(VietNamNet) - Sáng nay (3/11), cơ quan CSĐT, Công an TP.HCM thực hiện lệnh khám xét nơi ở và làm việc của ông Nguyễn Văn Khỏe, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn.
>> TP.HCM: Bắt giam một trưởng phòng UBND huyện "dính" tiêu cực đất
Ông Nguyễn Văn Khỏe bị khởi tố về hành vi “làm trái công vụ”. Sau khi tống đạt quyết định khởi tố, cơ quan CSĐT đã đưa ông đến nơi làm vịêc và sau đó về nhà riêng ở phường An Phú Đông, huyện Hóc Môn để thực hiện lệnh khám xét.
Tại đây, cơ quan CSĐT đã thu giữ một số tài liệu liên quan đến vụ tiêu cực đất đai trong việc xây dựng dự án khu dân cư tại xã Đông Thạnh, Hóc Môn.
Hiện công tác khám xét nơi ở của ông Khỏe vẫn đang được tiến hành.
Dương Minh Trung, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: Tấn Thuấn
Trước đó, vào ngày 26/7, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Dương Minh Trung, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch UBND huyện Hóc Môn với tội danh ban đầu: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Ngày 23/4/2006, Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa (Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Thành Phát) đã bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm gian với tội danh ban đầu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo điều tra, các nghi can trên liên quan đến vụ sai phạm tại dự án xây dựng khu công nghiệp sạch và dân cư ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, có diện tích trên 18ha.
Vào năm 2002, UBND huyện Hóc Môn có văn bản đề nghị thành phố giao 45 ha đất trên địa bàn cho Công ty TNHH Thiên Long Vân, để làm khu công nghiệp (KCN) và dân cư xã Đông Thạnh.
Đề nghị được thành phố chấp thuận về chủ trương và giao cho các sở, ngành thẩm định về quy hoạch, môi trường... Hơn 1 năm sau, dự án trên vẫn bất động, khiến người dân trong khu quy hoạch bức xúc.
Trên thực tế, Công ty TNHH Thiên Long Vân không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án. Sau đó, công ty này đổi tên Thiên Long Vân thành Tân Hà Phát, nhưng dự án vẫn bế tắc.
Giữa năm 2003, Công ty TNHH xây dựng - thương mại kinh doanh nhà Thành Phát (viết tắt: Công ty Thành Phát, trụ sở tại số 10 đường Hiệp Thành 25, P.Hiệp Thành, Q.12) nhận thấy khu đất tiềm năng đang bỏ phí, nên xin được đầu tư một phần trong khu đất 45 ha.
Tháng 7/2003, Dương Minh Trung, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư huyện Hóc Môn đưa tờ trình lên, đề nghị UBND huyện trình thành phố giao đất cho Công ty Thành Phát.
Khi UBND huyện chưa có ý kiến, ngày 20/8/2003, Dương Minh Trung mời đại diện Công ty Tân Hà Phát đến huyện Hóc Môn và làm đầu mối dàn xếp cho Công ty Thành Phát được chia hơn 18 ha trong diện tích 45ha.
Ngày 27/8/2003, UBND huyện có tờ trình 596/CV-UB đề nghị UBND TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cho phép Công ty Thành Phát tham gia xây dựng hạ tầng trên lô đất 18ha đã được Công ty Tân Hà Phát nhượng lại.
Sau khi có văn bản duyệt thỏa thuận dự án nêu trên, Công ty Thành Phát nhờ cán bộ xã Đông Thạnh và huyện Hóc Môn hợp thức hóa việc bồi hoàn cho các hộ dân, chứ không tổ chức tiếp xúc, thỏa thuận với các hộ dân đang sử dụng đất để đền bù.
Có được bản xác nhận đền bù giải tỏa xong, Thành Phát nhanh chóng hoàn tất hồ sơ để xin giao đất.
Theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, hồ sơ xin giao đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Nhưng thực tế, Công ty Thành Phát chưa đền bù cho dân không thể có được giấy chứng nhận để mang đi photo, sao y chứng thực.
Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Thành Phát đã lập 29 hợp đồng chuyển nhượng đất giả chữ ký của người dân, rồi nhờ Dương Minh Trung mang đi ký xác nhận.
Dù biết rõ số đất làm dự án của Công ty Thành Phát chưa được đền bù nhưng ông Dương Minh Trung vẫn giúp bản xác nhận đã đền bù được ký, để Công ty Thành Phát được UBND TP.HCM giao đất làm dự án.
Đến cuối năm 2004 và đầu năm 2005, UBND TP có các quyết định giao đất cho Thành Phát thực hiện dự án trên diện tích 18 ha.
Lẽ ra, sau khi được giao đất, Công ty Thành Phát phải khẩn trương triển khai các bước quy hoạch, đầu tư hạ tầng tiếp theo. Nhưng năng lực tài chính không đủ, nên vào tháng 9/2005, Công ty Thành Phát thế chấp hồ sơ dự án vào Ngân hàng NN&PTNN, chi nhánh Chợ Lớn, để vay 5.000 lượng vàng làm dự án, với lãi suất 0,78% tháng.
Do Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chợ Lớn không đủ vàng cho Công ty Thành Phát vay, nên ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Thành Phát vay 18 tỉ đồng (có lãi suất 1,18% tháng) và giải ngân 3.000 lượng vàng SJC (tương đương với 24 tỉ đồng).
Sau khi nhận 3.000 lượng vàng và 18 tỉ đồng, Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty Thành Phát không nhập vào sổ sách theo dõi của công ty, cầm thẳng số tiền đó để đền bù cho dân với diện tích đất là 78.750,3 m2 (mà trước đó chưa đền bù), đóng thuế chuyển mục đích sử dụng 72.000 m2, nộp lãi cho ngân hàng và dùng hơn 10 tỉ để tiêu xài.
Hiện Công an TP.HCM đang mở rộng điều tra.
-
Phan Công