(VietNamNet) - Thời buổi tấc đất tấc vàng, thì câu chuyện “đất công phúc ông… “tư” chả lấy gì làm lạ! Vỉa hè ngoài phố bị xà xẻo, đập vào mắt mà chính quyền đành làm ngơ, nên chuyện những sân chơi khuất nẻo ở các khu tập thể bị “làm thịt”, âu cũng là điều dễ hiểu!
Sân chơi tập thể cũng bị… “phân lô”!
Dạo quanh các khu tập thể (KTT) của Hà Nội từ Kim Liên, Nam Đồng, qua Vĩnh Hồ (quận Đống Đa), tới Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng) sang Nghĩa Tân (Cầu Giấy)… vào quãng 6-8h sáng, 5-7h chiều, và sau 8h tối - giờ nghỉ ngơi, thư giãn của các cụ, các cháu – song khó mà bắt gặp những cảnh thư thái, vui đùa của người dân. Thay vào đó, cảnh mua bán tấp nập, cảnh ăn uống… Thật khó nhận ra hình thù của những sân chơi tập thể này!
Chiều cuối tuần yên ả, nhưng sân chơi thiếu trẻ để "nhường chỗ" cho các hàng ăn uống tụ họp! |
|
|
Khoảng sân gần 1000m2 nối liền 2 dãy nhà B8 và B9 vốn thoáng đãng nay hàng quán lôm nhôm. Lớn nhất là quán bia tươi “vươn ra” từ tầng trệt nhà B8, ngang nhiên chiếm một khoảng sân chừng 40m2 sát mặt đường, kê được gần chục chiếc bàn phục vụ mấy quý ông đang nhâm nhi cốc bia, bên cạnh đó, khoảng chục chiếc bàn khác đang xếp chồng lên nhau “dự trữ”! Có lẽ, đến giờ đông khách, nó sẽ được rải ra và choáng thêm một khoảng sân nữa?!
Đối diện với quán bia này, cửa hàng rửa xe “khiêm tốn hơn” ngụ trên khoảng 20m2 mặt sân. Xe máy dựng san sát, nước chảy lênh láng.
Cạnh đó, những chiếc đu quay, cầu trượt của trẻ được dồn về một góc, bị những chiếc xe máy bủa vây tứ phía, nằm im lìm.
|
|
Sân chơi cụm dân cư Nam Đồng cũng được những người kinh doanh dịch vụ biến thành khu giải khát một cách rất vô tư!
Khoảng sân rộng hàng ngàn m2, trông thẳng ra hồ, rất thoáng mát, vốn là khu vui chơi của trẻ em KTT Nam Đồng nay nổi tiếng vì “phố cà phê”!
Từ 7h tối trở đi, hàng quán bắt đầu tấp nập. 7, 8 hàng cà phê thi nhau nối tiếp với sự đan xen của nhiều loại ghế, nhiều màu ghế. Các bà, các mẹ đi bộ thể dục quanh hồ cứ phải “lạng lách”, rẽ trái rồi rẽ phải để tránh những bộ bàn ghế đã được đặt trước. Nếu trên những bộ bàn ghế ấy không có những thực khách, những đôi nam nữ với những tách cà phê thì rất dễ hình dung đây là cuộc thi “đi bộ vượt chướng ngại vật” của các bà, các mẹ!!!
Đu quay, cầu trượt quanh đó…cũng được sử dụng triệt để vào mục đích kinh doanh. Ít nhất cũng là “đồ trang trí” khiến không gian các hàng cà phê khỏi phần đơn điệu!
Chị Lê Nhung thuộc cụm dân cư Nam Đồng bức xúc: “Nhà tôi có con nhỏ, chỉ có buổi tối là rảnh để đưa cháu ra đây chơi thì chẳng còn chỗ, đâu đâu cũng quán hết cả rồi”.
Ít "tai tiếng" nhất, song cũng phổ biến nhất về tình trạng chiếm dụng, "phân chia" sân chơi tập thể là các điểm giữ xe dưới tầng trệt của các KTT.
Tuy nhiên, những gia đình ở tầng một có dịch vụ giữ xe đều có lí do rất "nhân văn" rằng: "Bà con có nhu cầu, mình không giữ, người ta gửi xe vào đâu!".
Phải thừa nhận rằng, nhu cầu gửi xe của nhân dân ở những KTT là hết sức cần thiết. Không chỉ những hộ ở tầng trên, mà ngay người dân khi qua lại, thăm viếng, công việc cũng rất cần. Có điều, từ chỗ mở dịch vụ trên phần đất nhà mình, đến lấn chiếm cả một khoảng sân tập thể, xóa sổ nhu cầu vui chơi, giải trí của tập thể là khoảng cách... bằng không!
"Phân lô" từ một chủ trương... “xóa đói giảm nghèo”!?
So với việc xà xẻo vỉa hè làm nơi kinh doanh ngoài phố, việc “phân lô” sân chơi tập thể được coi là “khuất nẻo”, “hẻo lánh” hơn nhiều! Tuy nhiên, với đội ngũ những cảnh sát khu vực gần dân, công an phường, tuần tra dân phố thường xuyên và sâu sát như hiện nay, thì ngay cả những “chốn thâm cung bí hiểm” cũng khó mà che mắt các anh, nói chi những khoảng sân rộng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn m2 tại những khu tập thể!
Dịch vụ nhan nhản: từ trông xe, cà phê, bán quần áo ngay trong khuôn viên sân chơi, là tình cảnh chung của các sân chơi tập thể! |
Được biết, vấn đề quản lí, sử dụng sân chơi tập thể tại các khu dân cư được phường giao cho các tổ dân phố, trực tiếp là các tổ trưởng tổ dân phố.
Phường chỉ "quản lí từ xa" qua việc đề xuất, kiến nghị của dân qua tổ trưởng. Cụ thể như cấp tiền sửa chữa, tu bổ, trang bị thiết bị phục vụ nhu cầu giải trí... Còn việc công năng của sân chơi bị biến dạng như thế nào thì phường... không kiểm soát được!
Trong khi đó, quyền này thuộc về tổ trưởng dân phố.
Đại diện chính quyền phường Kim Liên, ông Vũ Đình Biên, Phó Chủ tịch thừa nhận: "Hiện tại phường không kiểm soát được tình trạng chiếm dụng này". Thế nhưng phường lại (đã) "giao cho các tổ trưởng dân phố giám sát" và "phường chỉ giải quyết khi có khiếu nại từ phía người dân và được quận đồng ý"!
Không hiểu quyền giám sát và trách nhiệm của tổ trưởng đến đâu, được quy định trong văn bản nào của phường?! Chứ như lời tổ trưởng dân phố C10, phường Kim Liên thì bà hoàn toàn bất lực, chỉ biết nhìn hàng này, hàng nọ "nhìn nhau" kinh doanh rồi nối tiếp nhau lấn chiếm!
Bà này cũng cho hay, dù bản thân bà rất bức xúc nhưng vì vấn đề xảy ra từ lâu nhưng làm sao để trả lại đúng công năng của sân chơi tập thể cũng là vấn đề đang phải bàn cãi nhiều!!!
Tuy vậy, khi tìm hiểu, chúng tôi lại được biết, trước đây, phường Kim Liên đã có một chủ trương cho phép "các hộ có hoàn cảnh khó khăn" được phép buôn bán trên sân chơi tập thể nhằm mục đích... "xóa đói giảm nghèo"!
Sân chơi nhà C9 - KTT Kim Liên dùng để "xóa đói giảm nghèo"! |
Sau đó, với chức năng giám sát của mình, nhiều tổ trưởng thu tiền theo kiểu "tùy hứng" và đồng ý cho "những gia đình khó khăn" kinh doanh. Dần dần, có quá nhiều "gia đình khó khăn" nên bây giờ... không kiểm soát được!
Đó cũng là tình cảnh ở nhiều KTT khác: nhiều người được phép kinh doanh. Có người đóng tiền cho phường, có người đóng cho tổ dân phố, và có người cũng không phải đóng.
Nhiều tổ trưởng nói dùng tiền vào mục đích nâng cấp lại sân chơi nhưng nâng cấp thế nào thì cả dân, chính quyền phường đều không biết!
Thế nhưng, trong khi câu chuyện "đòi lại vỉa hè" đang được "viết tiếp" thì e rằng, chuyện đi đòi lại công năng cho sân chơi tập thể ở các KTT còn phải xếp lại dài dài?! Nên "hy vọng" dân cũng... "thông cảm" với những lời "hứa suông" của các phường khi đi phản ánh!
-
Chí Hiếu