(VietNamNet) - Nếu vi khuẩn gây tiêu chảy cấp rơi vào nguồn nước thì mức độ bùng phát dịch bệnh sẽ rất lớn. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã cho biết như trên sau khi có trường hợp không sử dụng thực phẩm có nguy cơ lây bệnh tiêu chảy cao.
Nếu vi khuẩn gây tiêu chảy cấp rơi vào nguồn nước thì mức độ bùng phát dịch bệnh sẽ rất lớn. |
Sau đó, hàng trăm trường hợp có biểu hiện của tiêu chảy cấp đều được xác định là ăn mắm tôm, rau sống. Thế nhưng, lại có nhiều trường hợp ăn thịt chó mắm tôm nhưng chưa bị. Điều này chứng tỏ bệnh tiêu chảy đang lây nhiễm không phải do thực phẩm nguy cơ.
Về việc này, TS Nguyễn Huy Nga cảnh báo, khu vực nông thôn sử dụng nguồn nước từ ao, hồ, sông nhiều. Đây có thể là môi trường gây nên bệnh tiêu chảy. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay là mỗi người hãy tự bảo vệ mình. Ăn chín uống sôi. Đặc biệt ở nông thôn, nếu không có nước ngầm thì khử trùng nước ao, nước giếng, khử trùng, đun sôi rồi uống.
Ông Nga cũng nhận định khả năng bùng phát lớn là rất ghê gớm nếu vi khuẩn gây tiêu chảy cấp rơi vào nguồn nước. Vừa qua, Hà Nội được xác định là địa phương có số bệnh nhân tiêu chảy khá đông. Thế nhưng, Hà Nội đã có nhiều biện pháp khống chế dịch nên số người mắc bệnh đã giảm đáng kể.
Trước đây, những đợt dịch tiêu chảy khó xác định nguyên nhân nhưng nay đã xác định nguyên nhân là do liên quan đến thực phẩm. Do đó, công tác vệ sinh thực phẩm nếu làm tốt sẽ giảm đáng kể số lượng bệnh nhân. Bằng chứng là, trước đây, tiêu chảy chủ yếu xuất phát từ các tỉnh như Hải Phòng, Nam Định, các vùng cửa sông, người dân thường uống nước lã hoặc ăn hải sản như ốc, sò hoặc bị sau khi xảy ra lũ lụt. Thế nhưng, vụ dịch này xảy ra ở Hà Nội lại có số ca mắc đông nhất.
-
Lệ Hà