221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1006452
Xây chung cư nứt nhà dân: Buộc di dời, dân đi đâu?
1
Article
null
Xây chung cư nứt nhà dân: Buộc di dời, dân đi đâu?
,

(VietNamNet) - UBND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) vừa yêu cầu 13 hộ dân bị hỏng nhà do thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu khẩn cấp di dời người và tài sản ra khỏi nhà trước ngày mai (19/11), trong khi người dân chưa biết dọn đi đâu.

>> Nhà bị lún nứt: Dân tự chế thiết bị báo sập
>>TP.HCM: Xây chung cư nứt nhà dân, còn... kiện ngược
>>
Video: Nhà dân chờ sập vì... cao ốc

"Sẩy nhà, ra... đường"?

Ngày 18/11, anh Trương Đình Nam (56/11/8 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết anh chỉ mới nhận được văn bản yêu cầu di dời khẩn cấp người và tài sản ra khỏi nhà của UBND quận Bình Thạnh vào chiều 17/11 (ngày thứ Bảy).

f
Nhà dân lún, nứt do thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu. (Ảnh: Trần Duy)

Anh Nam nói sẵn sàng ra khỏi nhà và thực hiện lệnh di dời của chính quyền địa phương nếu chủ đầu tư (bên gây ra thiệt hại, là Công ty Liên doanh TNHH và Phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu - gọi tắt là Công ty Daewon Hoàn Cầu) bố trí chỗ tạm cư cho gia đình anh và tiến hành ngay việc sửa chữa nhà trong thời gian sớm nhất.

“Hơn nửa tháng nay, chưa thấy bất kỳ nhân viên nào của Công ty Daewon Hoàn Cầu tiếp xúc với tôi để thỏa thuận vấn đề tìm nhà tạm cư. Nếu buộc phải di dời cả gia đình ra khỏi nhà trong một, hai ngày tới, chúng tôi biết đi về đâu?”- anh Nam lo lắng.

Ông Trần Đức Niềm (48/10B Điện Biên Phủ), có tên trong danh sách di dời người và tài sản ra khỏi nhà có nguy cơ sập khẳng định với PV VietNamNet, nếu buộc phải ra khỏi nhà, ông phải ra đường ở. “Cả nhà tôi hoang mang. Trẻ nhỏ sao nhãng học hành, vợ chồng thì lục đục chỉ vì chuyện phải di dời chỗ ở”- ông Niềm nói.

Trong số 13 hộ dân buộc phải di dời khẩn cấp người và tài sản ra khỏi nhà trong đợt này, nhiều hộ đã từng sẵn sàng di dời khỏi nhà vì tin vào cam kết của Công ty Daewon Hoàn Cầu là sẽ sửa chữa và giao nhà cho họ trong vòng 4 đến 6 tháng.

Viện đủ lý do để... mặc kệ

Trước đó, bằng văn bản gửi đến các hộ dân phường 22 và cơ quan chức năng, Daewon Hoàn Cầu cho rằng việc thay đổi yêu cầu liên tục của gia đình ông Lưu Đức Thắng (ngụ tại số nhà 48/10 Điện Biên Phủ - người đang bị Daewon Hoàn Cầu kiện ra tòa đòi bồi thường 1,5 tỷ đồng trong một vụ kiện được báo chí đánh giá là hi hữu) là một trong những lý do khiến cho việc sửa chữa nhà của các hộ dân theo kết luận của Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn chưa thể hoàn tất. 

Nhưng ông Thắng lại cho biết căn nhà mà ông và gia đình đang ở đều độc lập với các hộ dân khác.

Một lý do khác cũng được Daewon Hoàn Cầu đưa ra để lý giải cho việc “thất hứa” với các hộ dân là "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa cho phép".

Trong một văn bản khác nhằm báo cáo cơ quan chức năng về tiến độ sửa chữa nhà cho các hộ dân bị hư hỏng do thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu, chủ đầu tư đã cho rằng chủ nhà chưa cung cấp được bất cứ hồ sơ, tài liệu nào về hiện trạng căn nhà cũng như tính pháp lý của nhà mà các hộ dân đang cư ngụ.

Về điều này, Sở Xây dựng TP.HCM đã có ý kiến. Theo đó, các hư hỏng ở nhà dân do ảnh hưởng của việc thi công công trình phải được đền bù, sửa chữa khắc phục để người dân có thể nhanh chóng trở về nơi ở, ổn định cuộc sống. Việc sửa chữa căn cứ theo biên bản thỏa thuận đã lập giữa Công ty Daewon Hoàn Cầu và các hộ dân (có sự xác nhận của UBND phường 22). Vấn đề một số nhà dân chưa có giấy tờ hợp pháp về chủ quyền hoặc xây dựng sẽ do các cơ quan chức năng xử lý, không ảnh hưởng đến việc đền bù.

Về việc tiến hành sửa chữa khắc phục sự cố, Sở Xây dựng cũng hướng dẫn rất thỏa đáng. Theo đó, căn cứ vào kết quả kiểm định, Công ty Daewon Hoàn Cầu có trách nhiệm lập phương án sửa chữa cho từng căn nhà, phương án đề nghị thỏa thuận trước với chủ hộ để có sự đồng thuận trên nguyên tắc khôi phục lại nhà cũ nhưng phải đảm bảo an toàn về các yêu cầu kỹ thuật.

Đối với các căn nhà mà kết quả kiểm định cho thấy đã bị hư hỏng nặng, không thể sửa chữa, buộc phải tháo dỡ xây dựng lại, Công ty Daewon Hoàn Cầu hỗ trợ chủ nhà (hoặc tìm đơn vị tư vấn thiết kế) lập thiết kế bản vẽ thi công xây dựng mới. Thiết kế xây mới phải theo nguyên tắc khôi phục hiện trạng, đảm bảo công trình không có thay đổi về quy mô so với nhà cũ (diện tích xây dựng, tầng cao, lộ giới…). Các thay đổi bên trong nhà cũ tùy theo thỏa thuận giữa công ty với chủ nhà.
 

d
Di dời khẩn cấp người dân nhưng chưa bố trí nhà tạm cư, người dân biết đi về đâu? (Ảnh: Trần Duy)

Tuy nhiên, đến nay, Daewon Hoàn Cầu đã không thực hiện đúng như cam kết và hướng dẫn của Sở Xây dựng. “Chúng tôi đã tin công ty này một lần nhưng vì họ bất tín, nên tôi sẽ không bao giờ tin họ nữa” - ông Nguyễn Chí Chủ bộc bạch.

Chính vì điều này, nhiều hộ dân đã đề nghị Daewon Hoàn Cầu ký quỹ để bảo đảm những lời hứa của công ty sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, công ty này đã không đồng ý với lời đề nghị trên của các hộ dân.

Trong văn bản yêu cầu di dời khẩn cấp gửi đến 13 hộ dân phường 22, thừa lệnh UBND quận Bình Thạnh, ông Hoàng Song Hà, Trưởng phòng Quản lý đô thị có đề cập: “Đề nghị Công ty Daewon Hoàn Cầu trực tiếp thỏa thuận với chủ sở hữu các căn nhà trên để bồi thường và tiến hành khắc phục sửa chữa ngay sự cố. Đồng thời phối hợp với UBND phường 22 bố trí tạm cư ngay cho các trường hợp phải di dời”.

Tuy nhiên, đến nay, khi đã gần đến thời hạn buộc phải di dời ra khỏi nhà (và nhiều khả năng các hộ dân phường 22 sẽ bị cưỡng chế di dời ra khỏi nhà), họ vẫn  chưa được bố trí chỗ tạm cư. Nếu phải ra khỏi nhà, 13 hộ dân với hàng chục nhân khẩu, trong đó có nhiều người già và trẻ em sẽ sống ở đâu?

  • Trần Duy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,