(VietNamNet) - Triều cường đạt đỉnh kết hợp với cơn mưa kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ vào chiều tối 11/10 làm nhiều con đường tại TP.HCM ngập trắng. Nhiều điểm ngập mới xuất hiện.
Ở quận 10, tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, đường 3/2, Lê Hồng Phong “đến hẹn lại lên”, nước ngập lênh láng. Đặc biệt đoạn trước Học viện Hành chính kéo dài đến ngã tư 3/2- Lê Hồng Phong.
Các con đường tại quận Bình Thạnh như Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Hữu Cảnh, khu vực Thanh Đa, chợ Thanh Đa…ngập đến đầu gối. Tiểu thương chợ Thanh Đa phải mang ủng lội bì bõm trong dòng nước đen kịt, nhiều sạp hàng khô đôn đáo kiếm cách kê cao hàng hóa, các quán ăn ế ẩm…
Tại Quận Tân Bình, các con đường thuộc khu vực Bàu Cát như Đồng Đen, Nguyễn Hồng Đào…ngập hơn nửa bánh xe gắn máy. Đây là địa điểm thường xảy ra ngập nặng do triều cường từ nhiều năm qua.
|
Đường Lê Lai- điểm ngập mới ngay trung tâm thành phố. |
Nhiều điểm ngập mới xuất hiện trên đường Điện Biên Phủ, đoạn giao giữa đường Điện Biên Phủ- Phan Kế Bính, Điện Biên Phủ- Nguyễn Bỉnh Khiêm…Ở những nơi này, nước ngập cao ống xả xe gắn máy làm chết máy xe, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm buổi chiều tối.
Ngay tại trung tâm quận 1, đường Lê Lai, nơi có cao độ mặt đường cao hơn những tuyến đường khác cũng bị ngập nặng.
Đặc biệt, theo ghi nhận của PV VietNamNet, tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Nguyễn Văn Trỗi được đầu tư hàng trăm tỷ đồng thi công nâng cấp đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng bị ngập trắng xóa. Từ đoạn cầu Công Lý đang thi công dở dang đến khúc giao với đường Võ Thị Sáu, nước mưa và nước triều cường dâng lên không thể thoát làm cho mực nước ngập đo được tại đây có nơi lên tới 30- 40cm.
|
Mưa kết hợp triều cường gây ngập nhiều tuyến đường tại TP.HCM vào chiều 11/10. |
Nhiều người dân sinh sống lâu năm dọc theo tuyến đường này cho biết lần đầu tiên họ chứng kiến cảnh ngập nước tại đây.
Theo thông báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, vùng hạ lưu các con sông lớn ở Nam Bộ đang bước vào thời điểm mực nước triều cường dâng cao trong ngày 11/10 và vài ngày sắp tới.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP.HCM đã yêu cầu các địa phương có các đoạn bờ bao xung yếu như quận Thủ Đức, Củ Chi, Bình Chánh…có biện pháp đối phó kịp thời.