221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
1005492
Dân đứt bữa, quản lý dân tại chỗ phá sản!
1
Article
null
TT-Huế:
Dân đứt bữa, quản lý dân tại chỗ phá sản!
,

(VietNamNet) – Việc chuyển viện trợ cứu đói khẩn cấp trong lũ không kịp thời đến với người dân vùng lũ tại TT-Huế, vào thời điểm nước lũ ở mức cao khiến dân đứt bữa, và việc quản lý người dân tại chỗ trong mùa lũ gần như phá sản.

 

Đứt bữa khi lũ lên cao!

 

Mì tôm cứu trợ từ tỉnh về chỉ đến được đường quốc lộ! Ảnh: H.V
Mì tôm cứu trợ từ tỉnh về chỉ đến được đường quốc lộ! Ảnh: H.V

 

Tại xã Thuỷ Thanh, một vùng chịu ảnh hưởng nặng nề do trận lũ vừa qua gây ra, nước lũ về bất ngờ khiến những người dân không kịp chuẩn bị những nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo cho cuộc sống những ngày trong lũ.

 

Chị Đỗ Thị Diếp, người dân cụm 3 thôn Vân Thê, xã Thuỷ Thanh có 3 người con đang tuổi đi học, nhà nghèo, chồng bỏ lại vợ và 3 con đi theo vợ bé. Cuộc sống chồng chất khó khăn, lũ về nhanh khiến chị không kịp chuẩn bị gạo, dầu phòng lũ.

 

Trong lúc nước lũ đang dâng lên rất cao, sáng ngày 11/11, cả 4 mẹ con phải chịu nhịn đói. Đến chiều cùng ngày, nhận được tin xã tổ chức cứu đói cho dân, chị và 3 đứa con thấp thỏm trên nước lũ để chờ cứu trợ.

 

Thế nhưng, 4 mẹ con chị chỉ nhận được 4 gói mì tôm để cầm cự chống đói qua lũ. Nhận được số mì ít ỏi này, cả 4 mẹ con chị phải chia làm 4 bữa trong 2 ngày chờ khi lũ rút để kiếm cái ăn. “Lũ lên, nhà không có dự trữ, nên 4 mẹ con đành phải chia nhau húp từng miếng mì để cầm cự qua mấy ngày chú ạ”, chị Diếp kể.

 

Mệ Hoàng Thị An, ngoài 70 tuổi, thôn Vân Thê, xã Thuỷ Thanh đang ngồi trên chiếc ghe nan mỏng

Mệ An, cả nhà 3 người ăn 4 gói mì tôm trong hai ngày. Ảnh: Đăng Khoa.
Mệ An, cả nhà 3 người ăn 4 gói mì tôm trong hai ngày. Ảnh: Đăng Khoa.
mảnh chất đầy củi mộc vừa vớt được nói: “Gia đình mệ chỉ có 2 vợ chồng và 1 đứa con, nhà làm ruộng, lũ ngập triền miên nên không dự trữ được gạo cho những ngày lũ lớn. Có lúa sẵn trong nhà nhưng không có gạo, củi để đun nấu. Chiều nước lũ lên, thôn trưởng chèo thuyền ghé vào sân phát 4 gói mỳ tôm. Mệ nhai sống, hứng nước mưa uống cho đỡ khát”.

 

Trên địa bàn toàn xã Thuỷ Thanh, những ngày trong lũ, người dân chỉ nhận được mỗi người 1 gói mì chống đói. Số mì này là sự hỗ trợ của một đơn vị hảo tâm giúp cho xã từ trận lũ trước. Nhưng về đến xã bị muộn nên trở thành hàng cứu đói cho dân trận lũ này.

 

Khi chúng tôi thắc mắc vì sao trong lúc lũ lớn mà chỉ phát đại trà được mỗi người 1 gói mì tôm chống lũ, ông Trần Duy Thao, Bí thư Đảng uỷ xã Thuỷ Thanh nói: “Những viện trợ từ trên cho việc cứu đói cho dân không về ngay trong lũ được, xã chỉ còn 5.700 gói mì nên chỉ có thể chủ động phát cho mỗi người 1 gói mì tôm cầm cự với lũ thôi”.

 

Sau khi nước bắt đầu rút chiều 13/11, 230 thùng mỳ từ UBND huyện Phú Vang cấp phát chống đói cho dân mới về được đến xã, số này đã được xã cấp phát tiếp cho những người dân. Và mỗi người dân trên địa bàn toàn xã, vào ngày 14/11, lũ đã rút mới nhận được thêm 2 gói mì tôm.

 

Việc trong thời điểm nước lũ đang dâng cao mà không kịp thời cấp phát nhu yếu phẩm chống đói cho dân, đã khiến cho nhiều người dân sống ở những vùng xung yếu, ảnh hưởng nặng do lũ gây ra phải chịu đứt bữa.

 

Chị Diếp cho chúng tôi hay: “Chỉ sợ đứt bữa trong lũ thôi, chứ khi nước rút rồi thì mình chủ động được cái ăn cho cả nhà được ngay”.

 

Cũng cần phải nói thêm rằng, ngày trong trận lũ vừa qua, khi tiếp xúc với những người dân tại các vùng được coi là tâm lũ, họ đều cho biết, sự quan tâm của xã là rất quí, nhưng họ mong kịp thời hơn. Bởi khi nhận được sự cứu trợ họ đã đói mấy bữa rồi.

 

Chị Diếp, 4 gói mì cho 4 mẹ con trong hai ngày lũ. Ảnh: Đăng Khoa.
Chị Diếp với 4 gói mì cho 4 mẹ con trong hai ngày lũ. Ảnh: Đăng Khoa.
Ngay tại xã Phú An, huyện Phú Vang, cán bộ xã tỏ ra khá ung dung rằng đã phát mì tôm cho dân trước cơn lũ 3 ngày, và họ nghĩ rằng thế là dân không đói! Nhưng khi tiếp xúc với chúng tôi đa số 13 hộ dân vạn đò mới được định cư đều đã đứt bữa.

 

Còn ở phường Phú Hiệp, ngay tại TP. Huế, dân được di chuyển đến chỗ an toàn (Trường Gia Hội) vẫn đứt bữa, do không có một sự hỗ trợ nào từ chính quyền. Ông bà Lê Văn Thuận đã trên 72 tuổi cầm cự qua hai ngày lũ lớn bằng 2 gói mì tôm ăn sống.

 

Sự chậm trễ cứu đói cho dân được các “quan xã” giải thích với nhiều lý do, chỗ thì không đủ phương tiện di chuyển, chỗ thì thiếu lương thực dự trữ... Và cả nguyên nhân là sự hỗ trợ từ cấp tỉnh, cấp huyện đến với xã rất muộn, thường phải sau 1-2 ngày.

 

TT-Huế là nơi thường xuyên xảy ra lụt lội, việc dự báo thuỷ văn khá chính xác, vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao không tổ chức dự trữ sẵn sàng lương thực tại chỗ để cứu đói cho dân. Tại sao cứ mỗi lần có lụt lại phải chuyển hàng cứu trợ từ tỉnh về huyện, huyện về xã? Thực tế cho thấy quá trình này thực hiện xong thì dân đã đói 1-2 ngày!

 

Phương châm quản lý tại chỗ bị phá sản?

 

Trẻ con tha hồ bơi trong lũ, chẳng ai nhắc nhở. Ảnh: Đăng Khoa
Trẻ con tha hồ bơi trong lũ, chẳng ai nhắc nhở. Ảnh: Đăng Khoa

 

Những trận lũ trước và tháng 10, TT-Huế có 11 người chết với một lý do chung là do sơ xẩy giữa dòng lũ, có người đi chơi, người đi vớt củi, người đánh cá. Bởi vậy trong trận lũ này tỉnh TT-Huế đề ra một phương châm tại chỗ nữa là: Quản lý tại chỗ.

 

Phương châm này có nghĩa là, chính quyền cơ sở phải có trách nhiệm quản lý dân tại chỗ không cho ra khỏi nơi an toàn dù bất cứ lý do gì. Thế nhưng, trong đợt lũ này phương châm ấy đã gần như phá sản!

 

Trận lũ này, TT-Huế lại có ba người chết vì chèo ghe giữa dòng nước lũ bị chìm, bị lật ghe, ngã xuống nước bị chết đuối.

 

Ngay tại thành phố Huế, thời điểm lũ lên cao nhất vẫn có rất nhiều người ra đường, giữa dòng nước đang chảy xiết với nhiều lý do: đi mua mớ rau, gói thuốc lá, đi... xem lũ. Đặc biệt, trẻ em, thanh niên tha hồ kết bè chuối, phao bằng săm ôtô chơi đùa thoả thích. Tuy nhiên, không thấy chính quyền nhắc nhở, có biện pháp ngăn chặn.

 

Trong trận lũ giữa tháng 10, Huế đã có một em bé 11 tuổi chết ngay cạnh nhà do theo bạn đi chơi... lũ! Những bài học đắt giá ấy và cả nghiêm lệnh của tỉnh đối với chính quyền phường xã hình như không có giá trị.

 

Ngày 12/11, lũ tại Huế đạt đỉnh cao nhất, tại nơi di chuyển dân của phường Phú Hiệp, trên sân  Trường PTTH Gia Hội, lũ ngập sâu quá ngực người lớn, vậy mà cả chục đứa trẻ chơi đùa vô tư dưới nước lũ, chẳng có chính quyền nào nhắc nhở, dù là ở nơi dễ quản lý tại chỗ nhất!

 

Cũng ngày 12/11, trên đường di chuyển từ vùng Phú An, Phú Mỹ huyện Phú Vang về Huế, PV VietNamNet bắt gặp rất nhiều chiếc thuyền nan nhỏ tí lần mò trên dòng lũ để thả lưới đánh cá.

 

Liều mình vớt củi giữa dòng lũ, chính quyền làm ngơ! ( ảnh chụp tại cầu Dương Nỗ, huyện Phú Vang, ngày 14/11) Ảnh: Đăng Khoa.
Liều mình vớt củi giữa dòng lũ, chính quyền làm ngơ! ( Ảnh chụp tại cầu Dương Nỗ, huyện Phú Vang, ngày 14/11) Ảnh: Đăng Khoa.
Hay trên những con sông, những người dân chèo chiếc  thuyền ưỡn mình chống chọi với dòng lũ bất kham để vớt củi. Những người dân vì mưu sinh đâu nghĩ đến sự nguy hiểm. Một ngày đánh được mẻ cá, vớt được mớ củi, kiếm chục ngàn bạc là con no được một ngày!

 

Trách nhiệm bảo vệ họ là chính quyền, nhưng chưa được thực hiện nghiêm túc. Hỏi chính quyền phường Phú Hiệp, vì sao cho dân đi như vậy? Lời giải thích là chúng tôi không đủ người, và người đó là dân sông nước, nói họ cũng chả nghe! Chính quyền phường này chắc chưa biết đến sự cho phép của Bí thư tỉnh uỷ - cho phép nổ súng cảnh báo!

 

Tỉnh uỷ, UBND TT-Huế tỏ ra rất cương quyết bảo vệ tính mạng của người dân, nhưng hệ thống chính quyền cơ sở, lực lượng công an chưa làm hết trách nhiệm. Và có thể nói rằng phương châm quản lý tại chỗ đã gần như phá sản. Đây sẽ là bài học cho chính quyền phường xã ở TT-Huế.

  • Kỳ Nhân – Đăng Khoa
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,