221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
991908
Sốt xuất huyết xuất hiện nhiều diễn biến lâm sàng mới
1
Article
null
Sốt xuất huyết xuất hiện nhiều diễn biến lâm sàng mới
,

Ghi nhận từ các cơ sở y tế cho thấy, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến rất phức tạp. Trong đó, đáng chú ý là SXH ở người lớn (trên 15 tuổi) gia tăng mạnh và xuất hiện nhiều bệnh cảnh mới nguy hiểm.

>> 60 người đã tử vong vì sốt xuất huyết!

Một bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới
Một bệnh nhân sốt xuất huyết người lớn đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới
Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TPHCM, có ngày số người lớn mắc SXH phải nhập viện lên tới trên 30 người. BV đã dành ra 3 khu vực gồm khoa Nhiễm B, C, D để theo dõi điều trị bệnh nhân SXH nhưng cũng bị quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm tạm bên ngoài hành lang.

Theo BS Nguyễn Thị Dung, Phó Khoa nhiễm D, SXH ở người lớn tăng cao từ 2 tuần qua, có ngày khoa tiếp nhận trên 20 ca và luôn thường trực điều trị nội trú trên 30 ca. Riêng ngày 9/10, khoa phải theo dõi điều trị tới 33 ca.

Thống kê sơ bộ của BV Bệnh nhiệt đới cho thấy, hiện mỗi tuần BV tiếp nhận trung bình 70 - 100 ca SXH, trong đó đa phần là SXH ở người lớn.

Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, diễn biến SXH vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi tại các quận huyện, vùng ngoại thành, SXH được kiểm soát đáng kể thì các quận nội thành lại xuất hiện nhiều ổ dịch mới, cụ thể như quận 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình… Hiện mỗi tuần, thành phố có trên 300 ca SXH phải nhập viện, trong đó chiếm một phần không nhỏ là người lớn.

Cũng theo BS Thọ, hầu hết những ca SXH người lớn là công nhân lao động nhập cư, dân lao động ở các khu vực điều kiện sinh hoạt chưa ổn định. Hơn nữa số ca SXH nặng ở người lớn cũng tăng bởi sự chủ quan, đến khi nhập viện thì bệnh đã chuyển biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay toàn TPHCM đã có 6 ca SXH tử vong trong đó có 2 ca là người lớn.

Xuất hiện diễn biến lâm sàng mới

Theo TS, BS Trần Tịnh Hiền, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới: Trong những năm gần đây, sốt Dengue và SXH Dengue (SD/SXH-D) xuất hiện ngày càng nhiều trên bệnh nhân người lớn (trên 15 tuổi). Nếu năm 1991, tỷ lệ SXH-D ở người lớn chỉ chiếm tỷ lệ 14% trên tổng số bệnh thì năm 2006 đã tăng lên 50,1%. Năm nay, chỉ tính đến ngày 23-9, riêng khu vực phía Nam, tỷ lệ này đã là 32%, đặc biệt năm nay SXH ở người lớn đã bắt đầu xuất hiện nhiều diễn biến lâm sàng mới.

Thông tin từ Viện Pasteur TPHCM, nguyên nhân khiến có sự thay đổi về độ tuổi mắc bệnh tại Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên cũng có một số giả thiết đã được đưa ra là: tình trạng miễn dịch ở cộng đồng suy giảm; thời điểm phơi nhiễm có thể trễ hơn; tỷ lệ có triệu chứng cao hơn ở người lớn.

TS Trần Tịnh Hiền, diễn biến lâm sàng ở SXH người lớn có nhiều khác biệt với trẻ em. Tỷ lệ có sốt là 98% - 100% kèm lạnh run, nhức đầu; thời gian sốt kéo dài hơn (hơn 7 ngày); các triệu chứng tiêu hóa khá nổi bật với ói mửa, tiêu chảy và đau bụng.

Những trường hợp nặng biểu hiện xuất huyết nhiều hơn ở người lớn (xuất huyết da 83%, xuất huyết âm đạo ở phụ nữ 52%, chảy máu răng 48%, xuất huyết tiêu hóa 41%, xuất huyết mũi 16%, xuất huyết kết mạc 2%; hiện tượng đông máu nội mạch xuất hiện nhiều hơn.

Đặc biệt, năm nay, SXH-D ở người lớn xuất hiện nhiều dấu hiệu lâm sàng khá nguy hiểm ít được ghi nhận từ các năm trước như: viêm cơ tim, xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, viêm gan, tiểu hemoglobin.

Theo phân tích của TS Trần Tịnh Hiền, trong SXH, men gan ALT, AST thường gia tăng nhẹ đến trung bình nhưng không có vàng da, nhưng với dịch SXH năm nay lại cho thấy nhiều bệnh nhân SXH người lớn có men gan tăng rất cao (10 lần trị số bình thường), kèm theo vàng da, xuất huyết nhiều nơi, hạ đường huyết, tương tự dấu hiệu bệnh suy gan cấp do viêm gan siêu vi B.

Không được lơ là trong việc chống dịch

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo Dự án phòng chống sốt SD/SXH-D đặc biệt lưu ý các địa phương: Nguy cơ tiềm ẩn dịch SXH vẫn còn, số ca bệnh vẫn ở mức cao. Tất cả các địa phương không được lơ là trong việc chống dịch.

Đặc biệt cần có giải pháp căn cơ để giải quyết cơ bản vấn đề vật chứa nước và véc-tơ. Các cơ sở điều trị cần định bệnh sớm, điều trị đúng, giảm tỷ lệ chết/các ca sốc (độ III, IV). Tăng cường giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về kiến thức và cách xử trí bệnh. Từ phía người dân cũng không nên chủ quan và phải đến ngay cơ sở y tế khi bị sốt để được điều trị kịp thời.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để việc điều trị hiệu quả hơn SXH ở người lớn cần hiểu rõ hơn về sự chuyển đổi tuổi trong SD/SXH-D với những khảo sát dịch tễ học như tỷ lệ nhiễm virus Dengue trong diễn biến lâm sàng ở các độ tuổi khác nhau.

(Theo SGGP)

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,