(VietNamNet) - Trước giờ “G” khoảng 12 tiếng đồng hồ, UBND TP.HCM đã thống nhất kiến nghị Chính phủ tạm hoãn thời gian cấm lưu hành xe 3- 4 bánh tự chế đến hết tháng 6/2008.
Gia hạn thời gian "khai tử" xích lô, ba gác
Sau cuộc họp đột xuất kéo dài nhiều giờ với nhiều sở ngành liên quan vào sáng 31/12, UBND TP.HCM thống nhất đề xuất Chính phủ lùi thời hạn cấm lưu hành đối với xe 3, 4 bánh tự chế.
Tại cuộc họp, ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Mặt trận tổ quốc TP.HCM kiến nghị UBND thành phố cho tạm lùi thời gian cấm lưu hành xe 3-4 bánh tự chế trong vòng 1 năm để dân nghèo có thể chuyển đổi phương tiện, nghề nghiệp.
Cấm xích lô lưu hành, người đàn ông này đang lo nghĩ đến phương kế nuối sống cả gia đình. |
Cũng theo ông Đằng, việc cấm phương tiện xe 3-4 bánh trong thời điểm trước Tết Nguyên đán sẽ khiến lượng rác tại thành phố ứ đọng vì xe ba bánh vận chuyển rác chiếm phần lớn trong hoạt động thu gom rác.
Đại diện Ban An toàn giao thông thành phố đề nghị cho phép các hộ có xe 3-4 bánh tự chế được tạm thời tiếp tục lưu hành loại xe này thêm một thời gian nhất định từ 6 đến 9 tháng. UBND thành phố xem xét và quyết định các tuyến đường cho phép các loại xe này được vận chuyển trên địa bàn thành phố.
Một đại diện của Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và việc làm (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội) cũng đề xuất tương tự.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM đã chấp thuận kiến nghị của các sở ngành và quyết định lùi thời hạn cấm xe 3-4 lưu thông đến tháng 6/2008. Ông Quân cũng chỉ đạo cho Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) nghiên cứu sản xuất xe 3-4 bánh hợp chuẩn để giúp dân nghèo thay thế, chuyển đổi các loại xe đã trở nên lạc hậu, với giá ưu đãi.
"Miếng cơm" của người nghèo
Theo số liệu của Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 60.000 xe 3 bánh không động cơ (xích lô đạp, ba gác đạp), 1.500 xe 3 bánh có động cơ (ba gác máy).
11/23 quận huyện tại TP.HCM có số hộ nghèo sử dụng xe 3-4 bánh tự chế. Điển hình là quận 6 (255 hộ), quận 11 (223 hộ), quận 8 (120 hộ), quận 4 (109 hộ), Bình Chánh (53 hộ), Phú Nhuận (54 hộ), và Gò Vấp (52 hộ). Các quận, huyện còn lại có từ 16 hộ đến dưới 50 hộ sử dụng phương tiện này. Bình quân mỗi hộ có 6 thành viên. Hầu hết các hộ có nguồn thu nhập chính từ phương tiện chuyên chở xe xích lô, hoặc xe ba gác với mức thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng – 2 triệu đồng/tháng. Đa số những người hành nghề có trình độ văn hóa thấp, là lao động không có tay nghề và trên 35 tuổi (chiếm 75%). Một số huyện ngoại thành Củ Chi - Hóc Môn, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè, người nghèo thường sử dụng phương tiện xe 3-4 bánh tự chế vào chiều tối hoặc sáng tinh mơ (từ 4-5 giờ sáng mỗi ngày) để chuyên chở nông hải sản từ các vườn rau, ao cá đến các chợ đầu mối và từ các chợ đầu mối đến các chợ lẻ. (Nguồn: Ban Chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và việc làm TP.HCM). |
Đặc biệt, số lượng này đều là các loại xe tự chế “hai không”: không địa chỉ nhà sản xuất nhất định và không có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật. Tất cả những người sử dụng các loại xe nói trên đều là người dân lao động rất nghèo.
Một tài liệu còn lưu giữ đến ngày nay cho thấy, trước đây, vào khoảng năm 1977, để đảm bảo đời sống của những người lao động nghèo, đồng thời có điều kiện để quản lý hoạt động của các loại xe 3-4 bánh tự chế, UBND TP.HCM đã thống nhất cho phép cấp biển số đăng ký quản lý những loại phương tiện này. Cách đây khoảng 10 năm, UBND thành phố đã không còn cho phép tiếp tục cấp biển số đăng ký quản lý đối với các loại xe 3 bánh tự chế.
Theo nhận định của ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTCC thành phố, hiện nay, số lượng xe nói trên đã bị hư hại nhiều và trên thực tế, theo dự đoán, chỉ còn khoảng 50% số lượng ban đầu. Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ thì toàn thành phố còn có hơn 2.000 xe 3 bánh đẩy tay thường được dùng để bán hàng rong.
Một kết quả khảo sát đáng tin cậy khác của Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và việc làm cũng cho biết, tại TP.HCM có hơn 1.500 hộ lao động nghèo, với hơn 8.000 nhân khẩu sử dụng xe 3-4 bánh tự chế làm kế sinh nhai.
Ở một số quận ven thành phố, xe 3-4 bánh được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng, thu gom rác, xà bần… trong những con hẻm nhỏ quanh co, chằng chịt. Thực tế, đây là phương tiện phù hợp và cơ động nhất mà các loại xe tải nhỏ không thể nào có được.
Hỗ trợ dân nghèo
Sở GTCC đã từng đề nghị UBND thành phố lùi thời hạn cấm lưu hành đối với xe 3-4 bánh tự chế để người dân có thời gian chuẩn bị vì lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hàng chục ngàn hộ dân.
Số lượng thống kê chưa đầy đủ cho thấy, có khoảng hàng chục ngàn hộ dân đang sử dụng loại phương tiện này làm kế mưu sinh với mức thu nhập bình quân từ 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Cũng theo đề xuất của Sở GTCC, nên cho phép xe 3-4 bánh tự chế đã được cấp biển số đăng ký quản lý chưa được kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật lưu hành đến hết tháng 9/2008. Tương tự, cơ quan thẩm quyền cũng nên cho phép các xe chở rác dân lập, xe 3-4 bánh của người khuyết tật lưu hành đến hết thời điểm này.
Ba gác đạp trên một con đường buôn bán sầm uất tại trung tâm TP.HCM. |
Theo đề xuất của Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo và việc làm, UBND thành phố cần xem xét có chính sách hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo đang sinh sống bằng phương tiện xe 3-4 bánh tự chế 7 triệu đồng/xe nhằm tạo điều kiện để họ mua sắm, trang bị phương tiện sinh sống mới. Dự kiến tổng chi phí hỗ trợ trên 10 tỷ đồng, trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 7 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 3 tỷ đồng.
-
Trần Duy