(VietNamNet) - Tin từ Bộ Y tế ngày 19/10, Bộ này vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện quản lý chất thải y tế.
Rác thải y tế từ bệnh viện. |
Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ đầu tư ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác cho Bộ và các bộ, ngành, các địa phương để xây dựng thêm cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại, để hoàn thành mục tiêu xử lý chất thải của 100% các bệnh viện thuộc Bộ vào năm 2010. Trước mắt ưu tiên dành ngân sách để hoàn thành xử lý chất thải của các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo Bộ Y tế, với 1.087 bệnh viện (BV) trong cả nước và hơn 10.000 trạm y tế xã, trên 30.000 cơ sở phòng khám tư nhân… tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở y tế vào khoảng 300 tấn/ngày, trong đó có 40-50 tấn là chất thải rắn nguy hại cần phải xử lý. Về chất thải lỏng, có tới 62,3% số BV chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Trung bình mỗi tháng BV tuyến Trung ương chi phí cho lò đốt rác thải 26 triệu đồng, BV tuyến tỉnh là 20 triệu đồng, còn tuyến huyện là 5 triệu đồng. Tuy nhiên, hệ thống BV cả nước mới có 80 lò đốt 2 buồng đạt tiêu chuẩn môi trường với công suất 300-450 kg/ngày. Những lò đốt này được sử dụng để thiêu đốt chất thải y tế tại chỗ hoặc cho cụm BV. Các lò đốt hiện đại, đạt tiêu chuẩn môi trường mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu của các BV, 60% còn lại sử dụng biện pháp thiêu đốt thủ công và chôn lấp ngay trong khu đất của BV.
Cũng liên quan đến vấn đề rác thải y tế, sau cuộc họp chiều qua (18/10), Bộ Y tế vẫn chưa thống nhất về danh mục rác thải y tế được tái chế.
Theo dự thảo của quy chế, các chất nhựa được dùng trong BV không tiếp xúc với mầm bệnh, không chứa hoá chất độc hại như: chai huyết thanh, dây truyền dịch không dính máu, túi nilông sạch đóng gói sản phẩm y tế sẽ được tái chế. Tuy nhiên, một số chuyên gia đại diện cho các ngành chức năng cho rằng, nếu cho phép tái chế rác thải y tế sạch thì Bộ Y tế cần có quy định chặt chẽ và cụ thể hơn về danh mục và việc phân loại loại rác thải y tế sạch được tái chế. Ngoài ra, một số ý kiến cũng không tán thành việc cho phép tái chế dây truyền dịch kể cả không dính máu và các loại chai nhựa y tế sạch nhưng phát sinh từ những khu vực nguy hại có mầm bệnh nguy cơ lây nhiễm cao.
Trước những ý kiến còn chưa thống nhất, nên phải sang tháng 11, Bộ Y tế mới ban hành được quy chế này vì sẽ phải tiếp tục chỉnh sửa và lấy thêm ý kiến của các chuyên gia môi trường và y tế.
-
Lệ Hà