(VietNamNet) - Các tầng trên rầm rầm tháo dỡ, bạt quây kín với những dòng chữ "Khu vực nguy hiểm không lại gần" chạy dài, 64/65 hộ đã dọn đến nơi tạm cư... nhưng chỉ còn duy nhất 1 shop The City Babies ở tầng trệt vẫn hồn nhiên kinh doanh làm cả dự án thí điểm cải tạo chung cư cũ B14 Kim Liên đình trệ!
>> Hà Nội "tiễn biệt" chung cư cũ nát B4-B14 Kim Liên!
Không ai làm gì được?
Dự án đầu tư tái thiết khu B Kim Liên là dự án thí điểm thực hiện chuyển từ hình thức đầu tư bằng vốn ngân sách sang đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng (Bộ Xây dựng) đảm nhiệm. Ngày 8/7/2007, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành, TP đã đến chứng kiến lễ động thổ dự án này. Tiếp đó, ngày 21/7/2007, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong chuyến thị sát các khu tập thể cũ nát đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tổng Công ty cùng tìm biện pháp đẩy mạnh triển khai dự án.
Lồi hẳn ra ngoài so với kết cấu khung căn bản của khu nhà và kinh doanh đến cùng dù các tầng trên đã đi hết! (Chụp cuối năm 2007 - Ảnh: T.A.N). |
Chính sách đền bù, hỗ trợ di chuyển cho các hộ dân chung cư B14 Kim Liên đã được các cơ quan, ban, ngành thống nhất phê duyệt công khai. Đa số hộ dân, kể cả nhiều hộ tầng 1 khác đều đã chấp thuận phương án đền bù Hội đồng GPMB quận Đống Đa đưa ra, bàn giao mặt bằng và chuyển đến sinh sống ổn định tại khu nhà tạm cư gần đó. Nhưng, duy có căn hộ ông Nguyễn Đình Long phòng 106 (hiện cho thuê mở shop The City Babies kể trên) vẫn nhất định không chịu đi đâu cả!
Theo Ban Quản lý dự án, sổ đỏ của hộ 106 B14 Kim Liên này chỉ chính thức có 32,1m2 diện tích căn hộ (cơi thêm khoảng 80m2 không giấy tờ). Theo cơ chế đã được thống nhất bởi các cơ quan liên ngành Thành phố, khi nhà B14 mới xây xong, hộ này chẳng những sẽ được bồi thường một gian hàng diện tích 28,5m2 (kém 3m2 so với diện tích trong sổ đỏ cũ) để kinh doanh mà còn được mua thêm một căn hộ tại tầng 5 theo đơn giá UBND thành phố phê duyệt. Ngoài ra, gian hàng kinh doanh tương lai còn có thêm một tầng gác lửng rộng 7m2 (dự kiến bố trí bù trừ cho 3m2 thiếu hụt kia).
Song, những người có trách nhiệm cho biết, hộ dân 106 muốn được trả 3m2 "hụt" theo giá thị trường (xấp xỉ 100 triệu đồng/m2) và không chấp nhận đền bù bằng căn gác lửng. Hơn nữa, với diện tích khoảng 80m2 lấn chiếm thêm (theo qui định chỉ được hỗ trợ công tôn tạo) - hộ này đòi được đền bù thỏa đáng. Đây là điều không thể thực hiện được!
Các tầng trên của khu B14 Kim Liên đã bị đập nham nhở, trong khi tầng trệt vẫn cố thủ (Chụp cuối năm 2007 - Ảnh: T.A.N). |
Thế là, dù cả khu nhà đã được căng bạt quây kín để dỡ, các tầng trên đang bị đập nham nhở... vẫn phải chừa một khoảng cho căn hộ 106 tiếp tục mở shop kinh doanh! Hộ này chưa chịu đi nghĩa là chưa giải phóng được mặt bằng - mà chưa giải phóng xong mặt bằng thì chưa thể khởi công - chưa khởi công thì chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành - chưa biết bao giờ hoàn thành thì còn lâu lắm nữa cả 65 hộ dân nơi đây mới có "ngày trở lại"...
Vấn đề đặt ra ở đây là, Nghị quyết 07/2005/NQ-HĐ về cải tạo chung cư cũ (chưa đến mức nguy hiểm) của HĐND TP. Hà Nội đã qui định "thực hiện dự án khi được 2/3 số dân sống trong khu vực dự án đồng tình" - song với B14 Kim Liên lúc này, rõ ràng số đồng tình đã lên đến 98% mà dự án vẫn chưa thực hiện được (gần nửa năm kể từ khi động thổ vẫn chưa thể khởi công), trong khi lại là dự án thí điểm của cả Thủ đô mới là sự lạ!
Không thể "khoán trắng" cho doanh nghiệp!
Từ năm 2006, tại hội thảo về cải tạo chung cư cũ do Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đã khẳng định "việc cải tạo, chỉnh trang các khu, nhà chung cư cũ nát hiện nay rõ ràng phải cậy nhờ doanh nghiệp rất nhiều". Thật vậy, với các dự án xã hội hóa tại Hà Nội hiện nay, "ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ công tác qui hoạch, chuẩn bị đầu tư, đầu tư một số hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu" (Nghị quyết 07 của HĐND TP).
Thế nhưng, từ "cậy nhờ" đến "khoán trắng" là 2 việc hoàn toàn khác nhau. Mặc dù phải bỏ tiền túi chi hàng loạt khâu: nghiên cứu qui hoạch, thiết kế, lập dự án, thuê nhà tạm cư, hỗ trợ dân di chuyển, phá dỡ, xây dựng, đền bù cho dân trở về... và chỉ trông vào một số căn hộ dôi dư khi tòa nhà mới hình thành để trang trải toàn bộ các khoản này, nhưng theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp đang tham gia các dự án cải tạo chung cư cũ nát, nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội hiện nay - cái họ lo lắng, băn khoăn nhất không phải là sợ không cân đối được thu - chi, đảm bảo dự án khả thi... mà là cảm giác bị "bỏ mặc" giữa một núi khó khăn, trong đó rất nhiều vấn đề nếu thiếu "bàn tay chính quyền" sẽ không giải quyết nổi!
Một mình trụ lại mà không ai làm gì được? (Chụp khu B14 Kim Liên cuối năm 2007 - Ảnh: T.A.N) |
Các chủ đầu tư đang có cảm giác bị "khoán trắng" chứ không phải được "cậy nhờ". Vụ "1 hộ không đi, cả dự án đình trệ" tại tập thể Kim Liên (kể trên) là ví dụ. 80m2 lấn chiếm tại tầng 1 đã là một cái SAI, dùng diện tích lấn chiếm để kinh doanh, trục lợi lại là một cái NGANG NHIÊN SAI nữa. Các nhà tập thể, lắp ghép, chung cư cũ từ tầng trệt đến tầng cao nhất xưa kia xây dựng đều chung một mục đích sử dụng là: để ở. Việc các hộ tầng 1 lấn chiếm, cơi nới để kinh doanh tức là đã sai mục đích sử dụng, bởi lẽ một cơ sở kinh doanh phải hội đủ nhiều điều kiện và dĩ nhiên không thể chung thiết kế với nhà ở bình thường, nguy cơ cháy nổ cao, ảnh hưởng giao thông...
Rành rành sai phạm, song theo đa số ý kiến của các cán bộ chuyên ngành căn cứ thực tế - chính những hộ dân tầng 1 này lại cản trở nhiều nhất đến việc cải tạo, xây mới khu nhà của họ, đơn giản vì sợ mất đi ’’cái lợi’’. Nhiều cán bộ, nhà chuyên môn đã có ý kiến: Cần khẩn trương thu hồi giấy phép kinh doanh, thậm chí có biện pháp cưỡng chế quây kín, cắt điện, nước đối với những hộ cố tình chây ì để đảm bảo tiến trình chung mỗi dự án nói riêng, công cuộc đầu tư, tái thiết chung cư cũ nát, nguy hiểm của Thành phố nói chung - nhưng, việc này nếu không có "bàn tay chính quyền", doanh nghiệp có làm được không?
Doanh nghiệp không thể ra quyết định cưỡng chế, cắt điện, nước của hộ dân nào cả! Doanh nghiệp càng không có quyền thu hồi giấy phép kinh doanh. Vẫn biết những hộ chây ì kia là sai, là gây khó dễ cho không chỉ chủ đầu tư mà còn hàng trăm nhân khẩu khác (vốn là hàng xóm láng giềng của họ) đang "một đi chưa biết ngày về" vì ảnh hưởng sự "cố thủ" này - nhưng tất cả cũng chỉ biết... nhìn! Rõ ràng, cần lắm "bàn tay chính quyền" và không thể coi "xã hội hóa" là việc của doanh nghiệp nên chính quyền chỉ hỗ trợ về chính sách, cơ chế còn "ngoài cuộc" khi cần xử lý những việc cụ thể...
Khởi công thì mặc khởi công, ở đây vắng vẻ một mình ta vẫn... buôn? (Chụp cuối năm 2007 - Ảnh: T.A.N) |
Nghị quyết 34/2007/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: "Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương và nhân dân trong việc xây dựng lại các chung cư cũ. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với các biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời theo qui định của pháp luật để đảm bảo triển khai dự án theo đúng tiến độ vì lợi ích chung của cộng đồng, đảm bảo ổn định, trật tự xã hội".
Vậy mà, hàng tháng nay, trong khi đa phần người dân B14 Kim Liên đã chuyển đi hết, đồng lòng muốn xây lại khu nhà càng sớm càng tốt để được an cư thì hộ duy nhất sót lại kia vẫn kinh doanh như không có chuyện gì xảy ra - nếu chính quyền địa phương cương quyết vào cuộc, chuyện tréo ngoe này tồn tại được không?
Và, dự án tiên phong, thí điểm còn "tắc" vậy, thì với hơn 200 nhà lắp ghép tấm lớn, chung cư cũ nát, nguy hiểm khác không nhận được sự tập trung chỉ đạo, tạo thuận lợi như "dự án thí điểm" - liệu Hà Nội có thể "đến năm 2015 hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp hoặc đã hết niên hạn sử dụng" theo mục tiêu Chính phủ đề ra được không?
Trong Báo cáo gần nhất với Chính phủ (đề ngày 30/11/2007), UBND TP. Hà Nội vẫn kỳ vọng năm 2008 sẽ "khởi công xây lại các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên..." - nhưng kỳ vọng này có thành hiện thực được không, phụ thuộc rất lớn vào sự chung tay và kiên quyết.
-
Hoàng Huy
Ý kiến của bạn: