(VietNamNet) - Ngày 01/01/2008, cùng với các loại xe tự chế, xe ba bánh, xe công nông bị cấm lưu hành, trên tất cả các tuyến đường không thấy chiếc nào ra đường; tất cả đều "đắp chiếu" chờ quyết định cho... tái sử dụng.
Nằm chờ "trời sáng sau mưa"
Gia cố xe chờ ngày... chạy trở lại.
Theo quy định, ngày 1/1/2008, các lực lượng cảnh sát của TP. Hà Tĩnh, huyện Thạch Hà đã ra quân, lập các chốt chặn, kiểm tra các tuyến đường mà thường ngày có nhiều xe công nông hoạt động. Suốt một buổi sáng, không thấy bóng dáng của một chiếc xe công nông, xe ba bánh nào. Không có lấy một biên biên bản thu phạt, xử lý đối vối công nông, xe tự chế, xe ba bánh.
Rời chốt chặn, PV VietNamNet tìm đến các nẻo đường nông thôn, cũng thấy "vắng tanh công nông".
Ông Nguyễn Văn Điệp - Công an xã Hộ Độ, huyện Thạch Hà cho biết: “Trên địa bàn xã có 17 xe công nông đăng ký, đến nay người dân đã bán 2 xe, còn 15 đang chờ để bán. Sở dĩ dân chưa muốn bán vì họ chưa biết chuyển đổi ngành nghề gì cho phù hợp. Mua xe mới thì giá quá đắt, không được Nhà nước hỗ trợ thì khó mà đủ tiền mua”.
Mấy ngày trước khi có quyết định cấm, các loại xe này hoạt động với công suất tối đa. Anh Lê Tiến Hợp một chủ xe ở xóm Tân Quý, xã Hộ Độ bảo: “Phải tranh thủ chạy kiếm thêm ban đêm nữa. Khi nào họ cấm thì tôi để xe ở nhà”.
Nhìn vào các gia đình có xe công nông thì thấy các xe vẫn để im. Các chủ xe đã chuẩn bị tinh thần cho đợt cấm từ lâu rồi, giờ lực lượng công an ra quân làm ráo riết thì họ tạm thời cho xe "ở ẩn". "Mấy hôm nay cũng chẳng ai dại gì mà chạy xe để bị bắt và bị tịch thu xe, phải chờ xong đợt cao điểm này mới đi làm trở lại được” - anh Hợp cho biết thêm.
Bị cấm, công nông lén chở hàng trên... đường làng.
Cũng có một vài xe lén lút hoạt động trong các tuyến đường nhỏ trong thôn xóm nơi mà các lực lượng chức năng không có mặt. “Còn nếu những lúc mà bị chính quyền địa phương phát hiện thì cũng không việc gì, vì người nhà với nhau cả” - anh Trương Văn Diên ở Tân Quý, Hộ Độ tiết lộ.
Tình hình trong ngày đầu ra quân của cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng rất nhẹ nhàng. Còn những người chạy xe công nông ở Hà Tĩnh thì có rất nhiều suy nghĩ tính toán làm sao vừa giữ lại xe làm ăn vừa không bị “tóm” để “chờ ngày có quyết định cho tái sử dụng xe công nông” như ông Nguyễn Văn Doãn trưởng thôn Tân Quý mong muốn.
Xe không chạy cũng không bán
Anh Diên kể lại: “Năm 2004, tôi đã vay mượn để mua được chiếc xe công nông 28 triệu đồng. Vốn đầu tư vào đó cả. Nếu giờ không cho công nông hoạt động, bán sắt vụn chỉ được khoảng 7 triệu đồng. Còn tiền bỏ ra học giấy phép lái xe nữa. Mà bán xe thì không có việc gì để làm, nếu mua xe mới đúng và đạt tiêu chuẩn thì đắt không mua nổi”.
Không riêng gì anh Diên mà còn có rất nhiều người khác đều muốn giữ lại xe để mưu sinh. Bởi đó là tất cả tài sản, nghề nghiệp mà họ có. Hơn nữa “nông thôn cần xe đó, vì không có công nông không giải quyết được vấn đề trong vận chuyển vật liệu, giá thành chuyên chở cũng rẻ”, ông Doãn bộc bạch.
Công nông bắt đầu "kỳ nghỉ vô hạn"
Chúng tôi vào nhà anh Trương Quang Dần hỏi mua lại xe, nhưng anh Dần không bán vì “giờ bán được mấy đồng thì làm được cái chi, tui giữ xe để làm ăn, giờ cái chi cũng lên giá, bán xe thì lấy chi mà ăn. Họ cấm vậy chứ không làm triệt để đâu, ở nông thôn còn len lách được, không ai vào đó mà bắt đâu”.
Anh Hợp, anh Diên cũng mong muốn giữ lại xe sau này sẽ có sự cho phép sử dụng trở lại. Còn anh Nguyễn Văn Hiền thì ngoài việc dùng xe để làm ăn thì đây còn là phương tiện đắc lực trong việc di dời tài sản của gia đình và hàng xóm trong mùa lũ.
Để xem "số phận" những chiếc xe công nông đã bán đi về đâu, chúng tôi tìm đến các đại lý sắt vụn. Những chiếc xe mà các đại lý này thu mua là những chiếc đã quá cũ nát, chiếc nào mà còn mới hơn thì đó là của gia đình có điều kiện bán để thay xe khác. Tại đây, những chiếc xe này được tháo rời ra và bán lại từng bộ phận cho các xưởng cơ khí còn lại bán phế liệu.
Anh Lê Văn Trúc chủ một đại lý thu mua phế liệu ở khối 13, thị trấn Thạch Hà chỉ vào mấy chiếc xe cho biết: “Đây là những chiếc khách họ đưa đến bán, còn chúng tôi đi tìm mua khó được vì họ muốn giữ lại để dùng nên nói giá bán quá cao. Xe công nông trong dân còn nhiều mà mấy ngày này không mua được cái nào cả không biết họ giữ lại dùng như thế nào nữa”.
-
Quốc Hoàng