20/11, ở ngoài khơi phía đông nam Philippines hình thành thêm một ATNĐ thứ 2. Trong những ngày tới, nhiều khả năng VN sẽ phải đối mặt với hiện tượng bão đôi.
>>Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão vào Biển Đông
Dự báo của Hải quân Hoa Kỳ về tầm ảnh hưởng của bão. Ảnh Thanh Niên. |
BáoThanh Niên ra ngày 21/11 dẫn nguồn dự báo của Hải quân Hoa Kỳ: ATNĐ này có khả năng mạnh lên thành bão vào ngày 21/11 và có thể mạnh đến cấp 12, giật cấp 14 vào ngày 23/11, khi đã vào gần đến miền nam Philippines, sau đó tiến về phía nam biển Đông.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nếu vào biển Đông thì ATNĐ khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.
Chiều 20/11, Cơ quan cảnh báo bão nhiệt đới JTWC (Mỹ) và TSR (Anh) cũng đồng loạt đưa tin về bão nhiệt đới 23W và ATNĐ 24W hoạt động cùng lúc từ phía nam Philippines đến phía nam Việt Nam. Do bão chưa mạnh nên chưa có tên quốc tế.
Dự báo, đến 13h ngày 22/11, bão 23W bắt đầu ảnh hưởng từ Phan Rang đến Phan Thiết, tâm bão trực chỉ TP.HCM. Đến chiều tối 23/11, bão đổ bộ gần TP.HCM với sức gió 70 đến 90 km/h, gây mưa lớn từ bắc Nha Trang đến Năm Căn.
Cùng thời điểm trên, bão 24W sẽ đổ bộ lên vùng đảo phía nam Philippines, gần lộ trình bão 23W đã đi qua, với sức gió trên 120 đến 150 km/h. Do hiện nay vùng biển phía nam còn ấm, nếu không có thay đổi bất ngờ vào giờ chót, bão 24W có khả năng theo vết xe đổ của bão 23W, tiếp tục đổ bộ gần TP.HCM, gây mưa lụt.
Như vậy, 2 cơn bão này sẽ là cơn bão số 7 và số 8 ảnh hưởng đến nước ta trong năm nay.
Thông tin về diễn biến ATNĐ: 20/11, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đưa tin cảnh báo áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão vào Biển Đông.
Cùng ngày, 20/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương - Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có Công điện số 128 gửi Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau và Kiên Giang, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Ban Chỉ huy PCLB các Bộ chủ động phòng tránh và đối phó với bão.
-
Hoàng Hạnh (Tổng hợp)