Hàng chục nhà dân xung quanh khu vực dự án đường dẫn cầu Cần Thơ tại phường Lê Bình (quận Cái Răng, Cần Thơ) bị nứt do việc đóng cọc bêtông xây cầu tại đây. Các vết rạn nứt xuất hiện từ vách đến nền nhà, thậm chí có nhà đã sụp trần nhà.
Sập trần, tróc vữa, nứt tường...
Trong lúc hai mẹ con bà Lê Thị Sáu đang ở ngoài phòng khách may đồ thì nghe ầm và toàn bộ phần trần nhà trong phòng ngủ bị sập xuống nền nhà. Sự việc diễn ra ngày 1/11, rất may không có ai thương vong.
Toàn bộ trần nhà trong phòng ngủ nhà bà Lê Thị Sáu đã bị sập.
Sáng 6/11, tại nhà bà Sáu, chúng tôi quan sát có nhiều vết nứt dọc ngang khắp các vách tường. Một mảng bêtông dài khoảng 30cm ở khu vực tiếp giáp giữa vách và mái tôn tại phòng khách đã bị bong ra chỉ còn lại gạch xây.
Ngôi nhà của ông Hà Mười Ba tuy còn mới tinh nhưng trên khắp các bức tường đâu đâu cũng thấy vết rạn, nứt. Đặc biệt tại vách tường ngăn cách nhà trên và nhà dưới, một vệt nứt khá lớn kéo dài theo chiều ngang đến hơn nửa vách. Gạch, vữa ở bancông trước nhà cũng bị bong tróc ra.
Ông Ba cho biết do bị nứt nên khi trời mua, nước từ mái nhà theo các vết nứt này tràn vào nhà. Cạnh đó, nhà bà Trương Thị Thời ngoài những vết rạn trên tường còn có hai vết nứt lớn ở phần tiếp giáp giữa nhà trên và nhà dưới khiến ngôi nhà như muốn chia đôi. Tại nhà bà Bùi Thị Tư, không chỉ vách bị nứt, nền nhà còn bị lún sụt khiến gạch lát nền bị vênh lởm chởm.
Khu vực đang đóng cọc cách nhà dân từ 20-50m. Mỗi lần thi công, người dân cho biết họ cảm nhận được sự rung, lắc rất rõ ràng. Ly tách để trên bàn tự động di chuyển. Nồi niêu treo trên kệ kêu rổn rảng, lư hương để ngoài bàn thiên tự dịch chuyển và rơi xuống đất, cây ngoài vườn cũng rung rinh...
Bồi thường, nhà thầu còn đang xem xét
Anh Phạm Quang Tuyên - một kỹ sư đang làm việc cho nhà thầu Trung Quốc (hạng mục đường dẫn cầu Cần Thơ, phía Cần Thơ thuộc gói thầu số 3 do Tổng công ty xây dựng Trung Quốc trúng thầu) - cho biết tại khu vực mố cầu này có đến 72 tiêm. Đơn vị thi công mới chỉ đóng bốn tiêm nhưng nhiều nhà dân đã bị nứt vách. Theo anh Tuyên, việc đóng cọc sẽ tạo ra chấn động khá lớn, đứng cách cả trăm mét vẫn cảm nhận được.
Ông Phạm Minh Dũng - trưởng khu vực Yên Trung (phường Lê Bình) - cho biết có khoảng 13 hộ dân có nhà bị nứt vách. Đại diện nhà thầu Trung Quốc và chính quyền địa phương đã hai lần đi khảo sát và chụp hình hiện trạng của từng ngôi nhà để khi công trình hoàn thành sẽ có bồi thường thiệt hại. Riêng sáng 6/11, đại diện nhà thầu Trung Quốc đã đồng ý sẽ báo cáo vụ việc và kiến nghị cấp trên bồi thường cho các hộ dân, trong đó có hai căn được bồi thường 10 triệu, hai căn 15 triệu và hai căn 50 triệu đồng/căn.
Tuy nhiên, người dân cho biết những ngày qua nhà thầu Trung Quốc có vào chụp hình nhưng không thấy nói gì về biện pháp bảo đảm cho sự an toàn của họ cũng như bồi thường thiệt hại. “Nhà thầu phải có biện pháp gì để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân chứ? Bây giờ ở trong nhà mà cứ phập phồng lo lắng không biết nhà sập lúc nào” - bà Lê Thị Sáu nói.
(Theo TTO)