221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
989102
Sập cầu: Dù thế nào, không thể đổ tại trời mưa!
1
Article
null
Sập cầu: Dù thế nào, không thể đổ tại trời mưa!
,

(VietNamNet) - Trao đổi với VietNamNet, nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng, cơ học đất, địa kỹ thuật... cho rằng việc "kéo" yếu tố trời mưa làm nguyên nhân sập cầu là không hợp lý.

>> Toàn cảnh sự kiện "Sập cầu Cần Thơ"

Trước đó, khá nhiều người (đặc biệt trong ngành giao thông - vận tải) đã nhấn mạnh yếu tố "thời điểm cầu sập trời mưa nhiều suốt mấy hôm" khi thông qua báo chí nói về nguyên nhân thảm họa này.

Trao đổi với VietNamNet, nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng, cơ học đất, địa kỹ thuật... đã khẳng định việc "kéo" yếu tố trời mưa vào cuộc chỉ để nói cho những người "không biết gì", và chứng tỏ những người nói ra cũng... không biết gì cả! "Làm chuyên môn mà tư duy như vậy thì sập cầu cũng là điều dễ hiểu!" - một chuyên gia nói.

Thảm họa sập đổ lớn nhất trong lịch sử xây dựng Việt Nam (Ảnh tư liệu).

Thảm họa sập đổ lớn nhất trong lịch sử xây dựng Việt Nam (Ảnh tư liệu).

Nếu đối với người dân nói chung, thảm họa sập đổ lớn nhất trong lịch sử xây dựng Việt Nam này là nỗi đau quá lớn khi chứng kiến cái "chết thảm" của nhiều đồng bào vô tội của mình, thì với những người trong ngành xây dựng - nỗi đau này còn cộng hưởng thêm sự "đau nghề".

Là người từng nhiều năm "thuyết phục" các kỹ sư, kiến trúc sư, chủ công trình không nên chủ quan với nền móng; nhiều năm nghiên cứu hàng loạt sự phá hủy của các công trình được xây dựng bởi những người thiếu kinh nghiệm về cơ học đất - GS.TS Nguyễn Trường Tiến, Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Bộ XD) ngay sau sự cố sập cầu Cần Thơ đã gửi một bức "tâm thư" thống thiết tới các đồng nghiệp của mình và lập tức nhận được nhiều hưởng ứng đồng tình.

VietNamNet đã phỏng vấn GS.TS Nguyễn Trường Tiến quanh những vấn đề chính ông và các đồng nghiệp cùng chiêm nghiệm sau "bài học cầu Cần Thơ" - nỗi đau của ngành xây dựng nói chung...

Trời mưa chỉ là yếu tố rất phụ!

GS.TS Nguyễn Trường Tiến (Ảnh: H.H).

GS.TS Nguyễn Trường Tiến (Ảnh: H.H).

- Trong thư gửi các đồng nghiệp ngành xây dựng của mình, ông khẳng định "không nên đổ cho lý do trời mưa, đây là yếu tố rất phụ" trong khi yếu tố trời mưa luôn được nhiều người đặt ra trước đó, coi như một tác động không nhỏ đối với sự cố sập cầu. Tại sao ông khẳng định vậy?

- Bằng những "bài học kinh điển" mà người trong nghề như chúng tôi buộc phải thuộc lòng và kinh nghiệm thực tế, có thể hiểu như sau: Trời mưa, nước chảy thường làm trượt lở mái dốc đường giao thông, gây mất ổn định cho bờ sông, bờ biển, đất đắp... (nói chung là gây mất ổn định của một mái dốc bằng đất). Sự có mặt của nước trong đất làm tăng áp lực ngang trong đất, vượt quá cường độ đất, phá vỡ khả năng chịu lực của đất...

Đối với một công trình xây dựng, dưới tác dụng của tải trọng công trình (trong trường hợp này là hệ thống giàn giáo, copha, thiết bị, bê-tông, sắt thép, công nhân... khoảng 6.000 tấn) được chất tải từ từ, gây nên độ lún cho công trình. Quá trình lún là quá trình nước tại lỗ rỗng trong đất thoát ra ngoài.

Thời gian lún phụ thuộc vào tính thấm của đất (nước đi lại nhanh hay chậm trong đất). Thông thường, sự có mặt của lớp cát sẽ giúp cho nước thoát nhanh hơn so với đất sét. Vùng đất bờ bắc cầu Cần Thơ chắc chắn là đất sét, khả năng thoát nước và thấm nước rất chậm. Do vậy, không thể có chuyện nước làm hỏng các kết cấu nền móng của trụ chính được thi công bằng cọc nhồi đến độ sâu 70m hoặc móng của các trụ tạm chính (đặt giữa các trụ 13 – 14 và 14 – 15) chắc chắn cũng được đặt trên nền cọc.

Nước mưa chỉ có thể làm giảm cường độ các lớp đất bề mặt, không có khả năng gây lún cho công trình – như định nghĩa về lún kể trên.

- Vậy nếu gạt lý do "trời mưa" sang một bên thì chủ yếu sẽ còn lại những lý do gì, thưa ông?

- Cầu Cần Thơ đã sử dụng công nghệ đổ bê-tông tại chỗ. Có thể hình dung sự phá sập công trình như sau: công trình bị lún quá mức cho phép; tải trọng tác dụng lên phần nền móng của các trụ tạm chính lớn hơn sức chịu tải của các cọc móng. Một số liệu cho rằng độ lún có chỗ lên tới 7cm, trung bình là 3,5cm. Các dịch chuyển do lún không đồng đều tạo nên các dịch chuyển ngang.

Thảm họa cầu Cần Thơ rõ ràng cần được xem là sự sập đổ của kết cấu công trình có nguyên nhân là nền móng và sai sót của người kỹ sư thiết kế biện pháp thi công. Có thể, họ đã không thử tải các cọc móng. Có thể, họ không tính đến tải trọng ngang của gió, của độ nghiêng khác nhau giữa các trụ 13 – 14 – 15...

Chắc chắn việc tính toán kích thước móng, độ sâu chôn móng, kích thước cọc, chiều dài cọc, sức chịu tải của cọc đã có sai lầm nghiêm trọng. Tải trọng trong quá trình thi công, tải trọng do lún lệch, độ dịch chuyển ngang, độ cứng của kết cấu, sự làm việc rời rạc của hệ thống trụ đỡ và hệ kết cấu bên trên trong giai đoạn thi công là những yếu tố chính. Mây mưa chỉ là cơn gió thoảng qua, làm sao đủ sức lay động hàng ngàn tấn bê-tông cốt thép?

Không thể "trồng người" trên công trường!

- Ông cho rằng "phải có con người chuyên nghiệp mới có các sản phẩm chuyên nghiệp". Vậy vừa là nhà nghiên cứu, vừa là nhà quản lý trong ngành xây dựng - theo ông, những công việc nào trong xây dựng được coi là "giản đơn" để có thể sử dụng tràn lan lao động không nghề? Liệu có thể chấp nhận những lao động chưa hề được đào tạo vào xây cầu để rồi "vừa xây vừa học nghề"?

- Những ngày qua, nhiều thông tin cho thấy việc các nhà thầu sử dụng công nhân vốn là nông dân, chưa qua đào tạo, vừa làm vừa học nghề. Ngay sáng 26/9 xảy ra thảm họa cũng có những người vừa mới vào làm cho Công ty Vĩnh Thịnh. Đành rằng trong xây dựng có những việc thật đơn giản, chỉ qua một chút chỉ dẫn là ai cũng có thể đào đất, xúc đá, đặt thép, đóng đinh... song những lao động giản đơn này tuyệt nhiên không thể là những người làm việc trên độ cao lớn (trường hợp này tương đương nhà 13 tầng).

Những người làm công này trước khi được nhận vào làm có được kiểm tra tay nghề, sức khỏe, có được bảo hộ lao động khi làm việc trên cao... và có bao nhiêu người trong số họ đã được bảo hiểm nhân mạng, tai nạn?

Những người làm công này trước khi được nhận vào làm có qua kiểm tra tay nghề, sức khỏe, có được bảo hộ lao động khi làm việc trên cao... và có bao nhiêu người trong số họ đã được bảo hiểm nhân mạng, tai nạn?

Thực hiện công việc ở trên cao, công nhân cần phải được đào tạo, phải có kiến thức nghề nghiệp, có tay nghề. Đặc biệt, họ không thể thiếu kiến thức kỹ thuật, để đề phòng, phòng ngừa, phát hiện ra các sự cố kỹ thuật. Họ phải có kiến thức tối thiểu về an toàn lao động, được trang bị bảo hộ lao động, được biết phải ứng xử thế nào khi xảy ra mất an toàn. Người công nhân làm việc trên cao phải có đủ sức khỏe, khả năng chịu gió, chịu nắng và phải được bảo hiểm, chăm sóc hết sức đặc biệt.

Chất lượng nguồn nhân lực trong xây dựng là vấn đề lớn. Không thể sử dụng lao động theo kiểu: thiếu đào tạo, không tay nghề, không có tổ chức công đoàn (họ không được bảo vệ quyền lợi)... Cổ nhân dạy: “Không thày đố mày làm nên” là vậy! Lời răn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” giờ đây càng thấm thía.  Không thể trồng người trên công trường. Người thợ phải có thời gian học tập, thực tập, kiểm tra tay nghề, sự hiểu biết, kỹ năng làm việc... Bài học Cần Thơ là bài học của đào tạo, sử dụng và quản lý con người.

- Nếu "chốt" lại một điều cô đọng về toàn bộ thảm họa sập đổ vừa xảy ra, bằng kinh nghiệm, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp của mình - ông sẽ nói gì?

- Thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức nghề nghiệp và thiếu cả tình thương yêu con người đã tạo nên những sai sót trầm trọng, đáng tiếc. Nguyên nhân - cái mà người dân đang khát khao muốn biết, nhiều chuyên gia đang cất công tìm kiếm và có người cho rằng phải đến khi mồ các nạn nhân xanh cỏ may ra mới kết luận được - chắc chắn sẽ không phải một lý do đơn lẻ nào...

Nó sẽ là một chuỗi lý do: thiết kế biện pháp thi công sai; độ lún của các trụ phụ và hệ thống giàn giáo quá mức cho phép; hệ số an toàn quá thấp; không quan tâm đến các tải trọng ngang, dịch chuyển ngang; công tác quản lý dự án của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế biện pháp thi công, nhà thầu chính và nhà thầu phụ “có vấn đề”; lựa chọn công nghệ thi công cầu sai; không lường hết các rủi ro của đất nền, độ cao, tải trọng, trình độ thi công... tóm lại, tất cả đều là sai sót của con người.

Các công ty, tập đoàn tham gia có thể có nhiều kinh nghiệm, nhưng vấn đề là các kỹ sư trực tiếp phụ trách, chịu trách nhiệm trên công trường và dự án có là kỹ sư chuyên nghiệp không? Có kinh nghiệm, kỹ năng, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp không?

Nhiều bằng chứng được các nguồn tin "mổ xẻ" cho thấy các nhà quản lý đã không kiểm soát được tình hình. Trên công trường, rõ ràng thiếu một tư lệnh giỏi, có kinh nghiệm, biết phán đoán và biết ra các quyết định đúng.

- Xin cảm ơn ông!

  • Tràng An Nguyễn (thực hiện)

     
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,