(VietNamNet) – Tại cuộc họp Ban chỉ đạo tiêu chảy cấp chiều 5/11, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định chưa có ca tiêu chảy cấp nào tử vong. Tuy nhiên, số bệnh nhân nhập viện vẫn tăng.
-
Đã có hơn 1000 ca nhiễm tiêu chẩy cấp nguy hiểm
Mắm tôm vẫn được dùng ở nhiều nơi. Ảnh: Hoàng Sang. |
Sở dĩ TS Nguyễn Huy Nga công bố thông tin trên là do ngày 4/11 tại Viện Quân y 103 có một bệnh nhân nam 87 tuổi ở Hà Tây bị nghẽn mạch phổi tử vong nhưng có các triệu chứng của bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, sau khi làm các xét nghiệm đã cho kết quả âm tính. Bệnh viện khẳng định bệnh nhân tử vong do nghẽn mạch phổi chứ không phải tiêu chảy cấp.
Cũng tại cuộc họp, Bộ Y tế thông báo tính từ khi có bệnh nhân tiêu chảy đầu tiên xuất hiện (cuối tháng 10) đến nay đã có 1.011 ca tiêu chảy cấp, trong đó ngày 5/11 có thêm 115 ca mới, 22 ca nặng.Dịch tiêu chảy xuất hiện ở 11 tỉnh, thành trong cả nước (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương và Nghệ An).
Trong đó, Hà Nội vẫn là địa phương có số người mắc cao mặc dù số bệnh nhân nhập viện trong những ngày qua đã giảm. Hiện trên địa bàn thủ đô 14/14 quận huyện đã có dịch.
Tại Viện các Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc cho biết, ngày hôm nay (5/11) Viện vẫn tiếp nhận thêm 15 ca mới nâng tổng số bệnh nhân tiêu chảy đang điều trị tại viện lên 298 ca và mới chỉ có 5 ca xuất viện. Đa số bệnh nhân đến từ Hà Nội.
Bệnh viện Bạch Mai cũng đang tiếp nhận điều trị cho 23 bệnh nhân, trong đó Hà Nội 21 ca, Thái Bình 1 ca và Hưng Yên 1 ca.
Viện quân y 103 cũng thông báo có 32 bệnh nhân tiêu chảy đang điều trị, trong đó 11 ca mới nhập viện hôm nay. Viện 354 cũng có 9 bệnh nhân.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn yêu cầu, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người dân nhận thức được sự nguy hiểm của việc ăn uống không vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc để dịch bệnh lây sang các địa phương cho thấy công tác xử lý triệt để các ổ dịch vẫn chưa thực hiện tốt. Đối với các trường hợp được xuất viện vẫn cần theo dõi chặt chẽ. Hiện nay, dịch không chỉ ăn những thực phẩm có nguy cơ cao mới mắc bệnh mà môi trường xung quanh không được vệ sinh như nguồn nước nhiễm vi khuẩn tiêu chảy cũng dễ dàng phát bệnh.
Ngày hôm nay, 5 đoàn công tác của Bộ Y tế tiếp tục đến các địa phương kiểm tra tình hình phòng chống dịch.
Tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành quy trình xử lý mắm tôm.
-
L.Hà