221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
998316
Lở nặng bờ sông Gianh, hàng ngàn hộ dân bị đe doạ
1
Article
null
Quảng Bình:
Lở nặng bờ sông Gianh, hàng ngàn hộ dân bị đe doạ
,

(VietNamNet) - Suốt chục km bờ sông Gianh qua huyện Tuyên Hoá, thỉnh thoảng lại nghe tiếng "ầm" như bom nổ. Sau mỗi đêm, sông “ăn” vào bờ vài mét đất. Tuyến đường sắt Bắc - Nam cách sông vài trăm mét, nay nước ăn vào mấp mé.

Nhà dân xã Văn Hóa bị sông lấn đến sát tường
Nhà dân xã Văn Hóa bị sông lấn đến sát tường

Sạt lở đang đe dọa nghiêm trọng đất vườn và đất sản xuất nông nghiệp của dân nhiều xã ven sông Gianh: Văn Hoá, Đức Hóa, Châu Hoá, Cảnh Hoá, Thạch Hóa, Mai Hoá… 

Tại thôn Thượng Phủ (xã Văn Hoá), sông Gianh chảy uốn khúc nên tạo nên vùng nước xiết, xoáy vào bờ ầm ào…Từ đầu thôn đi ngược lên ga Lạc Sơn có cánh đồng hàng chục ha màu mỡ phù sa quanh năm xanh tốt ngô khoai…, giờ bị sông ăn vào quá nửa. Bờ sông dựng đứng do xói lở, trâu bò, dê thả trên đồng không may rơi xuống sông thì khó có cách nào đưa lên bờ được.
 
Ông Nguyễn Văn Tiến, một nông dân nhiều đời gắn bó với dòng sông kể lại : “Hồi lũ tháng 8/2007, sông ăn vào đến sát tận cột nhà tôi. Hôm trước chưa thấy gì, đến sáng đã nghe sóng vỗ sát đầu giường đến kinh hãi. Vậy là cả nhà kéo nhau chạy di dời vào nhà bà con trong xóm… Giờ sông ăn bờ còn mạnh hơn”.

Bờ sông sạt lở không chỉ đe dọa nhà cửa, ruộng vườn người dân; tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đây cũng đang trong tình trạng báo động đỏ vì đang bị lấn dần vào từng ngày. Trước hầm chui ga Lệ Sơn, cách bờ sông đến vài trăm mét. Nay sông ăn vào mấp mé, chỉ còn vài thước nữa là “vươn tay” chạm đến đường tàu! Hoặc con đường liên xã rộng thênh thang ven bờ sông thuộc thôn Bàu 2 kéo dài đến ga Minh Lệ (Quảng Trạch), nay đã bị sông "xoá sổ"!
 
Tại xã Đức Hoá (Tuyên Hoá), hiện có tới 17 hộ dân ở thôn Kinh Trừng, 7 hộ thôn Phúc Tùng đang nằm trong tình trạng buộc phải di dời khẩn cấp. Ở thôn Bàu 2 xã Tiến Hoá, 13 hộ đã nhận lệnh… sẵn sàng di dời do nhà của họ đang nằm cách mép nước chỉ vài mét. 

Nhà ông Nguyễn Thước vài tháng trước đây còn cách bờ sông gần chục mét, nay bờ sông đã ở cách tường nhà chưa đầy… 1m. Ông Thước than thở: “ Đêm nằm nghe sông chảy mà lo thắt ruột. Không biết đến chừng mô thì hắn ăn vô tận cột nhà. Mà di dời thì cần có sợ hỗ trợ của huyện, tỉnh chứ bà con khó mà thực hiện được…”.

Sông lấn bờ tại Quảng Trạch
Sông lấn bờ tại Quảng Trạch
Gần cuối nguồn sông Gianh, xã Quảng Hải (Quảng Trạch), mỗi năm cũng bị sông Gianh xâm thực vào đất liền 5-7m trên chiều dài 3,5km. Những hàng tre được người dân trong thôn trồng chắn sóng bị nước tống ngã, bật cả gốc rễ. Hiện Quảng Hải có gần 100 hộ dân với gần 3.500 người nằm trong vùng luôn bị sông Gianh ngoạm bất cứ lúc nào. 30 hộ ở thôn Tân Đông đã nằm trong diện sẵn sàng di dời.

Ông Đoàn Xuân Thiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Hải nói với chúng tôi: “Mấy năm qua, xã đã liên tục có báo cáo và kiến nghị lên huyện, tỉnh về tình hình sạt lở. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh chi. Trước tình hình khẩn cấp như vầy, xã có kế hoạch cấp đất mới và động viên các hộ dân di dời, đồng thời huy động dân trồng các loại cây để giữ đất…Nhưng việc sạt lở còn nhanh hơn việc di dời dân”.

Lạy trời, đừng mưa lũ…

Theo ước tính của UBND huyện Tuyên Hoá, hàng trăm ha đất ruộng lúa, đất trồng màu cho thu nhập chính của người dân trong huyện đã bị lũ cuốn xuống sông và xói lở thành hầm hố, hoặc bị đá sạn tràn lên, không còn sản xuất được. Toàn huyện có trên 5.000 hộ dân thuộc diện phải di dời khẩn cấp. Không chỉ vào mùa mưa lũ mới sạt lở đất, mùa hè khi nước sông chảy êm đất cũng rơi ầm ầm suốt ngày đêm.

Ông Hồ Duy Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá, cho biết: “Huyện đã yêu cầu các xã báo cáo gấp tình hình sạt lở và số hộ phải di dời. Trước mắt, huyện đã yêu cầu các xã cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí di dời cho các hộ dân trong vùng di dời khẩn cấp”.

Ông Đậu Minh Ngọc, quyền Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho hay: “Nạn sạt lở đất ở các xã ven sông Gianh là nỗi lo của chính quyền địa phương từ nhiều năm qua. Trước mùa mưa bão 2007, UBND huyện cũng chỉ đạo các địa phương động viên bà con trồng các loại cây như tre, bần, sú vẹt chắn sóng, nhằm hạn chế sạt lở đất, đồng thời di dời khẩn cấp những hộ dân ở vùng sạt lở nặng.

Ông Đoàn Thái, một người dân ở xã Quảng Hải nói như khẳng định với chúng tôi: “ Ngoài lũ lụt gây nên sạt lở thì nguyên nhân do con người cũng rất lớn. Đó là việc nạo vét đất cát ở lòng sông, việc lấn chiếm bãi ven sông để đắp hồ nuôi tôm, cá đã làm lệch dòng chảy của sông Gianh, tạo nên xói lở lớn. Vì vậy, cùng với việc cấp kinh phí hỗ trợ di dời, chính quyền nên hạn chế việc khai thác vật liệu xây dựng, dừng lại việc lấn chiếm ven sông…”. 

Trong lúc chờ đợi những giải pháp cấp bách đặt ra cho vùng sạt lở ven sông Gianh, người dân vẫn nơm nớp lo ột đêm nào đó, đất sạt hất cả nhà xuống sông.

  • Bảo Hạnh

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,