(VietNamNet) - Chơi mô hình giấy nhưng mỗi người mỗi cách chơi. Có thể tạm phân ra hai thể loại chính: người chơi theo đề tài và người chỉ thích sưu tập sản phẩm hoàn chỉnh...
Có điều chắc chắn, mô hình giấy là thú chơi của những người nhẫn nại. Ngoài sự khéo tay cùng óc thẩm mỹ, người chơi còn phải am hiểu về sản phẩm và có khả năng ngoại ngữ để tham khảo tài liệu hướng dẫn. Chơi mô hình giấy giúp người chơi sáng tạo nên các khối, thể hiện chi tiết và rõ ràng nhất vật thể thật (xe, nhà, đồ vật, hình hoạt hình…) bằng…giấy.
Mô hình tàu quân sự HMS Savage (ảnh nguyen136) |
Mỗi cá nhân “bập” vào mô hình giấy đều từ lý do dẫn dắt khác nhau, nhưng tựu trung, họ chơi mô hình giấy vì sở thích, sự đam mê.
Hiện chơi mô hình giấy tại Việt Nam khoảng vài chục người (chỉ là những người quen biết nhau trong giới, những người chơi đơn độc ít khi lộ diện), chủ yếu ở TpHCM và Cần Thơ và trên đất Hà Thành thú chơi này cũng hình thành từ lâu. Ngoài ra, tại Đà Nẵng, chơi mô hình giấy cũng bắt đầu xâm nhập vào giới trẻ.
Chơi mô hình giấy nhưng mỗi người mỗi cách chơi. Có thể tạm phân ra hai thể loại chính đó là người chơi mô hình giấy theo đề tài và người chỉ thích sưu tập sản phẩm hoàn chỉnh (vì không có nhiều thời gian tỉ mẩn lắp ráp. Nhưng những mô hình này nghiêng về đồ chơi trẻ con, thủ công nhiều hơn và giá thành rất đắt).
Với những người chơi mô hình giấy theo đề tài, họ tự mày mò tìm hình, tự thực hiện lắp ghép. Trên diễn đàn mohinhgiay.net không ai lạ “bộ lục” (6 thành viên tích cực nhất của hội những người chơi mô hình giấy tại Hà Nội) của đất Hà Thành. Mỗi người trong bọn họ có sở thích đề tài khác nhau. Người chuyên về động vật, nhân vật ngộ nghĩnh, nhân vật game, truyện tranh, mô hình tàu không gian. Người chuyên tâm nghiên cứu làm mô hình về xe cộ, tàu thuyền. Có thành viên lại chỉ mê xe quân sự, mô tô thể thao hay nhân vật hoạt hình, nhân vật “cute”, máy bay quân sự. Hay có thành viên nhiều năm chỉ một chuyên môn là chơi và tìm hiểu mô hình động vật, mô hình kiến trúc.
Là sinh viên ĐHQG Hà Nội, Tùng, nickname “Kezn” được giới chơi mô hình giấy cũng như trên các diễn đàn đánh giá cao khả năng thiết kế. Kezn mới chơi mô hình giấy khoảng gần 1 năm nay. Chỉ mô hình Batman tự tay thiết kế, đang lắp ráp rất bắt mắt, Kezn tâm sự: "Có một hôm đi ngang qua phố Lương Văn Can, mình thấy có 1 em Batman nhồi bông khá đẹp, nên cũng muốn tự làm 1 con. Vì vậy mô hình này được làm khá chi tiết. Các mấu ghép được tra khít, không bị vênh mép. Chỉ tính riêng từ thiết kế cho tới ra bản kit mình đã mất 1 tháng. Mô hình chưa hoàn thành nhưng tới giờ nó đã ngốn… 2 tháng công sức”.
|
|
Chơi mô hình giấy nhìn qua tưởng dễ nhưng thâm nhập tìm hiểu, thú chơi này cũng không hề đơn giản. Bỏ qua việc phải đau đầu tỉ mẩn lựa chọn những phụ liệu công cụ như Giấy, hồ, dao kéo… dân mô hình giấy có “đẳng cấp” bao giờ cũng bỏ khá nhiều thời gian để ngâm cứu sâu mô hình mình định làm. “Một lâu đài sắp được dựng trên bản giấy thì kiến trúc thật ngoài đời sẽ được người chơi tìm hiểu kỹ từng chi tiết. Từ mái vòm cổng vào cho tới những khuôn cửa sổ hay tới đỉnh tháp hoặc đường tường bao xung quanh…”, Thư thành viên chuyên nghiên cứu về các mô hình kiến trúc tâm sự.
Hay, “chơi mô hình xe quân sự cũng phải tìm hiểu cẩn thận, từ hộ số, bánh xe, khung sườn cho tới những chi tiết của máy móc. Có thể chỉ là tìm hiểu qua hình ảnh, nhưng người chơi cũng phải kỳ công kỹ lưỡng”, Chính (ĐH Luật HN) thành viên của hội mô hình giấy Hà Nội trao đổi. Thêm nữa, vì cần sự chính xác và để mô hình thật giống so với vật thật, những mô hình của dân “pro” luôn mất ít nhất từ 1 đến 2 tháng công sức, thậm chí có mô hình tiêu tốn khoảng thời gian 1 năm mới hoàn thành.
Giấy là điều quan trọng nhất của dân chơi mô hình giấy. Giấy được dùng trong chơi mô hình giấy chủ yếu hai loại là giấy 180g/m2 (để in mẫu) và giấy bìa cứng dầy 1mm (làm cốt cho những mô hình lớn).
Ngoài ra các loại giấy thường (dùng để in, photocopy) cũng được trọng dụng nhưng chỉ dùng để dán lót trong mặt sau ở các mối ghép của mô hình. Các bản model kit (mẫu mô hình chưa hoàn chỉnh) không thể thiếu. Mỗi bản kit là sự thể hiện từng phần bộ phận của riêng của vật khi chưa lên hình. Sau khi in, người chơi cắt dán, ghép lại sẽ được mô hình hoàn chỉnh. Mua trực tiếp từ nước ngoài mỗi bản kit giá từ 5 - 20 euro/bản khi về VN giá đội lên không rẻ chút nào vì thế, các mô hình gia trong nước thường tìm những model kit có sẵn, miễn phí in ra rồi làm.
|
|
“Chơi mô hình giấy, khi mới bắt đầu bạn chỉ cần một cây kéo và 1 chút keo dán là ổn. Tuy nhiên về lâu dài bạn nên có thêm một vài công cụ hỗ trợ. Dao, nên chọn dao mổ, hoặc dao chuyên dụng (art knife). Dao dọc giấy có thể dùng nhưng hạn chế vì cán cầm to và không linh hoạt. Nên chọn lưỡi dao mảnh, nhỏ, sắc. Dao là công cụ cắt chính của người chơi mô hình, cắt nhanh và chính xác. Dùng dao sẽ không làm cong giấy khi cắt như kéo. Cũng có người xài kéo nhưng không phổ biến, thường chỉ dùng khi mới nhập môn. Kẹp, nhíp, thớt lót, thước… cũng rất cần!”, một tay trong mô hình giấy tiết lộ.
Hồ khô dễ dùng, không gây quăn giấy, thích hợp để dán những mặt phẳng lớn. Keo sữa (keo PVaC) đặc, sệt, màu trắng đục, dính chắc, dùng để bồi những lớp giấy mỏng ở mặt trong giúp gia tăng sự kết dính cho mô hình. Keo sữa giúp các mối ghép vẫn có thể chỉnh sửa khi keo chưa khô. Ngoài ra, Keo 502 cũng được sử dụng để cố định mảnh ghép. Mô hình giấy nếu được làm kỹ sẽ có độ cứng ngang đồ nhựa.
Tuy nhiên, dù còn nhiều hạn chế nhưng so với người hàng xóm mô hình nhựa, người chơi mô hình giấy cũng không mất nhiều chi phí tài chính. Các bản kit được in chỉ với giá khoảng 4-5000đ/trang, keo hồ dán cũng chỉ 4000đ còn sơn xịt chỉ 20.000đ. Chi phí đầu tư dụng cụ ban đầu hầu như không đáng kể.
"Chỉ mong nghệ thuật mô hình giấy được nhiều người biết tới và tham gia. Đó thú vui lành mạnh, tô điểm thêm cho cuộc sống bằng những mô hình nho nhỏ ngộ nghĩnh. Nhờ chơi mô hình giấy mà mình đã bỏ được chơi game online " - một thành viên của diễn đàn mohinhgiay.net tâm sự.
-
Nguyễn Đình