(VietNamNet) - Việc ứng xử quá chậm với hàng trăm nhà lắp ghép cũ nát, trong đó có những chung cư đặc biệt nguy hiểm, rõ ràng là sự thiếu chủ động trước thảm họa, mà thảm họa này (nếu xảy đến) chính do con người gây ra cho con người...
Người dân thiếu thông tin về hiểm nguy, vô tư ăn uống vui đùa bên chung cư "tối" nguy hiểm B6 Giảng Võ - ai chịu trách nhiệm hướng dẫn họ? (Ảnh: H.H)ng, |
Nước đến chân vẫn... không nhảy?!
Mỗi chung cư khi đã được xác định nguy hiểm, có thể sập đổ bất cứ lúc nào, nguy cơ thảm họa khôn lường, trong khi vẫn phải ngày đêm chất tải hàng trăm con người, hàng ngàn vật dụng, của cải, tài sản nhân dân - nếu ụp xuống (như đã được dự báo) sẽ không khác gì, thậm chí còn khủng khiếp hơn cầu Cần Thơ sập nhịp dẫn lúc thi công!
Người trong cuộc lo lắng ví rằng: Cầu Cần Thơ sập chỉ lấy đi 54 mạng người, nhưng giả sử 1 chung cư đổ sụp vào chiều tối hoặc đêm (khi cư dân tại đó không đi làm mà ở nhà hoặc đang ngủ) thì số người thiệt mạng có thể là bao nhiêu?
Thái độ và cách hành xử chủ quan, bị động trước các sự cố được báo trước đã, đang đẩy những người dân chung cư Cosaco (TP.HCM) vào cảnh buổi sáng còn rời nhà đi làm bình thường, chiều về đã thấy khu nhà bị phong tỏa, buộc phải di dời đến nơi tạm cư; còn 13 hộ dân Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị yêu cầu dời khẩn cấp người, tài sản ra khỏi "nơi ăn chốn ở" trong khi chưa biết tạm cư ở đâu, bao giờ mới được trở về. Rõ ràng, họ bị buộc vào thế không thể lựa chọn phương án 2.
Rất may các trường hợp trên chưa xảy ra thảm họa, nhưng không phải không để lại bài học đáng tiếc. Cũng chỉ có người dân thiệt thòi, bất an, tính mạng và tài sản bị đe dọa. Thế nhưng hiện nay với rất nhiều trường hợp khác, tuy thảm họa chưa xảy ra nhưng đã được dự báo về mối nguy hiểm "lơ lửng thường trực". Nghĩa là, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể chủ động thì thay vào đó là sự chậm trễ khó hiểu, kéo dài vô thời hạn, sự thiếu ý thức về pháp luật, hiểm nguy...
Tháng 7/2006, Sở TN-MT&NĐ Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng: Thủ đô có 77 chung cư nguy hiểm cần kiểm định. Một năm sau, tháng 7/2007, sở này vẫn "đề nghị bố trí đủ vốn ngân sách để tổ chức kiểm định chất lượng 77 chung cư nguy hiểm trên địa bàn". Gần đây nhất (hội thảo ngày 17/11/2007), con số 77 chung cư nguy hiểm này lại vừa được Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp (Sở TN-MT&NĐ) Vũ Ngọc Đạm cho hay: vẫn đang trong tình trạng "đề xuất các biện pháp xử lý"!
Hơn 2 năm từ khi HĐND TP chủ trương xã hội hóa cải tạo các khu tập thể cũ nát, nguy hiểm (Nhà nước không bao cấp nữa mà kêu gọi chủ đầu tư thuộc nhiều thành phần kinh tế "gánh vác"), không 1 dự án cải tạo chung cư cũ nào được khởi công, kể cả những khu nguy hiểm mà Nghị quyết HĐND và cả Chính phủ đều nhấn mạnh "ưu tiên thực hiện". Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP. Hà Nội Lê Văn Hoạt nhận định: "Nghị quyết 07 của HĐND TP đã được chuẩn bị rất công phu, thể hiện những quan điểm chỉ đạo và định hướng đúng trong việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn" nhưng "tiến độ triển khai thực hiện rất chậm".
Tuy nhiên, với thực tế tại Hà Nội lúc này, nếu chỉ sử dụng một từ"chậm" để phản ánh tiến trình đầu tư, tái thiết các tập thể cũ nát, nguy hiểm là còn nhẹ và chưa đầy đủ. Nói cho đúng, công cuộc "xóa bỏ tàn dư thời bao cấp" này đến thời điểm hiện nay đang đình trệ, ách tắc toàn phần. Vướng mắc đủ mọi phía, ở tất cả các khâu, khiến cho "gỡ rối" không biết bắt đầu từ đâu... kể cả các chung cư "tối nguy hiểm" lẽ ra cứ đúng luật mà thực thi - cũng "giậm chân tại chỗ"!
Sốt ruột trước sự ách tắc này, cuối tuần qua, hội thảo về cải tạo chung cư cũ do Hội Qui hoạch phát triển đô thị VN chủ trì đã cấp tập diễn ra, với sự tham dự của đông đảo nhà chức trách Trung ương và HN... trong đó dự án phá cũ, xây mới chung cư "tối nguy hiểm" B6 Giảng Võ được nhiều lần nêu làm ví dụ. Chính quyền đã hạ quyết tâm di dân khỏi "khu nhà chết" này vào tháng 10/2007, rồi "tái hẹn" đến 11/2007 và bây giờ tháng 11 sắp qua vẫn hoàn toàn im ắng! Hơn 2 năm từ khi Luật Nhà ở được Quốc hội thông qua, rất nhiều điều liên quan đến nhà nguy hiểm nói riêng, các khu tập thể nói chung đã được qui định rõ ràng song áp vào dự án B6 thì chẳng những luật này đã không được thực thi mà còn tranh cãi như... chưa có luật!?
Dân các tầng trên đã di dời hết, tan hoang, trống trơn... nhưng tầng trệt vẫn buôn bán tốt! (Chụp chung cư B14 Kim Liên tháng 9/2007 - Ảnh: H.H). |
Phát biểu trước hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HN Nguyễn Thế Thảo một lần nữa nhắc lại: "B6 Giảng Võ rõ ràng là một khu nhà hoàn toàn phải bỏ đi, phải đập đi, vì đã trình đến cơ quan kiểm định của Bộ XD và được khẳng định không thể tiếp tục sử dụng. Đứng về luật mà nói, chính quyền nếu để một công trình (dù bất cứ đó là công trình của ai) xảy ra hậu quả về mặt xã hội, kinh tế thì chính quyền đó phải chịu trách nhiệm! Vậy mà với B6 Giảng Võ, thậm chí UBND TP đã chuẩn bị đủ quỹ nhà để di dời, đặt tình huống cứu hộ cứu nạn, trưng dụng bất cứ quỹ nhà nào (ra quyết định trưng dụng, quyết định kéo điện, kéo nước...) và giao cho UBND quận hai nơi: một nơi đưa bà con đi, một nơi đón bà con về; làm rất kỹ, rất coi trọng nhân dân dù chỉ là nhà sơ tán... nhưng một số bà con vẫn không chịu đi"!
Không chịu đi khỏi chung cư nguy hiểm đồng nghĩa với bị động, chấp nhận thảm họa. Bức xúc trước thực trạng này, một người tiền nhiệm - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đỗ Hoàng Ân phải thốt lên: Chỉ mỗi khu B6 Giảng Võ đã phức tạp thế, thì ứng xử làm sao với bao chung cư nguy hiểm khác vẫn đang xếp hàng chờ xử lý nhiều năm nay, như: C7 Giảng Võ, C1 Thành Công, E6, E7 Quỳnh Mai...?!
Chưa hiểu đúng + Chưa kiên quyết = Ách tắc!
Theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, một số người dân không chịu đi vì nghĩ rằng việc tái thiết chung cư họ ở là vấn đề kinh tế chứ không phải xã hội, nhất là khi họ chưa đi đã biết sẽ có một công ty đưa mô hình xây lại tòa nhà thành 15, 17 tầng (thay cho 5 tầng cũ). Thế là nảy chuyện: một số dân đòi làm chủ đầu tư; hỏi tại sao giao người này lập phương án mà không giao tôi; dân đã mua nhà 61 phải có quyền quyết định ("ông bán cho tôi rồi, tôi phải có quyền chọn ai vào làm")...
Ông Thảo nói: "Đây là công trình đồng sở hữu của cả Nhà nước và nhân dân. Dân đã mua nhà 61 có quyền quyết định xây lại khu nhà của mình nếu dân đóng tiền vào đấy (tức là bỏ tiền ra xây lại nhà mình). Nhưng chúng ta chưa kịp giải thích cho dân rằng: việc xây lại này dân không mất 1 xu nào mà được ở nhà mới rộng hơn... Không phải đã bán nhà cho dân rồi thì sở hữu đó là của nhân dân, mà chỉ có nhà của nhân dân còn đất vẫn của Nhà nước".
Hiểu chưa đầy đủ dẫn đến "rõ ràng làm điều THIỆN, điều PHÚC cho dân mà lại mang tiếng, chẳng ra sao cả!" - ông Thảo nói, "đó là chưa kể từ góc độ kinh tế đó đã nảy sinh nhiều chuyện phức tạp khác: Thanh tra Bộ Xây dựng lại nói là cái nhà này chưa đến mức độ phải đập ra; rồi kiểm định chỉ còn 20% nhưng cơ quan khác trước đó đã đánh giá 80% để bán nhà 61 cho dân...".
Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP khẳng định để giải quyết tốt việc này, những người dân thiếu thông tin cần phải được chính quyền chủ động giải thích đầy đủ, sao cho họ hiểu trong toàn bộ vấn đề xóa bỏ chung cư nguy hiểm này, yếu tố XÃ HỘI là hàng đầu (các vấn đề KINH TẾ, KỸ THUẬT là cần thiết phải có, đưa ra để chủ động lựa chọn phương án tối ưu, để không bị động với thảm họa, để có cơ sở tiến hành... chứ không phải "lừa dân, cố tình muốn đập nhà đi để xây lại kiếm lời").
Cụ thể, để khai thông mô hình tiên phong, thí điểm B6 Giảng Võ, tạo tiền đề cho hàng loạt dự án kế tiếp đang "nín thở theo dõi" cách ứng xử của chính quyền trong vấn đề tương tự, theo Chủ tịch Thảo: "Kể cả việc trước kia không vì lợi ích mà chỉ là sơ suất trong hành chính, một số căn hộ B6 đã được đánh giá 80% khi bán nhà 61 nhưng nay kiểm định lại chỉ còn 20% thì Nhà nước sẵn sàng hồi tố cho dân, để khẳng định nhà này cần phải di dời!".
Theo chỉ đạo của UBND TP, chính quyền quận, phường đã tổ chức đưa dân B6 Giảng Võ đi thăm quan nhà tạm cư tổ 28 Thanh Lương sáng 27/10/2007 (Ảnh: H.H). |
Tuy nhiên, trong khi chính quyền rất mong dân hiểu đúng để tiến trình đầu tư, tái thiết (kể trên) vận hành suôn sẻ - thì ghi nhận của phóng viên VietNamNet, đông đảo người dân đang "kẹt" tại các chung cư nguy hiểm kia cũng rất mong chính quyền kiên quyết hơn nữa trong việc thực thi theo luật. Luật đã định: Nhà hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ sập đổ, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận thì buộc phải phá dỡ, di dời không chờ đồng thuận, thậm chí cưỡng chế nếu không tự nguyện để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.
Một số cư dân B6 Giảng Võ cho biết, không phải người dân nào cũng thiếu thông tin, cản trở việc chung. Rất nhiều trong số họ từng gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Thành ủy, HĐND, UBND TP và Bộ XD, xin được dời đi sớm chừng nào hay chừng ấy. Những cư dân này thấp thỏm không hiểu sao: tân Chủ tịch đã lên kế hoạch thị sát khu nhà của họ, rồi lại hoãn; chính quyền các cấp đã ấn định di dời vào đầu tháng 11/2007, rồi lại im ắng chẳng thấy gì; các cơ quan chức năng TP đã kiểm tra kỹ quỹ nhà tạm cư Thanh Lương, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng và tổ chức cho dân thăm quan, UBND TP đã có quyết định trưng dụng quỹ nhà này (tức đã thuộc của TP), rồi lại mất thời gian tìm thêm quỹ nhà khác... trong khi nguy hiểm đang cận kề?!
Dân cũng thắc mắc tại sao, trong khi điều kiện cần và đủ đều đã có, chỉ một quyết định di dời thôi (được ban hành bởi UBND TP Hà Nội) sẽ cứu tính mạng, tài sản biết bao người mà phải chờ lâu đến thế? Rõ ràng, để giải tỏa những ách tắc này, để chủ động trước thảm họa, không chỉ cần sự ủng hộ của nhân dân, mà còn cần lắm sự kiên quyết từ chính quyền các cấp...
-
Tràng An Nguyễn