(VietNamNet) - Ngày 19/10, ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho báo giới biết: Các trụ bị nghiêng có khả năng sẽ phải nhổ bỏ.
>> Toàn cảnh sự kiện Sập cầu Cần Thơ
Ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết thêm: Các chuyên gia đang xem xét, đánh giá một cách cụ thể về độ nghiêng của trụ và xây dựng phương án, nếu không đảm bảo sẽ tiến hành nhổ bỏ. Đối với các trụ này phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
Trụ P14 (góc phải) đang bị nghiêng nặng do chịu tác động lực lớn, có thể trụ này phải bị dỡ bỏ. Ảnh: Phan Công |
Hiện nay, trụ P14 (nối 2 nhịp bị sập: 14 và 15) bị nghiêng khá rõ, do chịu lực tác động lớn. Việc nhổ bỏ trụ này, nếu có, sẽ là vấn đề nan giải đối với nhà thầu và các bên liên quan vì độ phức tạp của nó. Bởi phần móng trụ được chôn khá sâu vào lòng đất, việc nhổ lên sẽ tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc, ngay cả khi chôn trụ mới vào đúng vị trí cũ cũng không hề đơn giản.
Không còn người mất tích (?)
Ngày 19/10, Ông Nguyễn Văn Công, Chánh Văn phòng Bộ GTVT, phát tin cho hay, Ban QLDA Mỹ Thuận vừa báo cáo về cho Bộ, kèm theo văn bản cam kết của Nhà thầu TKN, khẳng định:
Tổng số người bị nạn do vụ sập nhịp 13 và 14 ở gói thầu số 2 của Dự án Xây dựng cầu Cần Thơ là 134 người, trong đó có 54 người chết, 80 người bị thương. Không còn bất cứ người nào mất tích!
Khối bêtông lớn dựa vào trụ P14, đã khiến trụ nghiêng thêm sau vụ đổ sập. Ảnh: Phan Công
Trước đó, tại buổi họp báo vào chiều ngày 29/9, ngay tại công trình thi công cầu Cần Thơ, ông Hayama, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tasei, đại diện cho liên danh TKN cho biết, khi xảy ra thảm họa cầu Cần Thơ, trên công trường có 140 người đang làm việc.
Cho đến thời điểm chiều 29/9, nhà thầu vẫn chưa cung cấp được danh sách cụ thể số công nhân có mặt trên công trường, ngoài con số 140.
Trong khi đó, vào đêm 26/9, nhà thầu cung cấp cho Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải con số 128 người đang làm việc tại công trình, lúc tai họa ập đến.
Việc xác định không còn người mất tích tại công trường, sẽ góp phần cho phép nhà thầu nhanh chóng áp dụng các phương pháp tháo dỡ hiện trường.
Việc kết thúc sớm quá trình điều tra nguyên nhân vụ sập 2 nhịp dẫn cầu Cần Thơ sẽ giúp nhà thầu khởi động lại việc xây dựng, để công trình đạt tiến độ.
Hiện trường thảm họa vẫn còn khá ngổn ngang bởi các khối bêtông và cốt thép chưa được tháo dỡ. Thi thể của nạn nhân thứ 54 được xác định là anh Trần Văn Hơn, nằm sấp dưới khối bêtông, ở độ sâu 6 mét.
Sổ tiết kiệm 100 triệu đồng/gia đình người tử nạn
Sáng cùng ngày (19/10), UBND tỉnh Vĩnh Long trao sổ tiết kiệm cho gia đình các nạn nhân xấu số trong thảm họa cầu Cần Thơ. Mỗi sổ tiết kiệm có giá trị 100 triệu đồng.
Theo Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long, đến nay số tiền cứu trợ của các đơn vị, cá nhân trong cả nước chuyển về đã lên trên 28 tỷ đồng (bao gồm hỗ trợ của nhà thầu TKN).
Lễ động thổ xây nhà cho gia đình các nạn nhân trong thảm họa cầu Cần Thơ. Ảnh: T.K
Trong số 28 tỷ đồng tiền cứu trợ, đã có 15 tỷ đồng được trao cho các gia đình nạn nhân. Còn 13 tỷ đồng, UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao cho Sở LĐTB- XH xây dựng dự án có mục đích thiết thực để phục vụ các gia đình có người bị nạn.
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, tỉnh Vĩnh Long đã trao trực tiếp cho các gia đình có người tử nạn số tiền 40 triệu đồng/người và đến nay tiếp tục trao sổ tiết kiệm giá trị 100 triệu đồng/người.
Đối với số nạn nhân ở các tỉnh phía Bắc, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long đã chuyển số tiền 140 triệu đồng/người đến các gia đình người bị nạn.
Tại huyện Bình Minh có 42 người bị thiệt mạng. Tuy nhiên, đến nay còn 5 trường hợp chưa nhận được tiền cứu trợ do chưa xác định được người thừa hưởng hợp lý. Ủy ban MTTQ tỉnh đang tạm giữ và sẽ trao tiền cứu trợ cho người thừa hưởng hợp pháp, đảm bảo công bằng, hợp lý.
Ông Đặng Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Long cho biết: Số tiền cứu trợ lớn, UBND tỉnh Vĩnh Long phải nỗ lực điều tiết một cách hợp lý, để đảm bảo sự ổn định, lâu dài và hài hòa giữa các gia đình của nạn nhân.
-
Phan Công