(VietNamNet) - Sự xuống cấp của hệ thống đường sắt, sự đầu tư không đồng bộ, èo uột cũng như ý thức của người dân quá kém khiến cho cung đường quan trọng bậc nhất này luôn ẩn chứa những hiểm nguy. Nhiều cơ quan chức năng biết đó, nhưng chưa ai tìm được lời giải.
>> Chùm ảnh: Những cảnh "lạnh gáy" trên đường ray
>> Đường sắt Quảng Bình: Những cung đường chờ "nghỉ hưu"!
Xuống cấp nhanh, hiệu quả sửa chữa thấp...
Tuyến đường sắt Việt Nam được đi vào hoạt động từ những năm 1964. Kể từ đó đến nay, tuy nguồn ngân sách Nhà nước đã rót vào rất nhiều song chất lượng không được cải thiện đáng kể.
Đường ngang đi qua khu dân sinh: Có thể gặp ở bất kỳ chỗ nào!
Theo ông Nguyễn Văn Oanh, Phó Giám đốc Công ty Quản lý Dường sắt Nghệ Tĩnh thì: “Kể từ ngày thông suốt đường tàu đến nay, do kinh phí hoạt động hạn hẹp nên hệ thống đường sắt vẫn “dậm chân tại chỗ”. Công tác sửa chữa, bão dưỡng chủ yếu là “tự phát”, chắp vá, hư đâu thì sửa đó”.
Các phương tiện, vật liệu thuộc nhiều chủng loại khác nhau cũng ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cũng như độ an toàn của hệ thống đường sắt. Chẳng hạn, riêng kết cấu tầng trên của đường sắt đã có nhiều chủng loại “hỗn tạp”, đường ray được nhập về từ các quốc gia khác nhau. Ngày trước, nguồn ray chủ yếu nhập về từ Liên Xô, Rumani (thông qua chương trình viện trợ của UNICEP). Hệ thống ghi chủ yếu là hàng nhập từ Liên Xô, Trung Quốc, số ít còn lại sản xuất tai Việt Nam.
Hệ thống cầu cũng mang tính chất tạm bợ. Chỉ tính riêng trên địa phận đường sắt Bắc Nam đi qua 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh dài 133,5 km, chỉ có cầu Cấm (Yên Xuân, Diễn Châu) và cầu chợ Thượng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) là đạt tiêu chuẩn về chất lượng và thông số kỹ thuật. Số còn lại đều mang tính chất tạm thời.
Ngay cả những đường ngang lớn cũng không có sào chắn barie.
Anh Cường, một công nhân máy mài ray ở cung đường ga Hương Phố (Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện tại, việc sửa chữa, bảo quản đường sắt chủ yếu là bằng phương pháp thủ công. Đường lại xuống cấp nhanh chóng nên công việc rất nặng nhọc. Đây là tuyến đường phụ, chủ yếu là vận chuyển hàng hoá, trọng tải lớn, lại thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt hoành hành nên đường xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, chi phí để trùng tu, sửa chữa thì nhỏ giọt. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ về tai nạn là rất dễ xảy ra”.
Những "cung đường chết"
Chỉ tính riêng Nghệ An đã có 124 km đường sắt, trong đó tuyến đường sắt Bắc Nam có chiều dài 70 Km, chạy qua các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc... Thời gian qua, tình hình vi phạm về đường sắt khá phức tạp, hàng chục đường dân sinh mở ngang qua trái phép, hàng chục hộ dân xây dựng nhà trong đất hành lang...
Km 314 thuộc địa phận xã Nghi Kim (huyện Nghi Lộc), 1 đoạn chỉ dài chưa đầy 500 m, người dân thuộc xóm 15, đã mở đến 4 con đường nhỏ băng qua đường sắt. Dân ở sát đường sắt, hàng quán mọc chi chít ven đường, nguy hiểm luôn rình rập. Ông Cao Đức Minh, người dân thuộc xã Nghi Kim cho chúng tôi biết: "Bọn tui, cũng thấy được nguy hiểm đó. Nhưng chẳng lẽ đi vòng để ra đường cái, hành lang che chắn thì không có. Để cho nhanh và tiện lợi, nên tui và mọi người đành làm liều vậy!?".
Khảo sát đoạn đường này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều nhà đã tự ý mở đường bộ cắt qua đường sắt. Rào cản ngăn không cho qua đường sắt thì không có. Lúc tàu chạy qua, mạnh ai nấy chạy.
Nằm cạnh đoạn đường đi qua km 314+800 là Trường Trung học Giao thông Vận tải miền Trung. Cả buổi sáng, chúng tôi chứng kiến hàng trăm em học sinh băng qua đường sắt rất nguy hiểm. Vậy mà đường ngang này không có biển chắn và người gác.
Nguyễn Công Tùng, một học sinh của trường cho biết: "Do cổng trường đối diện với tuyến đường sắt, nên tai nạn đường sắt với trường em xảy ra như cơm bữa. Chứng kiến nhiều vụ tai nạn đau lòng lắm anh ạ. Cách đây mấy tháng, tan trường ra về, bạn em vì qua đường sắt không chú ý mà bị chết oan".
Học sinh các cấp ở Nghệ An, Hà Tĩnh thường xuyên bị tai nạn do phải đi qua những đoạn đường không có rào chắn như thế này.
Hiện nay, chỉ tính trên địa bàn xã Nghi Kim (Nghi Lộc - Nghệ An), có rất nhiều điểm mất an toàn giao thông nghiêm trọng. Đó là ở Km 13 + 800, và 314+ 800, đây là những điểm giao cắt giữa đường ngang dân sinh và đường sắt.
Trong vòng 7 tháng đầu năm 2007, toàn tỉnh đã có 11 vụ tai nạn đường sắt, hàng trăm vụ va quệt giữa người tham gia giao thông và tàu hoả.
Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn, thường là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi băng qua đường sắt không quan sát kĩ. Mặt khác, cũng do các biển báo đã quá cũ kĩ, hoặc quá thô sơ do người dân tự thiết kế. Có những đoan đường bị che khuất tầm nhìn, không thể quan sát được bởi nhà cửa, cây cối ven đường.
Có một thực tế dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông giữa người tham gia giao thông đường bộ và đường sắt là ở chỗ các cấp, các ngành ở một số địa phương có đường sắt đi qua còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào ngành Đường sắt, lực lượng tuần tra bảo đảm, kiểm soát an toàn giao thông còn mỏng. Trang thiết bị còn thô sơ. Chậm việc giải quyết việc đền bù, giải toả hành lang an toàn giao thông.
Ông Ngô Phi Hùng, một người dân thuộc khối 12 phường Quán Bàu (T.P Vinh - Nghệ An), cho biết: "Đã nhiều lần kiến nghị lên ngành Đường sắt sớm lập gác chắn, hoặc lắp đặt cảnh báo tự động, để phòng tránh TNGT, nhưng, kiến nghị rồi chẳng thấy thực hiện".
- Hoàng Sang - Nguyễn Lý - Minh Biền
Ý kiến của bạn?