(VietNamNet) – Tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng đã khiến Chính phủ phải ra Nghị quyết cấm lưu thông xe công nông, xe 3-4 bánh xe tự chế. Thế nhưng, vào giờ chót thì chính sách này đã phải hoãn lại. Điều gì đã xảy ra?
Xe chạy kiểu này, không cấm mới lạ! Ảnh T.Thuấn |
Đã 3 tuần kể từ ngày lệnh cấm có hiệu lực rồi bị tạm hoãn vào giờ chót, những câu chuyện xoay quanh lệnh cấm này vẫn nóng rẫy. Ai cũng thấy và cũng đều thừa nhận việc cấm xe 3, 4 bánh tự chế lưu thông là đúng, đặc biệt trong bối cảnh tai nạn và tắc nghẽn giao thông đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng đối với giao thông. Một chiếc xe gắn máy chở 2 người thì phải đăng ký và kiểm tra chất lượng trước khi cho lưu hành. Một chiếc ba gác máy chở gần tấn hàng, kích thước lớn gấp nhiều lần chiếc xe máy, thì bao năm qua đã bị bỏ lơ ngoài vòng quản lý. Phản ứng của công luận vào giờ chót: người sử dụng xe 3 bánh sẽ kiếm sống bằng gì? Nhu cầu vận chuyển bằng xe 3 bánh (thu gom rác, chở hàng bỏ mối chợ…) sẽ được đáp ứng bằng gì? Điều đáng tiếc là những câu hỏi đó chỉ được cất lên vào giờ chót! Suốt 6 tháng, công luận hầu như im lặng Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế ùn tắc và TNGT được ban hành từ cuối tháng 6/2007. Trong đó, thời điểm lệnh cấm lưu thông xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh đã được ấn định vào ngày 1/1/2008. Chỉ đến khi “giờ G" sắp điểm, các phương tiện truyền thông mới tới tấp đưa tin. Hàng vạn hộ gia đình mưu sinh nhờ xe tự chế mới bàng hoàng hay tin về lệnh cấm. Các phương tiện truyền thông dường như đã thực hiện khá tốt chức năng phản ánh đời sống xã hội “từ dưới lên”. Tuy nhiên, qua vụ xe 3-4 bánh có thể thấy sự thiếu sót của truyền thông trong việc phổ biến chính sách “từ trên xuống.” Tại sao một chính sách ảnh hưởng đến mưu sinh của hàng vạn hộ gia đình, suốt 6 tháng không được phổ biến đến họ? Một chính sách, mỗi nơi hiểu một khác Ngoài sự lấn cấn về thi hành hay hoãn lệnh cấm xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh của Chính phủ, ngay cách hiểu và áp dụng lệnh cấm này cũng không nhất quán, mỗi nơi mỗi kiểu. Theo Thượng tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Đà Nẵng, xe ba gác, xích lô không phải là xe tự chế 3, 4 bánh nên vẫn cho 2 loại xe này hoạt động bình thường trên địa bàn Đà Nẵng. Còn tại TP.HCM, trước khi lệnh cấm bị hoãn thi hành, Công an TP.HCM cũng hiểu xe xích lô, ba gác có biển số, còn thời hạn đăng kiểm thì không thuộc đối tượng cấm lưu thông. Nghị quyết 32 quy định cấm xe công nông, xe 3, 4 bánh tự chế. Thế nhưng, công văn 1992 sau đó lại quy định: “Không cho phép đăng ký và lưu hành xe môtô ba bánh, xe gắn máy ba bánh để vận chuyển khách và hàng hóa trong nội thành, nội thị. Các khu vực khác thì do UBND tỉnh, thành phố đó quy định". Còn người dân thì chỉ biết kinh hoàng trước lời khẳng định của Cục Giao thông đường bộ về phương tiện mưu sinh của mình: “sẽ tịch thu bán phế liệu, sung công quỹ.”
Vừa vi phạm, vừa cản trở giao thông. Ảnh T.Duy
Suốt 6 tháng, các cơ quan quản lý đã làm gì?
Chỉ vài ngày trước khi lệnh cấm có hiệu lực, một vài ban ngành mới thống kê được lượng xe 3, 4 bánh tự chế ở một vài địa phương, và tạm đưa ra số liệu chung chung về số người có thể bị đảo lộn cuộc sống khi thực hiện lệnh cấm. Thống kê này cũng chỉ được đưa ra theo kiểu... ước tính, chứ không theo những cuộc điều tra cụ thể.
Sáng ngày 31/12/2007, UBND Thành phố HCM phải tổ chức cuộc họp đột xuất, để đi đến một kết luận của Chủ tịch UBND là hoãn lệnh cấm. Kết luận này ra đời chỉ vỏn vẹn… 12 giờ trước khi lệnh cấm có hiệu lực…
Ngày 28/12/2007, Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh có phiên họp bất thường để thảo luận về số phận xe tự chế…
Ngày 28/12/2007, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai gửi tờ trình đề nghị Thủ tướng cho gia hạn việc sử dụng xe công nông phục vụ nông nghiệp…
Tình trạng "xé rào" này cũng diễn ra tương tự ở nhiều địa phương khác như Bạc Liêu, Trà Vinh...
Đêm giao thừa 31/12/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông gửi công điện khẩn đến các địa phương để lùi thời điểm cấm xe tự chế…
Mặc dù có công điện khẩn của Bộ Giao thông, Thành phố Đà Nẵng và một số địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp... vẫn thông báo tuân thủ nghiêm lệnh cấm của Chính phủ. Trong khi theo nguyên tắc ban hành văn bản, văn bản do cơ quan nào ban hành, chỉ cơ quan đó mới có quyền hủy bỏ (trừ phán quyết, quyết định của tòa án).
Suốt 6 tháng, doanh nghiệp ngủ quên?
Hàng vạn chiếc xe 3-4 bánh tự chế cần phải được thay thế. Nhưng các doanh nghiệp đã phản ứng như thế nào trước nhu cầu của người dân và cơ hội mới trên thị trường?
Còn nhớ trong năm 2007, nhu cầu thay thế xe công nông tại các tỉnh vùng cao phía Bắc và Tây Nguyên đã mau mắn được đáp lại bằng chính sách gây nhiều phản ứng: trợ giá lãi suất và trợ cấp 9 triệu đồng cho một chiếc xe tải của doanh nghiệp TMT bán ra.
Còn việc cung cấp phương tiện thay thế cho xe 3 bánh, dường như các doanh nghiệp bỏ qua thị trường này.
Suốt 6 tháng, không thấy một doanh nghiệp nào trong nước thông báo sẽ sản xuất xe thay thế. Cũng không thấy một doanh nghiệp nào lên tiếng 6 tháng đó là đủ hay không đủ để họ sản xuất hàng vạn phương tiện thay thế.
Phải chăng các doanh nghiệp sản xuất đã ngủ quên? Hay họ thấy thị trường này không có lãi? Hay họ thấy không có trách nhiệm trước một nhu cầu của người nghèo?
Có lẽ, đây là một trường hợp điển hình của việc một chính sách đúng nhưng không thể thi hành, vì tổng hợp của sự thiếu trách nhiệm từ nhiều ngành.
-
Tấn Thuấn
Bài tiếp theo: Khi doanh nghiệp còn ngủ quên, hàng Trung Quốc đã âm thầm mai phục.
Ý kiến của bạn?