(VietNamNet) - Tại cuộc họp chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu: "Nghi phạm số một hiện nay gây ra dịch tiêu chảy cấp là mắm tôm. Bằng mọi cách, chúng ta phải truy tìm ra ổ phát ra dịch bệnh".
Dân "ghiền" bún đậu không còn dùng mắm tôm. Ảnh: Công Thanh |
Sở dĩ Bộ trưởng đưa ra yêu cầu trên là do 90% bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp được xác định nguyên nhân là do ăn mắm tôm, rau sống.
Hơn nữa, trong những ngày qua, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã có cuộc kiểm tra tình hình sản xuất mắm tôm tại một số tỉnh, thành. Kết quả cho thấy mắm tôm không đảm bảo chất lượng được bán khá nhiều.
TS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, tại Hậu Lộc (Thanh Hóa), đoàn kiểm tra đã đến cơ sở sản xuất mắm tôm lấy nguyên liệu từ Nghệ An, Hà Tĩnh và đều thấy mắm tôm rất đặc. Tuy nhiên, những sản phẩm này sau khi đóng chai bán tại Hà Nội lại loãng, không đậm đặc. Ai dám đảm bảo sản phẩm đã pha loãng này đạt chất lượng? Đoàn kiểm tra đã mang một số mẫu về làm xét nghiệm và đang chờ kết quả.
8 tỉnh đã có dịch tiêu chảy
Hôm nay (2/11), đã có thêm tỉnh Thái Bình thông báo có bệnh nhân mắc tiêu chảy, nâng tổng số tỉnh có người mắc bệnh này lên con số 8 (Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Phú Thọ và Thái Bình).
Tại cuộc họp chiều 2/11, BS Hồng Hà, Phó Giám đốc Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia cho hay, mỗi ngày có từ 40-50 bệnh nhân có biểu hiện tiêu chảy cấp nhập viện này. Thời điểm này, tại viện đang có trên 140 ca nằm điều trị, trong đó 108 trường hợp được xác định dương tính, 36 ca còn lại đang chờ kết quả. Viện Các bệnh nhiệt đới và truyền nhiễm quốc gia đang rơi vào tình trạng quá tải. Trung bình mỗi ca bệnh phải nằm điều trị từ 7-10 ngày, trong khi bệnh nhân nhập viện ngày càng đông.
Tại Bệnh viện Đống Đa, thời điểm này có 38 bệnh nhân đang nằm điều trị bệnh tiêu chảy, trong đó 15 ca được xác định dương tính. Còn tại Bệnh viện Xanh-pôn (Hà Nội), đến nay đã có khoảng 50 bệnh nhân nhập viện.
Riêng khu vực Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội cho biết đã có 273 ca có biểu hiện lâm sàng của tiêu chảy, trong đó 37 ca dương tính.
Thịt chó chợ Hà Nội không còn bán kèm mắm tôm. Ảnh: Công Thanh |
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định, tình hình diễn biến của dịch tiêu chảy còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây là bệnh có thể (thậm chí rất dễ) phòng tránh, phụ thuộc nhiều vào ý thức người dân.
Do đó, theo ông Huấn, hơn bao giờ hết, mỗi người dân hãy tự biết cách phòng tránh cho mình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đó là ăn chín, uống sôi, không ăn mắm tôm, rau sống, gỏi… Nếu làm được điều này chắc chắn sẽ khống chế được dịch. Còn ngược lại, dịch sẽ bùng phát mạnh.
Hiện nay, 5 đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo, giám sát phòng chống dịch tiêu chảy của Bộ Y tế vẫn tiếp tục phối hợp với địa phương đi kiểm tra tình hình tại 15 tỉnh, thành phía Bắc.
Bộ Y tế đang soạn dự thảo quy trình xử lý tiêu hủy mắm tôm. Dự kiến, trong tuần tới sẽ ban hành rộng rãi.
Hà Tây: 100% bệnh nhân tiêu chảy do ăn thịt chó tại các đám cưới |
Ông Nguyễn Khắc Hiền - GĐ Sở Y tế Hà Tây cho biết: "Đến tối ngày 2/11, đã có 64 người mắc tiêu chảy, tập trung ở 9/14 huyện. Điều đặc biệt là tất cả bệnh nhân đều ăn thịt chó tại các đám cưới. Có cháu bé mới 10 tháng tuổi đã bị bệnh. Hiện nay, mức độ bệnh của hầu hết bệnh nhân đều nhẹ, nên đều đang điều trị ở tuyến xã/huyện. Trong ngày, các chủ tịch huyện/thị, các bí thư huyện/thị đã được cập nhật thông tin về dịch bệnh. Sáng mai (3/11), 7 đoàn kiểm tra của Sở sẽ đi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở toàn tỉnh. |
-
Lệ Hà