(VietNamNet) – Mặc dù đã có những cảnh báo về sự nguy hiểm của mắm tôm, mắm tép… nhưng nhiều người dân vẫn chưa biết “sợ”. Trong ngày hôm nay (1/11) Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia tiếp nhận thêm 50 ca có biểu hiện tiêu chảy cấp.
Bệnh nhân tiêu chảy nhập viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. (Ảnh chụp ngày 1/11). |
Nằm điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, bệnh nhân Lê Xuân Thể ở Thanh Xuân, Hà Nội nói: "Suýt nữa mắm tôm, mắm tép đã lấy mạng tôi”. Ngày 25/10, gia đình bác Thể ăn món thịt chấm mắm tép Hà Tĩnh và đến ngày 30/10, bác Thể phải nhập viện vì tiêu chảy cấp nguy hiểm. Tính đến hôm nay, 1/11, sau 2 ngày điều trị kịp thời, bác Thể không tiêu chảy nữa. Sau lần này, bác Thể cho biết sẽ không bao giờ dám ăn mắm tép, mắm tôm nữa.
Bệnh nhân Thu Hoà ở Đống Đa, Hà Nội đang điều trị tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, cách đây 2 ngày, chị cùng với chồng và em trai ăn món gà nướng và bún đậu mắm tôm ở phố Đặng Văn Ngữ. Mấy tiếng sau, cả 3 người cùng đi ngoài. Chị Hoà uống Smecta cũng không đỡ, đi ngoài đến 12 lần, có lần hàng lít nước. Mệt lử, chị được đưa vào Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Tại đây, chị được truyền nước, cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa ra cảnh báo về sự nguy hiểm của mắm tôm, mắm tép… Thế nhưng nhiều người dân vẫn chưa biết “sợ”. Bằng chứng là trong ngày hôm nay Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia tiếp nhận thêm 50 ca có biểu hiện tiêu chảy cấp nhập viện nâng số bệnh nhân tại viện lên 116 trường hợp.
Vi khuẩn gây bệnh đã biến thể nguy hiểm
TS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, cho biết, đã có gần 200 bệnh nhân nghi nhiễm tiêu chảy cấp nguy hiểm. Trong đó qua xác định các mẫu bệnh phẩm viện đã xác định được 83 trường hợp dương tính với bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm. Đặc biệt, qua xét nghiệm hơn 50 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân tiêu chảy nhập viện, Viện đã phân loại được khoảng 40 chủng vi khuẩn gây bệnh, trong đó có nhiều loại đã biến đổi.
Cũng theo TS Nguyễn Hồng Hà, việc biến đổi này rất nguy hiểm vì sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc kháng sinh đòi hỏi phải tìm được nguồn kháng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, với phác đồ Bộ Y tế ban hành ngày 1/11 thì khả năng điều trị hiệu quả tiêu chảy cấp nguy hiểm trong trường hợp chủng vi khuẩn gây bệnh biến đổi là hoàn toàn có thể.
Theo phác đồ này, bệnh nhân mắc tiêu chảy sẽ có biểu hiện nôn và tiêu chảy với số lượng lớn dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 5 ngày với các biểu hiện ban đầu sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần. Sau khi đã phát bệnh biểu hiện rõ hơn tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày. Phân điển hình toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu; nôn, bệnh nhân nôn rất dễ dàng, lúc đầu ra thức ăn, sau toàn nước; bệnh nhân thường không sốt, ít khi đau bụng; tình trạng mất nước và điện giải gây mệt lả, chuột rút...
Bệnh nhân mắc bệnh cần cách ly và cho bồi phụ nước và điện giải nhanh chóng và đầy đủ; dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn. Tuỳ vào mức độ nặng nhẹ người bệnh có thể điều trị từ tuyến cơ sở, không nhất thiết phải đưa lên tuyến trên khi bệnh còn ở giai đoạn nhẹ.
Trường hợp bệnh nặng, mạch huyết áp không đo được phải cấp cứu tại chỗ (tuyến xã, tuyến huyện). Nếu trong tình trạng này mà vận chuyển lên bệnh viện tuyến trên quá xa thì tiên lượng càng nặng thêm.
Bệnh tiêu chảy cấp hoàn toàn có thể phòng được. Người dân nên vệ sinh môi trường, đảm bảo cung cấp nước sạch; ăn chín, uống sôi, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nước đá, nước giải khát. Không nên ăn các hải sản tươi sống, mắm tôm sống vì nguồn bệnh có thể ở trong đó và lây bệnh.
Người dân tự phòng bệnh cho mình
Bệnh nhân tiêu chảy quá tải, 2 người nằm ghép 1 giường. |
Điều đáng lo nhất hiện nay là rất khó nắm được số lượng mắm tôm hàng ngày chuyển về Hà Nội số lượng là bao nhiêu và có bao nhiêu người đã ăn mắm tôm đó. Cho nên dự báo sẽ có những ca tiếp tục và thực tế đã cho thấy các ca nhập viện tiếp tục tăng lên. Cho đến nay, tình hình diễn biến có chiều hướng tăng lên và phức tạp hơn và Bộ Y tế khẩn cấp triệu tập thành lập ban chỉ đạo gồm các vụ, cục, Sở Y tế Hà Nội và điều động tất cả các nguồn hoá chất dự trữ, để tiệt trùng và thuốc men cứu chữa cho nhân dân. Bây giờ những trường hợp này mới là nguyên phát, tức là do ăn mắm tôm còn chưa có những trường hợp thứ phát (lây từ người đã mắc bệnh). Vì thế, ngành y tế chủ động tập trung ngăn chặn trường hợp những người đã ăn mắm tôm nhiễm vi khuẩn thải ra những chất có vi khuẩn gây tiêu chảy nguy hiểm.
Ngày 1/11, UBND thành phố Hà Nội đã họp khẩn với các sở, ngành liên quan và lãnh đạo của 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã huy động toàn bộ lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh và đã cung cấp thêm 7 tấn Cloramin B để khử trùng những điểm phát dịch bệnh. Tuy nhiên, lực lượng liên ngành cần phối hợp chặt chẽ và phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa với mục tiêu bao vây dập dịch, không để xảy ra trường hợp nào tử vong.
Ngày mai (2/11), sẽ có khoảng 5.000 thẻ kiểm tra phòng chống dịch tiêu chảy cấp được in ra. Số thẻ này sẽ được phát cho các cán bộ làm công tác kiểm tra, tuyên truyền phòng chống dịch tiêu chy tại địa bàn của mỗi quận, huyện. Thẻ này có giá trị đến hết ngày 31/12/2007.
Hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp nhận viện vẫn tăng. Hiện đã có 12/14 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội xảy ra dịch bệnh tiêu chảy cấp với hơn 100 người mắc, đặc biệt gia tăng trên địa bàn quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì.
Trước tình hình trên, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định thành lập Ban Đặc nhiệm và 4 tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo thành phố phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm gồm: Tiểu ban Giám sát, phòng chống dịch; Tiểu ban Điều trị; Tiểu ban Hậu cần và Tiểu ban Tuyên truyền. Theo đó, Ban Đặc nhiệm và các tiểu ban tổng hợp báo cáo diễn biến tình hình dịch với Ban Chỉ đạo thành phố phòng chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, với UBND thành phố và Bộ Y tế trước 17 giờ hàng ngày và tổng hợp báo cáo tuần trước 15 giờ thứ năm hàng tuần.
-
Lệ Hà