Cho phép "khai tử" vô tội vạ kênh rạch
Khi chúng tôi tìm đến phường Bình An, quận 2, hàng trăm hộ dân ở đây rất bức xúc vì cho rằng Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức san lấp 20m sông Sài Gòn để có thêm diện tích đất xây thêm một dãy biệt thự trong khu đất kinh doanh của công ty.
Hàng năm TP.HCM dành 60 tỷ đồng cho công tác duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước, trong đó riêng phần nạo vét đã chiếm 70-80% số tiền, nhưng vẫn chưa đủ kinh phí để nạo vét định kỳ mỗi năm một lần cho toàn hệ thống. Theo tính toán của Sở GTCC, muốn thực hiện các dự án thoát nước, hàng năm cần đến 2.000 tỷ đồng. Số vốn quá lớn này không thể chỉ dựa vào ngân sách mà phải tìm nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, tại khu vực trung tâm, có 4 dự án ODA, giải quyết thoát nước và vệ sinh môi trường trên 4 lưu vực: Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1 là 199,96 triệu USD), Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - kênh Tẻ (25 triệu USD), rạch Hàng Bàng (25 triệu USD) và Tân Hóa - Lò Gốm (298 triệu USD). Các dự án có quy mô nhỏ hơn thì số vốn cần cũng lên tới hàng chục tỷ đồng. |
Tuy nhiên, đại diện cho hơn 800 hộ dân ở phường Bình An, quận 2 cho rằng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phần đất dọc theo bờ sông Sài Gòn được quy hoạch làm đường vành đai và công viên cây xanh nên các công trình xây dựng phải cách mép nước ít nhất là 50m.
“Chẳng lẽ vì quyền lợi của một vài công ty xây dựng, UBND thành phố đi ngược lại quy định của nhà nước, cho phép chủ đầu tư tước đi quyền được hưởng thụ về môi trường sống, cảnh quan sống tối thiểu của người dân nơi đây. Đồng thời góp phần làm nước tràn bờ gây ngập, xói lở ảnh hưởng đến hàng chục ngàn nhân khẩu!?”- nhiều hộ dân thắc mắc.
Người dân phường Bình An cho biết, bằng mắt thường có thể thấy đoạn bờ sông bị san lấp là đoạn hẹp nhất và thắt nút cổ chai do một bên bờ người ta đã xây cầu cảng lấn ra sông, còn một bên Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức san lấp lấn ra thêm 20m.
Vụ việc này đã từng được thanh tra thành phố cho là có dấu hiệu vi phạm và kiến nghị UBND TP.HCM yêu cầu công ty này tạm ngưng thi công.
Với sự tham mưu của sở, ngành chuyên môn, UBND TP.HCM đã từng ra quyết định cho phép Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) chuyển mục đích sử dụng hơn 57.000m2 đất, trong đó có 2.652m2 là đường, một phần mương rạch Gò Dưa, bờ đất tại phường Hiệp Bình Phước và phường Tam Bình (quận Thủ Đức) để đầu tư xây dựng khu nhà ở.
Điều đáng nói là cho đến nay, khi Savico có toàn quyền về khu đất được giao, cơ quan chức năng vẫn “mù mờ” trong việc xác định đoạn kênh được phép lấp có phải là kênh thoát nước bình thường hay nằm trong danh mục sông cấp 6, không được phép lấp.
Vụ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn “khai tử” 4.400m2 rạch Văn Thánh và san lấp, lấn chiếm hơn 1.700m2 đất tại khu du lịch Tân Cảng (quận Bình Thạnh) từng gây xôn xao dư luận đến nay vẫn chưa ngã ngũ.
Lý giải về “hành trình giết rạch Văn Thánh”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng Giám đốc công ty này cho biết là do nguyên nhân khách quan trong quá trình thi công nạo vét rạch Văn Thánh và ngỏ lời sẵn sàng trả lại phần diện tích lấp nếu nhà nước có chủ trương mở rộng rạch “phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng”.
Không biết, nếu báo chí, các thành viên của Ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố không tích cực phản đối thì liệu công ty này có “nghiêm chỉnh chấp hành chính sách chủ trương nhà nước”(!?)
Còn về lý do san lấp, lấn sông Sài Gòn tại khu du lịch Tân Cảng, ông Thọ cho rằng UBND quận Bình Thạnh đã thống nhất cho công ty được “tạm sử dụng” phần san lấp đoạn sông bị lõm để tạo mảng xanh cảnh quan, bảo vệ môi sinh. Ông Thọ khẳng định ngày 10/3/2006, UBND Thành phố đã chấp thuận đề nghị nêu trên của UBND quận Bình Thạnh tại công văn số 1085/VP-TM.
Điển hình nhất trong các quyết định giao đất dẫn đến việc “gậy ông đập lưng ông” là trong vụ Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng và Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Thuận san lấp 45.000m2 rạch Ông Kích (phường Tân Phong, quận 7) vào năm 2004.
Ngập bất kể trời nắng hay mưa.
Khi UBND thành phố yêu cầu Phú Mỹ Hưng trả lại hiện trạng, đại diện của công ty lập luận trong quyết định giao đất có phần diện tích rạch Ông Kích. Thời điểm ấy, vị đại diện này còn “thòng” thêm rằng: So với diện tích được UBND thành phố giao, Phú Mỹ Hưng còn chưa sử dụng hết.
Theo quy hoạch mà các nhà hoạch định chiến lược phát triển thành phố lập ra vào năm 1998 thì từ năm 1998-2005, sẽ san lấp 3.576ha kênh rạch. Nhiều chuyên gia cho rằng, tính đến nay, trên thực tế, con số được phép này lớn hơn rất nhiều và không thể thống kê xuể số liệu diện tích kênh rạch đã bị khai tử, dần đi vào hồi ức của nhiều người dân thành phố.
Nhiều kênh rạch có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực dân cư đã bị san lấp “hợp pháp” cùng với với các dự án giao đất và cho thuê đất.
Rõ ràng, trong thời gian qua, việc quy hoạch phát triển thành phố đã chấp nhận việc san lấp mà chưa tính đến việc tạo ra sông rạch, hồ chứa nước mới khi xây dựng đô thị.
Chống ngập "nhỏ giọt"
Báo cáo của Phòng Quản lý cấp thoát nước (thuộc Sở GTCC TP.HCM) cho thấy, quá trình đô thị hóa từ 1998 đến năm 2006 đã biến 12.648ha đất nông nghiệp, ao hồ, kênh rạch thành đất xây dựng làm mất nơi chứa nước mưa và nước triều mà không có giải pháp thay thế do vậy đã làm giảm khả năng thoát nước.
Ngập nước tại TP.HCM lâu nay vẫn được đổ tại thiên nhiên.
Theo quy hoạch thoát nước của thành phố giai đoạn 2001-2020, để giải quyết thoát nước cho khu vực nội thành và vùng đô thị mới phát triển có diện tích 650km2, thành phố cần đầu tư khoảng 40.000 tỷ đồng (nếu tính theo thời giá hiện nay thì số tiền này lên đến 60.000 tỷ đồng) để nạo vét 300km kênh rạch, cải tạo, sửa chữa, xây dựng 2.250km cống chính và 3.750km mương hở. Thế nhưng từ 2001 đến nay, thành phố mới thực hiện được khoảng 5.000 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến năm 2020, thành phố cần đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng (theo thời giá hiện nay) cho các công trình thoát nước.
Theo GS Nguyễn Sinh Huy, Hội Thủy lợi TP.HCM, muốn phát triển thành phố, cần phải lấn xuống đầm lầy, san lấp vùng trũng, sông rạch. Đó là xu thế khách quan. Thêm vào đó, phát triển xuống vùng trũng là phát triển ra phía biển Đông. Điều này phù hợp với định hướng phát triển và có lợi nhất cho bất kỳ một vùng lãnh thổ nào.
Tuy nhiên, do không nắm được tính tất yếu của quy luật phát triển của thành phố nên khi hành động, UBND TP.HCM thiếu sự chỉ đạo chiến lược phải có cho việc khai thác các vùng trũng, đầm lầy và sông rạch, mặc cho quá trình diễn ra một cách tự phát “quý hồ có đất xây dựng”. “Điều đó trở thành điều kiện làm giàu không chính đáng cho một số cá nhân và công ty luôn đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung của xã hội”.
- Trần Duy