221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1024552
Hàng rong Hà Nội vái lạy: "Cho tôi kiếm cơm!"
1
Article
null
Hàng rong Hà Nội vái lạy: 'Cho tôi kiếm cơm!'
,

(VietNamNet) - Giật thót trước dự định cấm tiệt của UBND TP.Hà Nội rồi lại bần thần nghe tin "Dứt khoát cấm bán rong trên phố chính", những người dân hàng ngày phơi mặt trên đường với xe đẩy, quang gánh đều xin: "Đừng để người cùng đinh thành cùng đường!".

Chị Trần Thị Bình: "Mùa nào tôi bán thức nấy". Ảnh: P.Hải

Chị Trần Thị Bình, người bán hoa giả cho biết: "Hai vợ chồng tôi đều ở quê, không có nghề nghiệp gì ổn định nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Từ ngày 2 đứa trẻ bắt đầu đến trường, cuộc sống càng khó khăn hơn nên vợ chồng tôi bàn bạc mãi rồi quyết định thay phiên nhau một người ở nhà trông con, một người lên Hà Nội đi bán hàng rong để kiếm thêm tiền. Mùa nào thức nấy, mùa hè thì bán hoa quả, mùa thu thì bán hoa tươi, gần Tết thì bán hoa giả nên thu nhập cũng tạm ổn.  

Người ta cứ bảo những người bán hàng rong chúng tôi là "vô ý thức, gây lộn xộn và mất an toàn giao thông nên phải cấm" nhưng thực tế thì không phải người bán hàng rong nào cũng như thế. Bởi lẽ ai cũng biết rằng, nếu gây lộn xộn và mất trật tự thì các chú công an và trật tự sẽ xử lý chúng tôi trước tiên.

Mặt khác, nếu thường xuyên dừng xe dưới lòng đường mà buôn bán thì kiểu gì cũng có ngày bị... xe đụng, rồi bị người đi đường mắng chửi nữa. Vậy nên, vạn bất đắc dĩ chúng tôi mới phải dừng lại dưới lòng đường, bán vội bán vàng cho khách rồi cũng đi luôn chứ có bao giờ dám nấn ná hay "họp chợ" giữa đường đâu. Giờ mà chính quyền cấm hàng rong thì vợ chồng tôi cũng chưa biết sẽ phải làm gì để 2 đứa bé có tiền đi học".

Anh Đặng Văn Thức với gánh ổi Đông Dư. Ảnh: P.Hải

Anh Đặng Văn Thức ở huyện Sóc Sơn tâm sự: "Sáng nào tôi cũng dậy từ 5h, đạp xe chở gần 1 tạ ổi Đông Dư từ Gia Lâm sang nội thành cũng mất đứt cả tiếng đồng hồ. Ngày nào ế cũng bán được 30-40kg, có ngày đắt hàng thì đến đầu giờ chiều là cả tạ ổi hết veo, trừ hết các khoản ăn uống, thuốc lá, thuê nhà đi thì mỗi ngày cũng bỏ túi khoảng 100 nghìn. Với dân nội thành thì số tiền này chẳng nhiều nhặn gì nhưng với "người nhà quê" chúng tôi, 100 nghìn đồng là toàn bộ chi tiêu của một gia đình trong 3-4 ngày đấy". 

Về chuyện "hàng rong sắp bị cấm", anh Thức nói: "Có ai muốn cuộc đời mình cứ vất vưởng lòng đường vỉa hè thế này mãi đâu... Thực lòng tôi rất muốn có đủ tiền để thuê lại một ki-ốt hoặc một sạp hàng nhỏ ở một chợ nào đó để buôn bán cho ổn định, nhưng giá thuê ki-ốt thì cao ngất ngưởng mà đâu phải lúc nào cũng có sẵn chỗ cho mình thuê. Hơn nữa, thấy người ta bảo thành phố hiện có chủ trương xóa bỏ toàn bộ chợ cũ để thay thế bằng các trung tâm thương mại to đẹp hơn nên cũng lo, ngộ nhỡ vừa bỏ cả đống tiền ra thuê sạp thì chợ có quyết định giải tỏa để xây chợ mới thì có mà mất trắng, rồi lại vất vưởng. Đến khi trung tâm thương mại mới xây xong, giá thuê chắc chắn sẽ cao, những người nghèo như chúng tôi tiền đâu ra mà thuê!".

Anh Vũ Bắc Bình chưa biết sẽ làm nghề gì sau khi rời xe than tổ ong này. Ảnh: P.Hải

Anh Vũ Bắc Bình ở Kiến Xương, Thái Bình là bộ đội giải ngũ hiện kiếm sống bằng nghề đẩy xe bán than tổ ong ở khu vực quận Đống Đa nói: "Sau khi xuất ngũ, tôi cũng đã xin vào làm công nhân trong một công ty xây dựng tư nhân, nhưng vì công việc quá vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu nên cuối cùng đành lên Hà Nội đi bán than tổ ong. Dù thu nhập cũng chỉ nhỉnh hơn so với khi làm công nhân chút ít nhưng bù lại là giờ giấc thoải mái, không phải lo bị chấm công và trừ lương. 

Mấy hôm nay thấy người ta bàn tán ầm ĩ chuyện hàng rong sẽ bị cấm nhưng tôi cũng chẳng hiểu xe than của mình có được xếp vào loại "hàng rong" gây lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông hay không. Có lẽ phải nghe ngóng tìm hiểu xem thế nào chứ đùng một cái cũng bị cấm thì tìm việc mới khó khăn lắm. Thời buổi việc ít, người đông nên phải tính toán trước chứ không thì đói mất.

Theo tôi thấy, hầu hết người bán hàng rong đều là những người có hoàn cảnh gần như là "cùng đinh" rồi nên mới phải phơi mặt ra đường với xe đẩy và quang gánh, giờ mà bị cấm thì từ chỗ "gần như là cùng đinh" sẽ trở thành "cùng đường" luôn. Chẳng biết lúc đó số phận của hàng chục nghìn gia đình đang sống nhờ những gánh hàng rong ở Hà Nội rồi sẽ trôi dạt về đâu?"

 

Chị Nguyễn Thị Lài kiếm cơm nhờ xe hoa bán rong. Ảnh: P.Hải

Chị Nguyễn Thị Lài bán hoa tươi nói: "Phần vì miếng cơm manh áo, phần vì chợ không đủ chỗ nên chúng tôi mới phải nhoi ra hè đường như vậy, chứ nếu các chợ ở Hà Nội mà đủ chỗ ngồi chắc chúng tôi chẳng ra đường để suốt ngày lo xe đâm hay công an phạt thế này đâu. Nếu "cấm hàng rong" chính thức trở thành quy định của pháp luật thì chúng tôi cũng buộc phải bỏ xe, bẻ quang gánh mà về quê thôi chứ chẳng dại gì mà bám lấy gánh hàng rong.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn các bác, các chú trên thành phố cân nhắc, xem xét để đưa ra những quy định hợp tình, hợp lý nhằm tạo điều kiện cho người nghèo chúng tôi có cơ hội kiếm thêm thu nhập để bảo đảm cuộc sống.

  • Công Thanh - Phạm Hải 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,