(VietNamNet) - Mỗi ngày Khoa Hồi sức cấp cứu (BV Việt Đức Hà Nội) tiếp nhận 30 ca chấn thương sọ não do TNGT; trong đó nhiều bệnh nhân có mũ bảo hiểm nhưng gặp nạn do đội không đúng quy cách.
Vết hằn trên trán anh T. do vành MBH. Ảnh: LH. |
Đang nằm điều trị tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, anh Đặng Anh T. (ở Lạng Sơn) vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Cách đây 3 ngày, trên đường từ Lạng Sơn xuống Hà Nội anh T. bị tai nạn xe máy và được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Mặc dù đã đội MBH theo quy định nhưng anh vẫn bị chấn thương; trán hằn một vệt lớn theo đường vòng của vành mũ.
Theo lời kể của anh T., khi tai nạn xảy ra, chiếc xe máy đổ, đầu anh va mạnh xuống đất, chiếc mũ hằn lại trên trán một vệt dài trước khi bay ra khỏi đầu.
Về trường hợp bệnh nhân T., TS Đồng Văn Hệ, Khoa Phẫu thuật thần kinh, Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội cho biết, rất may cho bệnh nhân T. vì anh đã đội MBH khi tham gia giao thông. Nếu không có chiếc MBH, hậu quả thật khó lường. Điều đáng nói là do đội MBH không đúng cách nên khi tai nạn xảy ra, anh lại bị thương do... MBH! Trong khi nếu đội đúng cách thì mũ sẽ không thể bung ra khỏi đầu và gây vết thương cho nạn nhân.
Trong các trường hợp bệnh nhân vào khoa Hồi sức cấp cứu BV Việt Đức do đội MBH không đúng cách, anh T. là trường hợp khá nhẹ. Bệnh nhân T.A.T. (quê Hưng Yên), đang điều trị tại giường số 8, vừa trải qua ca phẫu thuật, đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở bằng máy.
Khoa Hồi sức cấp cứu BV Việt Đức HN khá đông bệnh nhân chấn thương sọ não do đội MBH sai cách. Ảnh: Nam Nhi |
Theo TS Đồng Văn Hệ, so với thời điểm chưa có quy định bắt buộc đội MBH, số bệnh nhân chấn thương sọ não vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức có giảm, trung bình 30 ca/ngày (trước đây khoảng 40 ca/ngày. Điều đáng nói là số ca chấn thương sọ não ở những người đội mũ vẫn cao. Nguyên nhân là do người dân chưa đội mũ đúng cách, đội mũ không cài quai, thậm chí cài quai nhưng không đúng khiến tai nạn vẫn xảy ra.
Gần 90% người dân đội mũ bảo hiểm sai quy cách
Đội mũ kiểu... như không. Ảnh: VNN. |
Kết quả khảo sát trên 11.604 người cho thấy, số người không đội MBH khi đi xe gắn máy rất thấp (chiếm 0,8%, tương đương 96 người). Nhưng đáng lo ngại là có tới 88,9% người dân đội MBH sai quy cách. Lỗi sai chủ yếu là đeo dây mũ vào cổ hoặc dây mũ quá rộng. Các lỗi khác gồm: dây lỏng lẻo, không cài dây mũ, đội mũ vải và mũ lưỡi trai bên trong MBH, đội ngược mũ từ phía trước ra sau, thậm chí tháo xốp lót mũ ra cho nhẹ và thoáng…
Trước thực tế trên, TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh, không ít bệnh nhân chấn thương sọ não (khi bị tai nạn thì mũ văng ra khỏi đầu) do đội MBH sai quy cách.
Theo TS Hệ, đội MBH sai thì giá trị bảo vệ chỉ còn 30-50%. Cụ thể là việc đội sai sẽ làm MBH lỏng lẻo, không ôm sát đầu hoặc mất lớp xốp bên trong, ảnh hưởng đến quá trình giảm tốc độ, cản dị vật va đập trực tiếp vào vùng đầu.
Chưa có qui định cụ thể về đội mũ bảo hiểm đúng cách nên ai thích đội thế nào cũng được. Ảnh: VNN |
Việc đội MBH phải tuân thủ đúng như mũ phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, ôm sát đầu, dây mũ đặt ở cằm và thắt chặt. Nên dùng dây mũ có miếng nhựa đỡ cằm cho chắc chắn, hướng cài dây mũ về phía trước cằm để tránh dây trượt về cổ…
Tuy nhiên, theo TS Hệ, hiện các cơ quan chức năng chưa đưa ra quy chuẩn nào về việc đội MBH đúng. Do đó, người dân rất cần một quy chuẩn đúng về đội MBH để bảo vệ sức khoẻ và chấp hành an toàn giao thông tốt hơn.
-
Lệ Hà