(VietNamNet) - VietNamNet tiếp tục liên hệ với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để thông tin thêm về kế hoạch trước mắt cũng như giải pháp dài hơi, trước báo động sông Gianh có thể "ăn" mất đường tàu ở Quảng Bình. Vậy nhưng, ngành đường sắt vẫn chưa hề hay biết thông tin này!
>> Lở nặng bờ sông Gianh, hàng ngàn hộ dân bị đe doạ
>> Ngành đường sắt có lo sông Gianh "ăn" mất đường tàu?
Sông Gianh đang lấn bờ từng giờ! |
Khi liên lạc với ông Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, vị lãnh đạo này cẩn thận giới thiệu đến 2 nhân vật có trách nhiệm trực tiếp (theo lời vị này) là ông Tiến - phụ trách mảng Bảo trì và ông Thịnh, phụ trách Xây dựng cơ bản. Theo lời ông Thịnh, phóng viên nên gặp ông Tiến, vì đây là vấn đề liên quan mảng bảo trì mà anh Tiến phụ trách. Tuy nhiên, liên lạc qua điện thoại, ông này cho biết, ông đang ở Trung Quốc nên không nắm được tình hình! Gọi trở lại cho ông Thịnh, ông này cũng cho biết ông Tiến đang ở nước ngoài và vui vẻ cung cấp số điện thoại của một trưởng ban khác, ông Tĩnh, Trưởng ban Cơ sở hạ tầng - (theo lời giới thiệu của ông Tiến). Tiếp tục trao đổi với ông Trưởng ban Cơ sở hạ tầng , ông Tĩnh cho hay, ông chưa hề nghe thông tin về việc nhiều đoạn ngắn trong đoạn đường sắt từ ga Ngọc Lâm đến ga Minh Lệ có thể bị sông Gianh "nuốt"! Vì ngay sáng nay, các Hạt quản lí đường sắt từ cơ sở (tỉnh Quảng Bình) báo cáo qua điện thoại, có nói về việc đang khắc phục đoạn sạt lở ở Km 468, không hề nhắc đến thông tin này! Vì cũng đang đi công tác nên ông Tĩnh hẹn tuần sau sẽ trả lời, sau khi cho kiểm tra lại thông tin từ cơ sở. Phải chăng, vì đây là tuyến đường sắt huyết mạch quốc gia, nên ngay cả việc nắm thông tin về nó (trong khi đã được báo chí nhắc đến từ nhiều năm qua) cũng cần nhiều ban bệ - dù ngay trong một ngành??? Phóng viên VietNamNet và bạn đọc tại Quảng Bình trong những số báo gần đây đã liên tiếp thông tin về tình trạng sạt lở sông Gianh đang áp sát đường sắt Bắc - Nam, con đường vốn đã tạm bợ, già nua, mà sau mỗi mùa mưa bão những đoàn tàu đều phải mất thêm 4- 5 giờ khi qua địa phận Quảng Bình để hợp với "sức" chịu đựng của cung đường. Nguy hiểm hơn, dòng sông đang chầu chực như muốn ngoạm đoạn đường - vốn cách vài trăm mét nay chỉ cách chừng chục bước chân - bất cứ lúc nào!
Cách nay 3 tháng, sau cơn bão số 2, gần 5 ngàn hành khách đi tàu phải nằm lại rải rác từ Nghệ An, Hương Phố đến Đồng Hới, Đông Hà vì nhiều đoạn đường sắt thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã bị lũ cuốn trôi xa tim đường.
Không biết thông tin về những sự cố kể trên có lên được cấp cao nhất của ngành đường sắt hay không, chỉ biết sau đó lại vang lên điệp khúc của nhà tàu: "Tạm dừng lịch chạy tàu; hàng ngàn hành khách phải kẹt lại chờ ngành đường sắt tu bổ đường, sớm thông tàu trở lại"...