(VietNamNet) - Sáng mở mắt ra đã thấy nước ngập vào nhà. Tối chưa kịp ăn bữa cơm tối nước lại lên. Hàng triệu người dân tại TP.HCM đang phải sống chung với cảnh ngập lụt dai dẳng từ năm này sang năm khác.
Ở khu chợ Thanh Đa, triều cường dâng lên cao tràn vào nhà người dân. Thời điểm triều cường dâng, người dân đã phải đôn đáo dọn dẹp sạp hàng để chạy nước.
Khu vực quận Bình Thạnh có địa hình thấp và là một điển hình ngập do triều cường và càng ngập nặng hơn khi triều cường trùng với thời điểm mưa. Bình Thạnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều từ sông Sài Gòn chảy qua rạch Nhiêu Lộc vào rạch Cầu Sơn - Cầu Bông, rạch Văn Thánh và rạch Lăng, Bình Triệu, Bình Lợi. Hệ thống kênh rạch trong khu vực khá chằng chịt nhưng hầu hết đã bị bồi lắng và lấn chiếm, không còn khả năng thoát nước.
Ở khu vực bến Mễ Cốc (quận 8) nước dâng tràn qua bờ sông đổ ra đường không thể phân biệt được đâu là đường và đâu là lề đặc biệt là tại bến Mễ Cốc 1, Mễ Cốc 2. Người đi đường dò dẫm từng bước một kẻo trật chân té ngã. Đây là khu vực đặc biệt thấp, cao độ mặt đất chỉ từ 0,7- 0,9m, thấp hen mực nước triều cường của khu vực từ 0.4-0,6m.
Theo con số mà Sở GTCC TP.HCM đưa ra, hiện còn khoảng 90 điểm ngập rải rác tại 5 lưu vực. Dự báo của Sở GTCC cho biết sắp tới tình trạng lấn chiếm kênh rạch sẽ làm mực nước dềnh trên kênh rạch gia tăng. Quá trình đô thị hóa tiếp tục làm tăng hệ số mặt phủ dẫn đến việc giảm diện tích thấm nước tự nhiên và làm giảm khả năng điều tiết. Do vậy, tình trạng ngập úng trong thành phố vẫn tiếp diễn và không thể giải quyết dứt điểm trong thời gian ngắn.
- Trần Duy