(
Sáng 2/11, nhiều tuyến đường nội thị thị xã Hội An (Quảng Nam) lại chìm trong dòng nước lũ Ảnh: HC
Kể cả nhiều người già cũng tỏ ra khá bất ngờ trước diễn biến phức tạp của đợt mưa lũ đang diễn ra tại miền Trung từ hôm 29/10 đến nay. Sáng sớm 1/11, trời đổ cơn mưa lớn, sau đó thì nắng đẹp suốt buổi sáng. Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều người nhận định đó cơn mưa “dội bùn”, có nghĩa đợt mưa lũ đã kết thúc.
Đến chiều 1/11, lũ trên hầu hết các sông ở miền Trung đã rút xuống dưới mức báo động 1. Người dân vùng lũ bắt đầu bắt tay dọn dẹp nhà cửa, đường sá, ruộng vườn bị ngập bùn đất. Phần lớn trường học phải cho học sinh nghỉ vì mưa lũ từ hai hôm trước đã mở cửa trở lại sau khi tận lực dọn dẹp bùn non vào sáng cùng ngày.
Nhưng bất ngờ từ chiều tối 1/11, khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi lại có mưa như trút nước, lượng mưa phổ biến từ 40 – 70mm, một số nơi mưa trên 100mm/24h như Tà Lương (TT-Huế) 128mm, Hải Sơn (Quảng Trị) 125mm. Từ đêm 1/11 đến rạng sáng 2/11, tại Quảng Nam, TT - Huế và Quảng Trị tiếp tục có mưa rất to. Đặc biệt ở khu vực thượng nguồn có mưa với cường suất rất lớn như Phước Sơn, Hiên, Trà My (Quảng
Mưa lớn khiến mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi đang lên trở lại. Lúc 4h sáng 2/11, mực nước sông Vệ tại cầu Sông Vệ và sông Thu Bồn tại Giao Thuỷ xấp xỉ mức báo động 1; các sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc, Thạch Hãn tại Thạch Hãn, Kiến Giang tại Lệ Thuỷ trên dưới báo động 2, riêng sông Hương tại Kim Long, sông Bồ tại Phú Ốc đã lên trên mức báo động 3. Hàng vạn hộ dân ở các tỉnh miền Trung lại phải tiếp tục đối mặt với lũ dữ.
Theo thống kê mới nhất của Văn phòng đại diện Cục Quản lý đê điều - PCLB và các địa phương miền Trung, đến sáng 2/11, ít nhất đã có 18 người chết do mưa lũ. Trong đó, TT-Huế có 6 người, Quảng Nam có 6 người, Quảng Ngãi 3 người, Đà Nẵng, Quảng Bình và Quảng Trị mỗi nơi 1 người. Ngoài ra còn có 2 trường hợp khác ở Quảng Nam đang xác định là mất tích (một số trường hợp như chết đuối do đi tắm ao hồ… không được xem là thiệt mạng do mưa lũ). Gần 20.000 ngôi nhà, trong đó có cả trường học, trạm y tế… bị ngập, tốc mái, hư hỏng hoặc bị cuốn trôi, sập hoàn toàn. Nhiều tuyến giao thông bị ách tắc. 10km đê hư hỏng, sạt lở với tổng khối lượng hơn 57.000m3 đất đá.
Tại Quảng Nam, Ban chỉ huy PCLB tỉnh cho biết, đến sáng 2/11, nhiều khu vực miền núi vẫn còn bị chia cắt, cô lập do tắc đường. Một số xã ở huyện Phước Sơn bị mất điện do hỏng máy phát điện Đăksa. Tại huyện Nam Giang, trong số 37 hộ dân đi sơ tán, có nhiều gia đình đã bị trôi mất gia súc (tổng cộng trôi 13 bò, 9 trâu). Huyện Phước Sơn bị trôi gia súc nhiều nhất với trên 300 con.
Tại huyện Nam Trà My, sáng 31/10, anh Trần Hữu Lê (22 tuổi, ở đội 6, xã Bình Đào, Thăng Bình) là công nhân khai thác đá đang trên đường về nhà. Vừa ra khỏi thị trấn Tắc Pỏ (Nam Trà My) chừng mười cây số thì anh bị lũ quét bất ngờ càn qua cuốn đi. Đến rạng sáng 1/11, gia đình mới tìm được thi thể anh Lê để đưa về quê mai táng.
Tại huyện Điện Bàn, các khu vực ven sông Vu Gia, Thu Bồn đang bị uy hiếp nghiêm trọng do nước lên nhanh, gây sạt lở hàng chục m3 đất thuộc thôn 5A (xã Điện Hồng). Ngoài ra, 3 xã Gò Nổi là Điện Trung, Điện Phòng và Điện Quang đang có nguy cơ bị cô lập do nước sông lên cao.
Tại thị xã Hội An, một số tuyến đường nội thị như Bạch Đằng, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học bị ngập sâu trở lại gần 1m nước. Những chiếc ghe nhỏ là phương tiện duy nhất để người dân lưu thông trên các tuyến đường này. Chính quyền địa phương đang tập trung các phương án chèn chống các nhà cổ, di tích cổ. Riêng với các xã ven biển, nơi có hàng trăm hộ dân và các khu nghỉ mát, Ban chỉ huy PCLB Hội An sẵn sàng phương án ứng cứu, di dời khi xảy ra triều cường và gió lốc.
Đáng nói là mặc dù UBND thị xã đã có văn bản nghiêm cấm và cử Đội Quy tắc, Cảnh sát giao thông ứng trực nhưng các chủ thuyền vẫn lén lút làm dịch vụ đưa du khách dạo phố mùa lũ với mức giá 60.000 - 120.000đ/giờ. Thời điểm này các khách sạn Hội An có hàng ngàn du khách, chủ yếu là khách quốc tế đang lưu trú. Đa số đều rất thích ngắm, chụp ảnh, quay phim cảnh lũ lụt ở Di sản thế giới Hội An.
Tại huyện Đại Lộc, tuy nước đã rút nhưng xã Đại Sơn vẫn còn 5 thôn Tân Đợi, Đồng Chòm, Đầu Gò, Ba Tớt và Thác Cạn bị cô lập do cách trở bởi sông Vu Gia và các khe suối nhỏ. Do chưa có điện (trừ thôn Tân Đợi) nên khi xảy ra lũ, đặc biệt là lũ vào ban đêm thì các thôn này gặp rất nhiều khó khăn, mọi liên lạc đều không thể thực hiện được.
Theo Chủ tịch UBND xã Đại Sơn Nguyễn Tấn Điểu, xã này nằm ở hạ lưu sông Vu Gia và sông Bung nên khi thuỷ điện A Vương ở Đông Giang cho xả nước thì mực nước trên sông Vu Gia tăng đột ngột thêm gần 1m. Đa phần dân trong xã sống nghề sông nước hoặc có liên quan đến sông nước nên điều này rất nguy hiểm. Ông Điểu kiến nghị: “Nếu được, trước khi xả nước thuỷ điện A Vương thì nên thông báo cho huyện Đại Lộc, sau đó huyện báo lại xã để xã cảnh báo cho ngưòi dân!”.
Được biết trong chiều 1/11, Trung tâm Y tế Dự phòng Quảng Nam đã cung cấp hoá chất Permethrine, Formaline, Icon và các dụng cụ như máy phun, trang phục, khẩu trang… cho các huyện, thị trong tỉnh để vệ sinh phòng bệnh mùa mưa lũ.
Bãi biển du lịch Đà Nẵng đang ngập rác do mưa lũ Ảnh: HC
Tại Đà Nẵng, do mưa lũ nên một trong những bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng chục tấn rác, cây cối, cỏ dại ... đã phủ kín trên bãi biển kéo dài gần 10 km từ Ngũ Hành Sơn đến Xuân Thiều. Đến sáng nay 2/11, chỉ thấy một số người dân đi nhặt củi, còn lượng rác đang phủ kín bãi biển du lịch Đà Nẵng thì chưa được các đội vệ sinh môi trường tổ chức thu dọn. Hàng trăm du khách lưu trú trong các khách sạn ven biển cũng khá bức xúc với sự thờ ơ này.
Theo Ban chỉ huy PCLB huyện Hoà Vang, hiện vẫn chưa thể thống kê hết những thiệt hại do cơn lũ này gây ra. Tuy nhiên, với hàng chục gia súc bị cuốn trôi, hàng trăm ha rau, hoa màu vụ đông bị mất trắng thì đời sống người dân vùng lũ đang gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như gia đình ông Mai Thanh Hùng là đối tượng thuộc diện xoá nhà tạm của xã Hoà Phú. Do khẩn cấp chạy lũ vì nước lớn quá nhanh, cả nhà không kịp di dời chút tài sản ít ỏi. Hậu quả là quần áo, lúa gạo, sách vở của con cái và cả 1 tấn xi măng chuẩn bị để sửa nhà đều đã bị lũ cuốn sạch!
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn trung Trung Bộ, sáng hôm nay 2/11, lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc đã đạt đỉnh 4,81m lúc 7h, trên báo động 3 là 0,31m và đang xuống chậm. Hiện lũ trên sông Thạch Hãn, sông Hương và các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Kon Tum đang lên.
Dự báo trong 24 giờ tới, các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận và Bắc Tây Nguyên sẽ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 70 – 100mm, một số nơi mưa trên 150mm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi từ 20 – 50mm.
Lũ trên sông Thạch Hãn, sông Hương và các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Kon Tum tiếp tục lên. Các sông từ Quảng Bình đến Quảng Trị xuống dần nhưng còn ở mức cao.
Trưa và chiều 2/11, lũ trên sông Thạch Hãn, sông Hương và các sông ở Quảng Ngãi sẽ đạt đỉnh. Mực nước đỉnh lũ tại Thạch Hãn có khả năng ở mức 4,2m, trên báo động 2 là 0,3m; tại Kim Long ở mức 3,3m, trên báo động 3 là 0,3m; tại Trà Khúc ở mức 6m, trên báo động 3 là 0,3m; tại sông Vệ ở mức 3,8m, dưới báo động 3 là 0,3m.
Chiều tối 2/11, mực nước tại Ái Nghĩa có khả năng lên mức 9,5m, trên báo động 3 là 0,7m. Tại Câu Lâu lên mức 3,7m, ở mức báo động 3. Các sông từ Bình Định đến Khánh Hoà và Bắc Tây Nguyên lên mức báo động 1, báo động 2, có nơi trên báo động 2. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, sườn dốc và ngập lụt sâu ở vùng trũng, vùng đồng bằng ven sông các tỉnh vừa nêu. |
-
Hải Châu