(VietNamNet) - Một năm liên miên chống chọi bão mạnh, lũ lớn, triều cường lịch sử, đối phó dịch bệnh mới nguy hiểm... nhưng thực hiện thành công những "cú hích" ngoạn mục: cả nước đội mũ bảo hiểm bắt buộc, cải tiến nhập hộ khẩu, cấp hộ chiếu và chứng thực giấy tờ...
Đang có dịch tiêu chảy cấp, nem chua rán vẫn bán chạy trước cổng trường học |
1. Khống chế thành công nhiều dịch bệnh
Năm 2007 được ghi nhận là khoảng thời gian liên tục đối phó và chịu thiệt hại bởi dịch bệnh. Tháng 3/2007, một loại bệnh lạ có tên Hội chứng rối loạn hô hấp và rối loạn sinh sản (hay bệnh tai xanh) xuất hiện trên đàn lợn ở Hải Dương. Dịch nhanh chóng lan rộng, quần thảo khắp miền Trung, tấn công miền Nam, khi người chăn nuôi và các thương lái lén lút vận chuyển, tiêu thụ heo dịch và vứt xác heo xuống sông, mương.
Ngày 16/9, Cục Thú y công bố khống chế thành công dịch heo tai xanh trên địa bàn cả nước. Chỉ 2 ngày sau, dịch quay trở lại. Thủ tướng Chính phủ đã phải liên tục chỉ đạo dập dịch. Các địa phương đóng chặt cổng ra của các ổ dịch, siết chặt kiểm soát tiêu huỷ heo chết, cho đến lúc khống chế dịch thành công trên địa bàn cả nước.
Tiếp sức cho dịch heo tai xanh, dịch cúm gia cầm lây lan nhanh tại miền Trung và các tỉnh ĐBSCL từ đầu năm 2007. Với kinh nghiệm đã tích luỹ được, các cấp các ngành dồn sức phòng chống khiến dịch chững lại , để rồi xuất hiện trở lại vào cuối năm.
Cũng vào dịp cuối năm, xuất hiện một loại dịch vắng bóng đã lâu tại Việt Nam và trong lịch sử y văn thế giới: dịch tiêu chảy cấp, trên người. Ngày 23/10, bệnh nhân đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Ngay sau đó, dịch lan rộng tại 13 tỉnh thành phía Bắc. Đến thời điểm công bố hết dịch (ngày 10/12), cả nước có 295 ca dương tính với phẩy khuẩn tả và trên 1.991 ca tiêu chảy cấp nguy hiểm; không có trường hợp nào tử vong.
2. Thiên tai sầm sập suốt năm
Ngay từ đầu năm, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo: Khô hạn, thiếu nước kéo dài đến tháng 11/2007. Ngay sau đó, Tây Nguyên hạn nặng. Tháng 5/2007 ở Quảng Nam, các trạm bơm nhiễm mặn, các hồ chứa cạn nước. Tình trạng này nhanh chóng lan rộng tại nhiều tỉnh khiến Chính phủ phải quyết định chi 33,7 tỷ đồng chống hạn.
Ngay sau cơn đại hạn, hàng chục trận lũ dữ liên tục tàn phá miền Trung. Mở màn là trận lũ lịch sử, lớn nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, nhấn chìm hai huyện Tuyên Hoá, Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đầu tháng 8.
Ngay sau đó, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây lũ lớn tại Hương Khê, Vụ Quang tỉnh Hà Tĩnh; để lại hậu quả khủng khiếp: 23 người chết, thiệt hại kinh tế 450 tỷ đồng.
Chưa kịp khắc phục hậu quả, miền Trung lại gồng mình chống chọi với bão số 5 (mạnh trên cấp 12), 6 đợt lũ lớn (từ 3/10 đến 14/11). Trong đó, trận lũ giữa tháng 11 cướp đi 50 sinh mạng; hàng trăm người bị thương; thiệt hại về kinh tế có địa phương lên trên 1.000 tỷ đồng.
Ở phía Nam, từ tháng 10 đến cuối năm, ĐBSCL và TP.HCM hứng chịu những đợt triều cường lịch sử (có đợt được cho là cao nhất trong hơn 40 năm qua), hàng chục đoạn đê bao bị nước xô vỡ, thiệt hại ban đầu được tính theo bạc tỷ.
3. Cả nước đi xe máy đội mũ bảo hiểm
Để kiềm chế TNGT, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) trên toàn quốc, từ ngày 15/12.
Trước đó, để "lấy đà" cho việc thực hiện quy định này, Thủ tướng đã ra công điện yêu cầu đẩy mạnh vận động đội MBH bắt buộc khi đi mô tô, xe gắn máy. Trước nữa, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/CP, quy định đội MBH khi đi phương tiện này trên mọi tuyến quốc lộ. Hà Nội và TP.HCM (hai thành phố nhiều TNGT nhất nước) cũng khuyến khích cán bộ, nhân viên đội MBH khi đi xe máy ra đường từ tháng 9.
Cảm nhận được quyết tâm sắt đá của Chính phủ, từ 15/12 người dân nhất nhất tuân thủ quy định mới; rất hiếm người ra đường đầu trần. Sát giờ G, nhiều người đã phải chen chân mua MBH.
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề đặt ra xung quanh chiếc MBH: Đa số đội mũ để đối phó, không vì tính mạng bản thân. Việc trông giữ MBH tại nhiều điểm công cộng cũng chưa được tổ chức thực hiện chu đáo. Chưa kể, tình trạng thả nổi chất lượng MBH cũng như mũ lậu tràn lan khiến người tiêu dùng hoa mắt. Chiến dịch bắt buộc người dân đội MBH đã được thực thi nghiêm ngặt. Nhưng dư luận lo ngại: việc kiểm định chất lượng mũ đã thực sự "nghiêm ngặt" hay chưa?
4. Liên tiếp sập công trình xây dựng
Năm 2007 đánh dấu liên tiếp các vụ sập công trình đang xây hoặc bị ảnh hưởng bởi việc xây dựng, gây thiệt hại lớn về người và của.
Ngày 15/8, nhà số 95 Trần Quang Khải (TP.HCM), bị chấn động bởi công trình đang xây kè bên, bất ngờ sập xuống; một người bị thương; nhiều tài sản vỡ vụn.
Ngày 9/10, 2 dãy nhà của Viện Nghiên cứu KHXH Nam Bộ (TP.HCM) đổ sập; bên cạnh là cao ốc Pacific đang thi công.
Ngày 31/10, một chung cư trên đường Nguyễn Siêu (quận 1, TP.HCM) lún xuống 2m và có dấu hiệu dọa sập; gần trăm hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Thủ phạm là cao ốc kề bên, đang thi công tầng hầm.
Ngay hôm sau, ngày 1/11 nền 2 phòng học của Trường THCS Lương Định Của (công trình vừa xây xong hồi tháng 8/2007, ở TP.HCM) bất ngờ... thủng.
Cuối tháng này, một lò sấy bắp trăm tấn ở Đắk Lắk vừa vận hành được 3 giây đổ sập; 2 kỹ sư thiệt mạng.
Nửa tháng sau, tại Nghệ An, một vụ lở núi (nghi do thiếu an toàn thi công) tại Thuỷ điện Bản Vẽ đã cướp đi 18 sinh mạng.
Thương vong lớn hơn cả và gây nỗi kinh hoàng đến giờ chưa vơi là sự cố sập hai nhịp đường dẫn cầu Cần Thơ vào sáng 26/9, khiến 52 người thiệt mạng, 82 người bị thương. Vụ án sập cầu đã được khởi tố. Tiếng chuông về an toàn thi công, bảo vệ tính mạng người lao động đã được gióng lên, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan, dù trong nước hay nước ngoài, sẽ được xem xét. Nhưng nỗi đau của hàng trăm gia đình thì còn mãi.
5. Nhiều giải pháp mạnh quản lý đô thị
Hà Nội thành đại công trường tháo dỡ nhà trái phép với hy vọng kỷ cương xây dựng sẽ được lập lại. |
Chưa bao giờ cơn lốc "trảm" nhà sai phép, không phép ở hai đô thị Hà Nội, TP.HCM lại mạnh mẽ như năm 2007.
Suốt năm, các công trình vượt tầng lần lượt bị chặt ngọn, nhà không số, phố không tên bị kiên quyết lên danh sách dỡ bỏ. Thái độ kiên quyết của chính quyền sở tại khiến "tập đoàn thương mại" với cả trăm hàng quán bịt mặt tiền Vườn thú Hà Nội (từng được coi như những "pháo đài" khó xâm phạm) cũng đang "thoi thóp" chờ chung số phận.
Cùng với chiến dịch "trảm" nhà sai phép, không phép, nỗ lực cải tiến quản lý đô thị được Hà Nội, TP.HCM thể hiện suốt năm. Hà Nội lỗi hẹn với các nhà đầu tư để bảo toàn sự tồn tại của khoảng xanh - Công viên Thống Nhất. Quy hoạch hai bờ sông Hồng cũng đang được đặt lên bàn nhiều hội nghị, hội thảo để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất cho đô thị Hà Nội.
Tại TP.HCM, nỗ lực là đẹp bộ mặt đô thị cũng được thể hiện rõ nét, với chi phí hàng ngàn tỷ đồng/năm để chống ngập, dù theo dư luận, là "dã tràng xe cát". Các hiện tượng làm mất mỹ quan đô thị, như "hội chứng" rào đường, công trường giăng bẫy chết người", đều bị phạt tiền nặng, không nương tay.
6. Ba "cú hích" cải cách hành chính
Người dân thở phào với công chứng và hộ khẩu. |
Ngày 1/7 được coi là "mốc son" cải cách hành chính, khi Luật Cư trú và Luật Công chứng đồng thời có hiệu lực. Từ thời điểm này, hàng triệu người dân diện KT3, KT4, sau nhiều năm "tạm trú" trong nhà mình, được nhập khẩu vào các thành phố lớn.
Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, khoảng 1 triệu người được đăng ký hộ khẩu thường trú do điều kiện "mở" tối đa: đã tạm trú một năm trở lên và có chỗ ở hợp pháp. Tốc độ giải quyết thủ tục cũng được đẩy nhanh với tốc độ chưa từng có: Nhận sổ hộ khẩu sau không quá 15 ngày nộp hồ sơ.
Ngày 1/7 cũng là thời điểm đáng nhớ trong lịch sử công chứng Việt Nam, khi mà hoạt động chứng thực bản sao được chuyển về cấp phường, xã; các phòng công chứng hết cảnh chen chúc, trở lại chức năng chính: chỉ công chứng các hợp đồng giao dịch.
Năm 2007 cũng đánh dấu bước chuyển trong công tác cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam, xuất phát từ Nghị định 136 của Chính phủ. Từ ngày 15/10, chỉ cần có chứng minh thư, sau tối đa 8 ngày người dân được nhận hộ chiếu thời hạn 10 năm; đây cũng là loại giấy có giá trị thay chứng minh thư. Cảnh "ăn chực nằm chờ" hộ chiếu, mua sổ này qua cò với giá khoảng 2 triệu đồng lập tức chấm dứt.
7. Phát hiện nhiều vụ bạo hành gia đình, học đường nổi cộm
Em bé bị tra tấn dã man suốt 13 năm trời mà không ai phát hiện hoặc tố cáo. |
Năm 2007, cơ quan chức năng liên tiếp phanh phui nhiều vụ án gia đình. Chồng lột quần áo, nhốt vợ vào chuồng chó, cắt núm vú bạn đời thả vào cốc rượu hoặc cắt cổ vợ ngay tại nhà mẹ. Các vụ phái đẹp cắt của quý bạn đời cũng còn tồn tại đây đó, gây nhức nhối trong dư luận.
Tuy nhiên, phần lớn nạn nhân của bạo hành gia đình vẫn là phụ nữ và trẻ em. Tại Hà Nội, em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở nhục hình 10 năm bằng dây điện, kìm, dao, gót guốc. Vụ việc gây làn sóng bất bình trong dư luận đến nỗi, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về vụ việc này; Bộ LĐ-TB&XH cũng bắt đầu rà soát số trẻ giúp việc trong các gia đình Hà Nội.
Vụ việc em Bình vừa tạm lắng, cơ quan công an lại phát hiện "yêu râu xanh" Nguyễn Lê Thắng (SN 1979, ở Hà Nội) chuyên "thu lượm" các bé trai lang thang về làm thuê, ép các em quan hệ đồng giới với hắn. Ở TP.HCM, một bé gái 9 tuổi thường xuyên bị mẹ nuôi dội nước sôi lên người, lấy búa đập vào đầu và bắt đi ăn xin với chỉ tiêu 200.000 đồng/ngày.
Trong nhà trường, một số vụ bạo hành nổi cộm cũng bị phát giác. Ở TP.HCM, bé Trân (18 tháng tuổi) chết lâm sàng sau khi bị cô giáo dán băng keo kín miệng để chống khóc. Tại Bắc Ninh, một thầy giáo bệnh hoạn hiếp 5 học sinh. Rồi vụ một cô giáo "nhờ" học sinh lớp 5 đánh học sinh lớp 2 xảy ra giữa Thủ đô, đều cứa những nhát dao sắc vào trái tim dư luận suốt trong năm và thời gian sau.
8. "Cơn lốc" vui sống và thể hiện mình trong giới trẻ
Hiện trường vụ "đột kích" vũ trường New Century. |
Năm 2007 là năm mà phong trào viết blog lan rộng chưa từng có trong giới trẻ Việt Nam. Nhờ blog, bạn trẻ có cơ hội chia sẻ suy nghĩ cá nhân và bày tỏ cảm thông với cộng đồng cư dân mạng. Tuy nhiên, blog "đen" song song xuất hiện, với gamesex, đĩa phim, truyện tranh tục tĩu mà chủ nhân đua nhau tải về.
"Cao điểm" của nạn blog "bẩn" là 2 clip-sex của Hoàng Thuỳ Linh (diễn viên chính phim Nhật ký Vàng Anh) bị tung lên mạng, copy vào nhiều blog. Chỉ đến khi cơ quan công an phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet bắt giữ các thủ phạm phát tán "clip đen", cộng đồng blogger mới "giảm nhiệt".
Ngoài blog, nhiều bạn trẻ tìm đến những "thú vui" khác, thực tế hơn. Rạng sáng ngày 28/4, hơn 1000 thanh nhiên Hà Nội đang vui chơi trong Vũ trường New Century (Hà Nội) bị tạm giữ để phân loại và xét nghiệm phản ứng với ma túy. Một bộ phận dân teen tìm đến những "loại hình" giải trí mới như "cà phê giường", đua xe đạp bốc đầu. Để có tiền ăn chơi, nhiều thanh niên không ngần ngại phạm tội, vờ "cứu net" rồi đem nạn nhân đi bán, thậm chí giết người lấy tiền chơi game.
Tuy nhiên, bức tranh về lối sống của giới trẻ Việt Nam năm 2007 vẫn có nhiều mảng sáng. Nhiều bạn trẻ đã phát hiện những thú chơi bổ ích, lành mạnh như Chơi mô hình giấy, Vẽ áo cho xe. Có nhóm còn phát động và tổ chức những hoạt động xã hội ý nghĩa như Chạy Terry Fox hay Thả đèntrời tưởng nhớ nạn nhân sập cầu Cần Thơ.
9. Báo động vệ sinh môi trường & ATTP
Rác thải bệnh viện bị phát giác tuồn ra ngoài cho tư thương. |
Năm 2007, lần đầu tiên sự việc "tuồn" rác thải y tế ra ngoài bị phát giác, tại BV Việt Đức Hà Nội.
Trước sức ép của dư luận và sự điều tra ráo riết của cơ quan chức năng, hành vi này tiếp tục bị phát hiện tại các bệnh viện Bạch Mai, K. BV Đa khoa Lâm Đồng. Đến lúc này, các bệnh viện và cơ quan chức năng mới giật mình canh loại rác nguy hiểm này. Một cuộc tổng kiểm tra quản lý, xử lý rác tại các bệnh viện ở Hà Nội được tiến hành. Kiến nghị tăng ngân sách xử lý loại rác này cũng được Bộ Y tế trình Chính phủ.
Sau một mùa hè rầm rộ, thông tin về rác thải y tế lắng hẳn, dù có thể khác, trên thực tế.
Sự "im lặng đáng sợ" này, rác thải y tế còn thua nước tương "đen".
Từ cuối năm 2001, chất gây ung thư 3-MCPD đã được phát hiện trong nước tương. Tuy nhiên hàng loạt kết quả xét nghiệm thức chấm này đã bị ngành y tế TP.HCM giấu biệt trong nhiều năm sau, dù vượt mức đến “kinh hoàng” (có mẫu lên đến 1.700mg/kg, trong khi quy định cho phép không vượt trên 1mg/kg).
Khi thông tin “ém” nước tương được công bố, người tiêu dùng, các siêu thị ngay lập tức quay lưng với sản phẩm này. Thậm chí có người đã đâm đơn kiện doanh nghiệp sản xuất và Sở Y tế TP.HCM, đòi bồi thường 30 tỷ đồng; hàng trăm nghìn lít nước tương bị thu hồi, tịch thu và tiêu hủy.
Trước sức ép dư luận, vụ “ém” thông tin nước tương bị đưa ra xử lý. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM bị điều chuyển công tác. Phó Giám đốc Sở nhận hình thức “khiển trách”; Chánh Thanh tra Sở bị “cách chức”.
Nước tương "đen" bị "ém" sự thật, hay rác thải y tế được lén lút tuồn bán ra ngoài chỉ là một vài mảng trong bức tranh tối của tình trạng thả nổi vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm 2007.
- Ban Xã hội VietNamNet
Quý vị có thể viết bình luận hoặc đóng góp ý kiến về các sự kiện trên, chúng tôi sẽ đăng tải các bài viết phù hợp