(VietNamNet) - Về thực trạng bờ sông Gianh sạt lở, lấn gần hành lang an toàn đường sắt mà VietNamNet đã phản ánh, TCty Đường sắt VN phản hồi: Các vị trí sạt lở chưa thực sự đe dọa an toàn chạy tàu.
>>Sông Gianh "ăn" đường tàu, ngành đường sắt chưa biết?
>>Lở nặng bờ sông Gianh, hàng ngàn hộ dân bị đe doạ
>> Ngành đường sắt có lo sông Gianh "ăn" mất đường tàu?
Tổng Công ty Đường sắt VN giao cho các ban tham mưu phối hợp và chỉ đạo Phân ban quản lí cơ sở hạ tầng đường sắt khu vực 1, Công ty Quản lí Đường sắt Quảng Bình tiến hành kiểm tra các vị trí chạy gần sông Gianh, từ ga Ngọc Lâm đén ga Minh Lệ (km 449+ 800 đến km 481+700). Theo kết quả này, "đây là nền đường đắp cao, có đoạn nửa đào nửa đắp men theo các núi đá và xuyên qua núi đá. Do đó, chân nền đường là nền đá gốc.
Cơn bão số 2 làm nước sông Gianh dâng cao gây xói, sạt lở một số điểm nền đường.
Sạt lở bờ sông Gianh (Quảng Bình). Ảnh: Bảo Hạnh
Một số đoạn gần nhất, điểm vai cách bờ sông cũng đến... 7,0m (tại km466+680 đến km466+760), hoặc đoạn km466+760 đến km466+785 cũng cách bờ sông 7,2m!
Theo Điều 27 Luật Đường sắt quy định phạm vi dải đất bảo vệ hai bên đường sắt được xác định là:
7m tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra đối với nền đường không đắp không đào; 5m tính từ chân chân nền đường đắp; 5m tính từ mép đỉnh đường đào.
Vì vậy, ngành Đường sắt nhấn mạnh: Trước mắt, các vị trí sạt lở chưa thực sự đe dọa an toàn chạy tàu. Về lâu dài, ngành cũng đang... lập kế hoạch kiên cố hóa các vị trí sạt lở này để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tuyến đường.
Dư luận hy vọng kế hoạch đang lập của Đường sắt Việt Nam sẽ được triển khai trước "một đêm vô tình" của mùa mưa lũ này, khi sông Gianh lên cơn đói, ngoạm thêm bốn, năm mét đất ven "hành lang an toàn" đường sắt!
-
Hà Lê