(VietNamNet) - Sống trong những căn nhà chờ sập do ảnh hưởng của việc thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu, các hộ dân ở phường 22, quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã áp dụng nhiều sáng kiến để tự cứu mình.
>>TP.HCM: Xây chung cư nứt nhà dân, còn... kiện ngược
>> Video: Nhà dân chờ sập vì... cao ốc
Đi đầu trong “phát minh, sáng chế” đề phòng nguy cơ sập nhà bất cứ lúc nào, phải kể đến anh Lưu Đức Thắng (chủ hộ căn nhà một trệt, 3 lầu tại 48/10 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh).
Nhà nghiêng, nứt do thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu. |
Là một kỹ sư giỏi chuyên môn, anh Thắng đã tự mày mò chế tạo ra thiết bị báo động. Thiết bị trông khá đơn giản, bao gồm đèn led, còi báo động và một vi mạch điện tử. Anh Thắng cho biết, thiết bị này hoạt động theo nguyên tắc khi nhận biết được độ nghiêng của căn nhà, một công tắc sẽ tự động đóng mạch và phát ra tiếng còi hú inh ỏi báo động cho gia chủ thoát thân. “Chỉ cần căn nhà nghiêng thêm 2mm, tiếng còi báo sẽ phát ra ngay lập tức” - anh Thắng nói. Hiện thiết bị này được đặt trên lầu 1 của căn nhà số 48/10 Điện Biên Phủ.
Anh Thắng nói, từ khi chung cư Daewon Hoàn Cầu (600A Điện Biên Phủ), thi công làm ít nhất 20 căn nhà của các hộ dân chung quanh lún, nứt phá vỡ kết cấu công trình, anh đã tự nghĩ ra cách này để cứu mạng sống của các thành viên trong gia đình mình.
Anh Lưu Đức Thắng và thiết bị báo động nghiêng nhà tự chế. Ảnh: Trần Duy |
Theo kết luận của Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn (SCQC), căn nhà 48/10 Điện Biên Phủ có hiện tượng lún nền tầng trệt hướng qua công trình thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu. Tại thời điểm khảo sát (tháng 7/2007), nhà của anh Thắng đang ở trạng thái không ổn định, nguyên nhân gây hư hỏng là do ảnh hưởng từ việc xây mới chung cư. Đặc biệt, cũng theo SCQC, căn nhà này có nguy cơ sụp đổ nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Không có chuyên môn cao như anh Thắng, anh Trần Đức Niềm (nhà số 48/10B Điện Biên Phủ) trông chờ vào thính giác nhạy bén của chú cún con giống Bắc Kinh. Anh Niềm cho biết, chú chó này rất nhạy với tiếng động, nên nếu có hiện tượng chuyển dịch kết cấu nhà hoặc nứt tường, rơi tấm trần nhà, chú chó này sẽ sủa lên inh ỏi để báo thức cho anh Niềm.
Theo đánh giá của SCQC, căn nhà 48/10B Điện Biên Phủ đã xuất hiện những hư hỏng về kiến trúc. Cụ thể, nứt tường, nứt cột, nghiêng lún nền, võng nghiêng sàn… Những hư hỏng này được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân của sự hư hỏng này cũng được SCQC xác định rõ là do ảnh hưởng chấn động lan truyền khi tháo dỡ công trình cũ, ảnh hưởng lún khi thi công phần ngầm của công trình chung cư Daewon Hoàn Cầu (thi công cọc khoan nhồi, làm tầng hầm, hạ mực nước ngầm khi thi công móng và tầng hầm…).
Kết quả kiểm định còn khẳng định: “Quy luật nghiêng lún nền của công trình nhà 48/10B phù hợp với quy luật gây lún nền của công trình thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu. Các vết nứt, hư hỏng của công trình phù hợp với quy luật nghiêng lún nền”.
Sau nhiều tháng di dời khỏi những căn nhà có nguy cơ sập, đa số những người dân có nhà bị lún, nứt do thi công chung cư Daewon Hoàn Cầu đã trở về nhà cũ. Một số hộ dân có nhà bị hư hại nhẹ đã nhận tiền và tự sửa chữa. Một số hộ khác đã yêu cầu phía chủ đầu tư công trình là Công ty Liên doanh TNHH và Phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu nâng thêm mức giá tiền thuê nhà cho họ vì mức giá cũ không còn phù hợp. Tuy nhiên, giữa chủ đầu tư và nhiều hộ dân không thể tìm được tiếng nói chung. Hiện nay, gần 10 hộ dân đã trở về nhà cũ để cư trú và “hy vọng” nhà mình không sập.
Nếu như anh Thắng và anh Niềm còn có thiết bị điện tử, chó để báo động nguy cơ sập thì gần 10 hộ dân nói trên cho PV VietNamNet biết họ phải luôn mở cửa chính trong khi ngủ để nếu xảy ra sự cố họ còn “có lối mà chạy”.
-
Trần Duy