221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1023260
Chủ tịch Hà Nội: "Dứt khoát cấm hàng rong ở đường phố"
1
Article
null
Chủ tịch Hà Nội: 'Dứt khoát cấm hàng rong ở đường phố'
,

(VietNamNet) - Trả lời báo giới bên lề Hội nghị BCH Đảng bộ Hà Nội sáng nay (10/1), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "Nghị định 227 đang được sửa đổi, theo hướng dứt khoát nghiêm cấm bán hàng rong ở những đường phố chính".

>> "Hàng rong sẽ đồng hành tiến vào kỷ nguyên đô thị"
>> Hàng rong Hà Nội phấp phỏng nỗi lo "cơm áo"

Duy trì bốt điện thoại, quầy bán báo trên vỉa hè

- Thưa ông, hiện UBND thành phố đang xem xét sửa đổi Quyết định 227 liên quan đến số phận của vỉa hè Hà Nội. Quyết định này được sửa theo hướng nào?

- Quyết định 227 được sửa theo hướng chấm dứt mọi hình thức kinh doanh, buôn bán trên vỉa hè, kể cả bán hàng rong, kinh doanh, rửa xe máy... để trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Thành phố sẽ chỉ cho phép những hoạt động có tính chất dịch vụ công như bốt điện thoại, quầy bán báo...

a
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: "Sẽ quy định địa điểm để hàng rong qui tụ lại một cách trật tự". Ảnh: VA

Còn bãi giữ xe máy, ô tô, vì chưa có đủ bãi đỗ xe tĩnh nên nếu nghiêm cấm thì rất khó. Nhưng chúng tôi sẽ có quy hoạch điểm đỗ chi tiết từng đoạn phố để vẫn có chỗ trông giữ xe mà người đi bộ vẫn có vỉa hè để đi. 

Ta đã có quy định nhưng thực hiện vẫn không nghiêm ở đỗ xe máy, ô tô tương đối nghiêm rồi, riêng xe máy là cả vấn đề nan giải bởi lượng xe máy rất lớn. 

- Thành phố sẽ cấm bán hàng rong ở mức độ nào, thưa ông?

- Vừa rồi Thành ủy cũng nêu ý kiến, để thực thi việc này sẽ cần thiết mở ra những điểm như chợ cóc, nhưng có qui định và địa điểm hẳn hoi.

Hiện nay, với lực lượng bán hàng rong, chưa qui định địa điểm nên buộc người ta phải gánh rong đi bán. Bây giờ phải quy định các điểm nhỏ có thể qui tụ hàng rong lại để có trật tự. Tất nhiên những điểm này phải ở những nơi không làm mất cảnh quan ở đô thị, trong những ngõ, phố không tên để cho bà con vào đó bán và mua. 

Còn những đường phố chính, đường phố văn minh đô thị, đường phố lớn, dứt khoát nghiêm cấm không cho bán hàng rong.

Các xe thồ, xe đẩy đi dọc đường, dọc phố đợt này là phải thôi, vì thực ra đó là nhu cầu của một lượng không lớn. Giả sử không có cái đó thì người dân vẫn có thể đi bộ đến cửa hàng, cửa hiệu để mua. 

Nhưng nếu có thì vì tiện mà người ta mua thôi. Tôi cho rằng phải kết hợp các biện pháp hành chính, kết hợp giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân, phải chịu khó đi bộ để mua những mặt hàng nhỏ.

- Nhưng nếu cứ đẩy hàng rong vào những ngõ, phố không tên thì có dẫn đến sự quá tải, nhếch nhác ở các ngõ, phố này không?

- Đó cũng là một vấn đề. Nhưng về lâu dài, phải tìm những góc, quĩ đất để chúng ta có thể tạo thành các chợ cóc. Mà hiện nay chợ cóc vẫn xuất hiện ở trong chính những phố đó thôi.

Vỉa hè nhỏ không thể để bán hàng

- Ông nghĩ sao khi ở những thành phố lớn trên thế giới như Paris, Tokyo... người ta vẫn duy trì những cửa hàng cà phê, bán đồ ăn nhanh... trên vỉa hè?

- Nhưng người ta qui định có nơi có chốn. Phần lớn là ở những phố đi bộ hoặc không có mật độ giao thông lớn, chứ không phải những phố chính, phố lớn. 

Hơn nữa, chỉ ở những vỉa hè rất rộng thì người ta mới cho phép bán hàng. Hè của các nước rộng đến 80 mét khác với hè của mình, nhỏ đến nỗi có chỗ không còn lối đi. 

- Ông có cho rằng cấm hàng rong sẽ làm mất đi một nét văn hóa đất kinh kỳ?

- Chúng ta bảo tồn những gì là nét đẹp truyền thống thôi và phải mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phải đáp ứng được thẩm mỹ, chứ những gì lạc hậu không lẽ cũng phải giữ? 

Tôi cho rằng hình ảnh quang gánh dùng để quay phim, chụp ảnh thì được, hoặc sau này, khi phố cổ trở thành tuyến phố đi bộ thì có thể giữ lại một chút hình ảnh văn hóa truyền thống đó.

Bây giờ, đi buôn bán bằng gồng gánh khi mà mật độ giao thông cao thì không làm nên mỹ quan của thành phố, lại cản trở giao thông. Tôi đã chứng kiến buổi sáng, trước khi thực hiện quy trình bán rong, người ta phải để quang gánh đó lên xe đạp, đến điểm bán rong thì mới hạ xuống, gửi xe và gánh đi bán. Hình ảnh đó thì chắc chúng ta không nên bảo tồn làm gì.

- Vậy thành phố có đề ra một lộ trình cụ thể không?

- Chắc chắn sẽ phải đề ra lộ trình. Chúng tôi sẽ giao cho các ngành, các quận, huyện nghiên cứu và đề xuất một lộ trình để trước khi thực hiện, có một thời gian chuẩn bị. Nhưng thành phố sẽ thực hiện ngay trong năm 2008. 

Nhưng cũng phải xét đến khía cạnh, nhiều người bán hàng rong không còn ở độ tuổi lao động tuyển vào những nhà máy công nghiệp được nữa. Đó là khó khăn, bất cập trong giải quyết vấn đề.

  • Vân Anh

Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,