "mạng nhện" hiện nay?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,