221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
989938
Người dân lục tục trở về nơi tâm bão đi qua
1
Article
null
Người dân lục tục trở về nơi tâm bão đi qua
,

(VietNamNet) – Trở lại tâm bão Kỳ Anh sau hơn 6 tiếng đồng hồ, nhóm PV VietNamNet đã tận mắt chứng kiến sức hủy diệt của cơn bão số 5 (bão Lekima). Làng xóm xác xơ, cây cối đổ ngổn ngang trên đường. Đâu đó, có tiếng thở dài của những người nông dân sau một đêm bão về… 

Sáng 4/10, các tuyến đường trên đất Kỳ Anh, giao thông trở nên vô cùng khó khăn. Cây cối đổ gãy chắn ngang đường. Nhiều cây cổ thụ lâu năm bị quật ngã đào cả gốc rễ ném lên mặt đường.

Cột điện cũng bị gió lớn xô ngã từng hàng. Giây điện đứt, giăng chằng chéo lên mặt đường. Nhiều tuyến giao thông liên xã bị tê liệt hoàn toàn. Tại Kỳ Anh, đường dây thông tin liên lạc bị cắt đứt. Điện mất hoàn toàn và phải vài ngày nữa mới có thể nối lại được đường dây. 

Đây là cảnh thường gặp khi xuôi ngược trên đất Kỳ Anh ngày 4/10. Ảnh: Quang Cường.

Trên đường đi, rất nhiều chướng ngại vật văng tung tóe khắp nơi. Hàng loạt mái tôn, gạch gói, cửa kính vỡ, biển hiệu quảng cáo bị gió tung ra giữa đường gây cản trở và thương tích cho những người qua đường không cẩn thận. 

Tại xã Kỳ Hà, tất cả các nhà mái ngói đều bị tốc mái. Hơn một nửa trong số đó bị tốc mái hoàn toàn. Những ngôi nhà được xây kiên cố cũng không khá gì hơn. Các công trình mái hiên đều bị lật tung dù đã gia cố rất cẩn thận. 

Những người dân sau khi di cư tránh bão trở về nhà thì ngôi nhà của mình chỉ còn lại một đống đổ nát. 

Bà Nguyễn Thị Nở, xóm 07, xã Kỳ Hà, nghẹn ngào khi đứng trước ngôi nhà của mình: ”Nhà tôi chẳng còn gì nữa cả, nhà sập, đồ đạc trong nhà đều hư hỏng hết. Chúng tôi không biết ở đâu nữa”.   

Anh Lê Văn Luyện, Xã đội trưởng, sau khi đã giúp đỡ các hộ dân, bảo vệ các công trình trong xã, lúc trở về ngôi nhà và khu vườn của gia đình anh đã bị gió bão vùi đập tan tành. Anh vẫn sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ nhưng nhìn tài sản của mình bị mưa bão vùi dập anh không khỏi xót xa. 

Xã Kỳ Hà có một đường đê Đại Láng chắn sóng dài gần 10km chạy qua. Lúc bão về, triều dâng, sóng đánh mạnh vào thân đê gây sạt lở nhiều chỗ. Đặc biệt, cống đê bị uy hiếp nghiêm trọng có thể bị đánh vỡ bất cứ lúc nào. Một lực lượng quân đội gồm 100 cán bộ và chiến sỹ cùng với lực lượng địa phương đã ra sức gia cố lại con đê cho đến khi gió quá mạnh không thể tiếp tục.     

Không biết bao giờ vùng đất “chảo lửa, túi mưa” Kỳ Anh mới có thể hàn gắn lại những vết thương do thiên tai để lại …?. Ảnh: Hoàng Sang



Chính quyền và nhân dân địa phương đang ra sức khắc phục những hậu quả của bão. Lực lượng dân quân, thanh niên trong xã đang ra sức để giải phóng cây cối để giao thông đi lại được thuận tiện, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. 

Các chiến sỹ bộ đội sau khi làm nhiệm vụ hộ đê cũng đã ở lại giúp đỡ nhân dân vượt qua những khó khăn bước đầu để khắc phục hậu quả. 

Tại xã Kỳ Ninh, được tin tại xã có gió lốc trước khi bão đổ bộ vào và cũng là nơi bị bão tàn phá nặng nề, chúng tôi tìm đến xã nhưng không thể đi đến bằng đường chính vì giao thông tắc nghẽn do một hàng phi lao đã chắn hết lối đi và chỉ có thể đi bộ mới tiếp cận được địa phương.  

Khi lốc quét, chỉ mới 28 ngôi nhà bị tốc mái. Đến khi bão qua hầu như toàn bộ các ngôi nhà của người dân bị tốc mái. 

Rất may, nhiều người dân đã được chính quyền di tản cho nên chưa có thiệt hại nào đáng kể.  

Rời Kỳ Ninh, men theo những con đường ngổn ngang cây cối, chúng tôi có mặt tại xã Kỳ Thư. Mấy đứa trẻ con da tái nhợt, nhếch nhác, mắt sâu hoắm sau một đêm bão đổ về chạy theo chúng tôi. 

Anh Phạm Văn Phú  (xóm 7, xã Kỳ Thư) khoát tay ra xa và nói: “Có lẽ không cần nói gì thêm thì các chú cũng biết được mức độ thiệt hại mà cơn bão số 5 gây ra cho bà con chúng tôi”. 

“Cách đây mấy tháng, vợ chồng tui vay mượn mãi mới xây được căn nhà này. Niềm vui chưa kịp đến thì bão đổ bộ vào tàn phá hết. Nhà tui toàn bộ mái ngói đã bị gió bão cuốn trôi, thóc gạo trong nhà đều ướt sũng nước. Giờ biết lấy đâu ra tiền mà trả nợ cho ngân hàng và xây nhà đây hỡi trời” - vợ anh Phú nói xen vào.  

Hình ảnh này trông rất thanh bình, nhưng thực ra đó là xã Kỳ Lợi (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đến 14h ngày 4/10 đang bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Ảnh: Vũ Hoàng.

Tại Kỳ Thư, hoàn cảnh như vợ chồng anh Phú là rất nhiều. Gia đình anh Nguyễn Văn  Ninh cũng như vậy. Sau một thời gian đi làm thuê ở Sài Gòn, anh vay mượn thêm bạn bè mỗi người một ít tiền để làm nhà cho có chỗ trú chân. Bão đã cướp đi những của cải mà anh đã phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt mới có được. Sau bão, có lẽ anh lại lên đường đi kiếm sống xa vợ con… 

Chưa biết bao giờ vùng đất “chảo lửa, túi mưa” Kỳ Anh mới có thể hàn gắn lại những vết thương do thiên tai để lại … 

Thông tin mới nhất cập nhật từ Hà Tĩnh lúc 17h ngày 4/10: Toàn tỉnh có 41 người bị thương (Cẩm Xuyên: 16 người. Lộc Hà: 13 người...). 112 căn nhà bị sập hoàn toàn (Kỳ Anh: 44 nhà, Thạch Hà: 36 nhà...), 57.586 nhà tốc mái, xiêu vẹo. Tỉnh Hà Tĩnh mất trắng 9.000 ha hoa màu, 2.969 ha lúa... Tổng thiệt hại ước tính đến ngày 4/10 của tỉnh Hà Tĩnh: 230, 380 tỷ đồng. Huyện Kỳ Anh bị thiệt hại nặng nhất: 118 tỷ đồng.

Những hình ảnh ghi lại ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) sáng 4/10: 

Điện mất.
Những người dân nghèo đang trục vớt phương tiện kiếm sống bị chìm.
Giúp mẹ
Màu áo xanh bộ đội luôn xuất hiện ở vùng nguy hiểm nhất.
Những gì còn lại sau bão.
Chủ nhân những ngôi nhà này đã được đưa đến nơi an toàn trước khi bão vào.
Tan hoang
Sẽ rất mất thời gian để khôi phục lại hệ thống điện ở đây.
Khi những đứa trẻ chưa biết nguy hiểm là gì....
... thì người lớn đang phải bắt đầu xây dựng lại cuộc sống.

  • Hoàng Sang – Văn Tuấn- Chi Mai- Vũ Hoàng- Quang Cường - Lê Thuỷ

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,