(
>> Toàn cảnh trận lũ số 5 năm 2007
Điện lực Đà Nẵng kiểm tra hệ thống lưới điện để sớm khôi phục việc cấp điện cho vùng lũ. Ảnh: HC
Nhiều khu vực ở vùng lũ vẫn chưa có điện
Ông Hoàng Đăng
Hiện Công ty đang tiến hành kiểm tra các đường dây trung áp và hạ áp, xem xét kỹ lưỡng điều kiện an toàn để lần lượt khắc phục tình trạng lưới điện nhằm khôi phục việc cung cấp điện để tiện cho sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, Công ty Điện lực Đà Nẵng cũng đang khắc phục một số phụ tải dọc tuyến QL1A, đoạn từ Cầu Đỏ đến Quá Giáng, tuyến đường qua phường Hoà Quý (quận Ngũ Hành Sơn)…
Tại khu vực Bãi Bắc (quận Sơn Trà), sạt lở núi đã khiến một số trụ điện bị ngã đổ, gây mất điện toàn bộ khu du lịch Bãi Bụt, Sơn Trà. Điện lực Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi nhánh điện khu vực 3 nhanh chóng kiểm tra tình hình lưới điện trong khu vực này để có phương án khắc phục kịp thời. Hiện toàn bộ khu vực này cũng đang phải ngắt điện để các đơn vị giao thông tiến hành sửa chữa, thông đường.
Dự kiến trong ngày 15/11, Điện lực Đà Nẵng sẽ khôi phục nhánh rẽ trên QL1 từ Cầu Đỏ đến Giá Giáng, dọc theo hai bên đường và ở những khu vực kho ráo, đảm bảo an toàn. Còn lại các khu vực Hoà Nhơn, Hoà Phong, Hoà Châu, Hoà Tiến, Hoà Phú… thì vẫn phải tuỳ tình hình thực tế để xem xét việc đóng điện trở lại.
Người dân xã Hoà Liên (Hoà Vang) trở về nhà sau những ngày chạy lũ. Ảnh: HC
Có gạo nhưng phải nhịn đói vì thiếu nước!
Ngay sau khi nước bắt đầu rút, các ngành chức năng TP. Đà Nẵng đã tập trung giúp dân cứu đói, dọn vệ sinh môi trường, khắc phục lại các công trình đã bị hư hại. Tại những xã còn ngập nước của huyện Hoà Vang như Hoà Châu, Hoà Khương, Hoà Phong... chính quyền các cấp đã huy động nhiều nguồn lực để đưa lương thực đến tận tay người dân.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã có gạo, mì tôm... thì người dân vùng lũ, nhất là những vùng bị cô lập, vẫn phải chịu đói, khát vì không có nước sạch, củi khô, gas để đun nấu cơm, canh, mì tôm. Nhiều gia đình đã phải nhai sống mì tôm đỡ đói suốt mấy ngày qua, chỉ mong được cứu trợ vài ổ bánh mỳ hay dăm chai nước suối cầm hơi.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh đã chỉ đạo nhanh chóng cung cấp nước uống và nước sạch cho người dân vùng lũ. Công việc này phải được thực hiện liên tục cho đến khi lũ rút hoàn toàn và nguồn cung cấp nước sạch tại chỗ cho người dân được ổn định trở lại.
Theo đó, TP điều động 13 xe cấp nước, mở 3 vòi lấy nước từ Nhà máy nước Cầu Đỏ vận chuyển về các xã Hoà Tiến, Hoà Châu, Hoà Phước, Hoà Phong, Hoà Nhơn, Hoà Khương (huyện Hoà Vang) và phường Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ). Giám đốc Công an Đà Nẵng cũng điều động 6 xe chuyên dụng chở 100m3 nước sạch đến phục vụ các xã thuộc huyện Hoà Vang. Tuy nhiên so với nhu cầu thì vẫn chưa thể đáp ứng nổi.
Học sinh vùng lũ phơi sách vở bị ướt, mong sớm trở lại trường. Ảnh: HC
Việc dọn vệ sinh trường học gặp khó
Mưa lũ trong mấy ngày qua đã làm 80% trường học ở các xã vùng thấp của huyện Hoà Vang và quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) ngập chìm trong nước. 100% học sinh ở những vùng này không thể đến trường. Sau khi lũ rút, công việc đầu tiên mà ngành GD-ĐT TP. Đà Nẵng triển khai là huy động giáo viên, học sinh các trường dọn dẹp vệ sinh các phòng học.
Các đơn vị quân đội, dân quân đóng quân trên địa bàn TP cũng đã có mặt kịp thời, cùng các thầy cô giáo khẩn trương dọn bùn, lau rửa bàn ghế, trường lớp để các em học sinh có thể trở lại trường học tập trong thời gian sớm nhất.
Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các xã vùng ven Đà Nẵng đều đang bị cắt điện nên việc bơm nước để dọn rửa không thể thực hiện được. Chưa kể ngay trong lúc này, nước sạch để dùng trong sinh hoạt cũng đã rất khó khăn. Do vậy, mọi công việc dọn dẹp vệ sinh hoặc phải lấy nước từ xa đến, hoặc lấy từ các vũng nước còn đọng lại sau lũ.
Bên cạnh đó, sách vở, dụng cụ dạy học bị thất lạc do lũ là rất lớn nên việc khôi phục hoạt động dạy - học bình thường của thầy trò vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn. Dự kiến phải đến tuần sau, các em học sinh vùng lũ mới có thể trở lại trường được.
Đối Y tế dự phòng huyện Hoà Vang phun thuốc khử trùng tiêu độc cho các xã vừa bị ngập lũ. Ảnh: HC
Dịch bệnh rình rập
Ông Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng cho hay, trước nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh sau lũ, từ ngày 13/11 đến nay, tất cả các quận, huyện và nhất là vùng bị ngập úng đều đã tiến hành vệ sinh môi trường, phun hoá chất khử trùng, tiêu độc.
Trước lũ, Trung tâm đã cấp 500kg Chloramine B bột, 30.000 viên Chloramine B viên cùng 3 - 5 máy phun cho mỗi đội y tế dự phòng ở tất cả các trung tâm y tế quận, huyện. Sau lũ, đơn vị này tiếp tục mua thêm 200 lít Permethrine diệt côn trùng, 200kg Chloramine B bột để cấp cho các quận, huyện xử lý môi trường và hàng trăm ngàn viên Chloramine B làm sạch nguồn nước.
Ngay khi nước vừa rút, Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã chỉ đạo các đội y tế dự phòng giám sát dịch bệnh sau lũ lụt. Nước rút đến đâu vận động chính quyền và nhân dân địa phương dọn dẹp vệ sinh đến đó để lực lượng chức năng phun hoá chất sát trùng xử lý môi trường, xử lý các giếng nước bị ngập lụt để đảm bảo có nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân sử dụng để hạn chế dịch bệnh sau lũ lụt.
Đồng thời tăng cường giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thức ăn đường phố, thức ăn sẵn; lấy mẫu xét nghiệm đối với rau sống, mắm, thịt gia súc gia cầm, thuỷ hải sản để phát hiện và xử lý kịp thời, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh từ thực phẩm không an toàn. Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng đã mua 4.000 viên Ofloxaxin, 2.000 viên Azithromicine để cấp cho các quận, huyện điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra tiêu chảy cấp.
Mặc dù vậy, dịch mắt đỏ và tiêu chảy vẫn đang có dấu hiệu bùng phát tại các vùng bị ngập lụt của huyện Hòa Vang, với khoảng trên 100 ca đang điều trị. Chưa kể do ngâm nước nhiều ngày nên nhiều người bị cảm sốt, đau đầu, dị ứng da (ngứa, nổi giác đầy người). Nguồn thuốc trị các bệnh ngoài da đã cấp phát về các trạm y tế xã, phường ngay từ trước và sau lũ. Nhưng theo các cán bộ y tế xã, phường thì mỗi cơ số thuốc chỉ vài chục lọ trong khi nhu cầu của người dân rất cao, nên khả năng sẽ không đủ cung ứng.
Bên cạnh đó, dịch sốt xuất huyết cũng đang vào mùa cao điểm. Chỉ trong 2 tuần đầu của tháng 11, trên địa bàn Đà Nẵng đã có gần 100 ca mắc sốt xuất huyết, bằng cả tháng 10 là tháng có số ca sốt xuất huyết cao nhất kể từ đầu năm 2007 đến thời điểm đó. Do vậy, cùng với công tác phòng chống dịch bệnh sau lũ, Đà Nẵng cũng phải đặc biệt chú trọng đến phòng chống dịch sốt xuất huyết và tiêu chảy cấp.
Chuyển hàng cứu trợ cho các xã còn bị ngập nước ở huyện Hoà Vang. Ảnh: HC
Nỗ lực tự thân và xin TƯ hỗ trợ
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ huy PCLB Đà Nẵng, trong đợt lũ vừa qua, TP có 22 xã, phường với 26.700 hộ dân bị ngập chìm trong nước lũ, 3.700 hộ phải sơ tán tránh lũ. Trong mưa lũ đã có 1 người mất tích ở quận Cẩm Lệ và 1 người chết ở huyện Hoà Vang, 20 ngôi nhà bị sập, 2 tàu thuyền bị trôi, chìm, nhiều công trình thuỷ lợi và đường giao thông bị hư hỏng. Trước mắt, TP đã cấp 10.500 thùng mì ăn liền và 20 tấn gạo cho nhân dân vùng lũ để cứu đói tạm thời.
Để kịp thời khắc phục hậu quả lũ lụt, UBND TP. Đà Nẵng quyết định chi cho ngành y tế 250 triệu đồng để phun thuốc khử trùng, vệ sinh vùng lũ và thuốc men phòng bệnh cho nhân dân. Bổ sung 100 tấn gạo cứu đói cho các địa phương (Hoà Vang 40 tấn, Cẩm Lệ 30 tấn, Ngũ Hành Sơn 20 tấn và Liên Chiểu 10 tấn).
Ứng cho Sở GT-CC 5 tỷ đồng để nhanh chóng khôi phục một số tuyến giao thông huyết mạch bị hư hỏng như đường vào Bệnh viện Hoà Vang, Nguyễn Tất Thành, Sơn Trà - Điện Ngọc… Giao Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng tăng cường lực lượng và phối hợp với các địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường tại các khu ngập lụt đã rút nước và tích cực phòng chống dịch sau lũ.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng phân công các phó chủ tịch trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả lũ lụt ở từng địa phương và yêu cầu dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung lực lượng làm tốt công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Ông cũng lưu ý các địa phương tiếp tục đề phòng và có phương án chủ động đối phó với các cơn lũ kế tiếp bởi diễn biến thời tiết vẫn còn phức tạp.
Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng cũng gửi văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 1.000 tấn gạo, 5.000 áo phao cứu sinh, 120 tấn lúa giống và 4 tấn rau giống các loại, 50.000 liều vacine đa tuýp lở mồm long móng, 10.000 lít hoá chất tiêu độc khử trùng, 200kg thuốc khử khuẩn nước, 200 cơ số thuốc điều trị phòng chống dịch, 200 lít hoá chất diệt muỗi và hỗ trợ trước mắt cho TP 150 tỷ đồng để khắc phục các công trình giao thông, thuỷ lợi.
-
Hải Châu