(VietNamNet) - "Kể từ 6h30 ngày 15/12, 400 chiến sĩ CSGT, cùng các lực lượng: thanh tra giao thông, cảnh sát cơ động, trật tự viên... sẽ được huy động có mặt trên tất cả các tuyến đường của Hà Nội để xử lí người đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm (MBH) " - Trưởng Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội Đào Công Hải cho biết như thế trong buổi gặp gỡ báo giới chiều nay (5/12).
Trước đó, từ 10-14/12, các lực lượng này sẽ luân phiên nhau tuần hành trên các tuyến đường, thực hiện chặn xe người đi đường để nhắc nhở về quy định bắt buộc đội MBH.
Thượng tá Đào Công Hải, Trưởng Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội |
Thượng tá Đào Công Hải cho biết, sở dĩ có chiến dịch ra quân nhắc nhở trước thời gian xử phạt 5 ngày vì ông biết có một số luồng thông tin cho rằng Chính phủ có thể lùi thời hạn bắt buộc đội MBH trên mọi tuyến đường. Thông tin này là không chính xác. Việc đội MBH bắt buộc trên mọi tuyến đường vẫn đúng tinh thần Nghị quyết 32 của Chính Phủ, từ 15/12/2007.
Dự kiến, sẽ có 400 CSGT, 80 cảnh sát cơ động được huy động, chia thành 110 chốt xử lí. Thêm vào đó, Phòng CSGT cũng đề xuất với Ban Giám đốc Công an Thành phố cho phép bổ sung thêm lực lượng từ các phòng: PC18, PC22, PC13b, cùng công an các quận, huyện.
Các lực lượng này sẽ luân phiên lưu động làm sao để đảm bảo có mặt trên mọi tuyến phố.
Phòng CSGT cũng kiến nghị Công an Thành phố ra văn bản quy định chức năng, thẩm quyền của lực lượng thanh tra giao thông, trật tự viên trong việc dừng xe, xử lí người không đội MBH.
Ông Hải cũng bày tỏ lo lắng rằng: Quy trình xử phạt có thể khó khăn, phức tạp! Người vi phạm có thể phải xếp hàng chờ lập biên bản. Bởi theo Nghị định 146, quyền hạn của chiến sĩ tuần tra, trực chốt chỉ được xử phạt từ 100.000đ trở xuống, trong khi lỗi không đội MBH bị phạt 150.000đ. Vậy nên, từ đội trưởng trở lên mới được ra quyết định phạt.
Quy trình xử phạt vi phạm không đội MBH: Người vi phạm sẽ bị chiến sĩ tuần tra, gác chốt tạm giữ giấy phép lái xe hoặc giấy đăng kí xe, lập biên bản vi phạm. Tiếp đó, đội trưởng sẽ ra quyết định xử phạt. Người vi phạm mang quyết định xử phạt đến nộp tiền tại kho bạc. Sau khi có biên lai nộp tiền, người vi phạm sẽ được trả lại đăng kí xe hoặc giấy phép lái xe. |
Vì thế, ông Hải cũng ước tính, các lực lượng này chỉ có thể xử phạt được hết nếu số người vi phạm dưới 30% (trong tổng số người đi mô tô, xe máy).
Các hành vi như đội MBH nhưng không thắt dây, đội mũ bảo hộ lao động cũng sẽ bị nhắc nhở và xử phạt.
Cùng với đó, Công an TP.Hà Nội cũng bắt đầu triển khai vận động chủ các xe công nông, xe tự gióng (xe ba bánh) chuyển đổi mục đích sử dụng như chuyển sang làm máy bơm, máy xay xát... vì theo tinh thần Nghị quyết 32 của Chính phủ, các loại xe này sẽ bị cấm lưu hành trên toàn quốc từ 1/1/2008. Công an Thành phố cũng đang chờ hướng dẫn của các bộ liên quan về vấn đề hướng dẫn đăng kí loại xe này (nếu có).
-
Chí Hiếu