221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
989564
Bão số 5: Lụt lớn, nhà sập, tàu đắm, người chết
1
Article
null
Bão số 5: Lụt lớn, nhà sập, tàu đắm, người chết
,

(VietNamNet) - Thông tin của PV VietNamNet từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế: Nước lũ đã nhấn chìm nhiều khu dân cư (có nơi sâu đến 1m), đe dọa nhiều tuyến đê biển, làm đánh sạt và chia cắt nhiều tuyến tỉnh lộ.

>> Bão số 5 đang tiến thẳng vào Hà Tĩnh - Quảng Bình

Quảng Nam: Gần 1.000 người dân hoảng loạn vì lo sợ lũ tràn qua đập Ðại Cường

Do mưa lớn, thượng nguồn tràn về đã khiến nước sông Quảng Huế lên cao và tràn qua đập Đại Cường, huyện Đại Lộc, làm cả nghìn hộ dân hoảng loạn vì sợ đập vỡ cuốn trôi nhà cửa... 

Chiều 3/10, ông Nguyễn Văn Tiến, PGÐ Sở NN&PTNN tỉnh cho biết: Bắt đầu từ đêm 2/10, lũ trên sông Quảng Huế đã tràn qua đập Ðại Cường (tại thôn 9 và thôn 10 xã Đại Cường, huyện Đại Lộc - Quảng Nam - Dự án Chỉnh trị sông Quảng Huế). Ðến 16 giờ chiều 3/10, nước đã vượt khỏi mặt đập hơn 2,5m (đập cao 6,5 m).  

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Việt Nam tại Quảng Nam cho biết: Nước lũ trên sông này đã vượt mức báo động 2. Vì nước dâng cao và đang lên, nên chưa thể tính được thiệt hại.  

Ðập Đại Cường do Bộ NN&PTNN làm chủ đầu tư với kinh phí 42 tỷ, khởi công tháng 6/2007, dự kiến tháng 9/2007 hoàn thành. Nhưng đến nay công trình này vẫn dở dang.  

Gần 1 nghìn hộ dân của 2 xã Ðại An và Ðại Cường nằm gần đập này hiện đang trong cơn hoảng loạn vì lo sợ vì nước lũ có thể tiếp tục phá vỡ con đập này gây trôi nhà cửa. Hiện diễn biến của mưa và lũ vẫn còn rất phức tạp nơi vùng thượng nguồn.

Mới đây, vào ngày 6/8, bão số 2 đã làm đập Đại Cường bị vỡ, cuốn trôi hàng ngàn m3 đất đá, gây thiệt hại nặng. Sau sự cố trên, đơn vị thi công đã tiến hành khắc phục, sửa chữa nhưng công việc chưa xong thì nay do ảnh hưởng của bão số 5 lũ lại tràn qua đập. 

Theo các nhà chuyên môn cho biết, nếu đập Đại Cường bị vỡ, hậu quả sẽ khó đoán được. Bởi hơn 1.000 hộ dân trong khu vực sẽ bị thiệt hại nặng, và xa hơn nữa là nguồn cung cấp nước cho cả thành phố Đà Nẵng cũng sẽ bị ảnh hưởng. 

Quảng Ngãi: 1 học sinh thiệt mạng

Theo tin từ Văn phòng UBND xã Nghĩa An (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), lúc 8h30 sáng nay (3/10), trong lúc cứu hai chiếc tàu đánh cá tránh bão số 5, em Nguyễn Thanh Đấu (13 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã tử nạn.

Buổi sáng, khi bão tới, Đấu cùng hàng chục người tìm cách cứu nạn hai chiếc tàu đánh cá mang số hiệu QNg 7837 và QNg 7617 của bà con ngư dân xã Nghĩa An vào neo đậu tại cầu Phú Nghĩa (Nghĩa An) để tránh bão số 5.

Học sinh vùng tâm bão được nghỉ học

Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu GĐ Sở GD-ĐT và hiệu trưởng các cơ sở đào tạo trong vùng khẩn cấp cho phép học sinh vùng tâm bão đi qua nghỉ họctrong thời gian bão đổ bộ.

Bộ đồng thời chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng chống lụt bão của địa phương để phòng chống tại chỗ, chằng chống nhà cửa, phòng học, di dời tài sản thiết bị giáo dục đến những nơi an toàn.

Đến khoảng 8 giờ sáng ngày 3/10, nước thủy triều xuống làm hai chiếc tàu này mắc cạn và bất ngờ gió thổi mạnh, sóng lớn dâng trở lại có nguy cơ làm hai tàu bị lật.
 
Trong lúc cùng mọi người tổ chức cứu hai chiếc tàu trên, bất ngờ gió lớn kèm theo sóng mạnh làm hai chiếc tàu nói trên va đập mạnh vào nhau. Em Đấu đang đứng trên mạn tàu bị hất văng xuống và bị kẹp vào giữa, chết tại chỗ.

Thông tin đến 13h chiều ngày 3/10 từ Hà Tĩnh cho hay: Tuyến đê biển tại xã Cẩm Lộc (huyện Cẩm Xuyên) dài 16km (chạy qua các xã Cẩm Lộc, Cẩm Trung, Cẩm Lĩnh) đang có nguy cơ vỡ từng phần. Lúc 14h chiều nay, đang đứng ngay trên mặt đê, phóng viên VietNamNet cho biết: Nước chỉ còn cách mặt đê chừng 30cm. Hiện tại đã có 400m tuyến đê này chạy qua xóm 8, xóm 9 xã Cẩm Lộc đã bị sạt lở nghiêm trọng.

Ông Hoàng Văn Tơ - Chủ tịch Hội nông dân xã dự đoán, nếu đoạn đê này vỡ, toàn bộ dân cư 3 xóm 7,8,9 xã Cẩm Lộc (240 hộ dân, gồm 1.400 nhân khẩu) sẽ chìm ngay trong biển nước. Ông Tơ cho hay: Xã đã huy động toàn bộ toàn bộ lực lượng thanh niên, dân quân địa phương đến từng nhà dân di dời khẩn cấp người già, phụ nữ, trẻ em ra khỏi địa bàn; và ra mặt đê để ứng phó.

Theo quan sát của phóng viên VietNamNet tại hiện trường, hiện đang có 3 cán bộ, chiến sỹ thuộc huyện đội Cẩm Xuyên đang ứng trực tại địa điểm đê sắp vỡ này, do Trung tá Đặng Văn Hùng chỉ huy. Trung tá Hùng cho hay: Trong tình trạng này, lực lượng ứng cứu quá mỏng, trang thiết bị thiếu và yếu, việc đê vỡ sẽ là không tránh khỏi.

Sau đó không lâu, Công an huyện Cẩm Xuyên đã tăng cường khẩn cấp 16 cán bộ, chiến sỹ xuống địa điểm này. Đồng thời, đang có 2 xe quân đội chở gần 100 chiến sỹ xuống tăng cường bảo vệ tuyến đê biển quan trọng này.

Ngoài ra, một số tuyến đê ven biển khác cũng có nguy cơ sạt lở như: Hội Thống (Nghi Xuân), Tả Nghèn (Thạch Hà), Kỳ Hà (Kỳ Anh).

Nhà dân ở xã Phú Mỹ (Thừa Thiên - Huế) đang dần chìm trong biển nước. Ảnh: Đằng Khoa.

Nhà dân ở xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang dần chìm trong biển nước. Ảnh: Đằng Khoa.

Tại huyện Lộc Hà, nước biển đã lên rất nhanh, làm ngập một quãng đường dài gần 1 km. Chợ Thạch Kim ngập sâu trong nước. Bờ kè ngăn nước biển bị vỡ khoảng 1m. Ngay lập tức, lực lượng có mặt tại đây đã huy động chở nhiều xe công nông cát, ngăn không cho nước biển tràn vào.
 
Trước đó, khoảng 3h sáng nay, tại xã Kỳ Ninh một cơn lốc xoáy giật trên cấp 10 kèm theo mưa to đã làm tốc mái hoàn toàn khu chợ vừa mới xây xong, hàng loạt cây cối bị đổ.

Đến cuối chiều nay (3/10), 14.000 dân ven biển của 5 xã (Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh) đã di dời đến nơi an toàn. 

Quảng Bình: Tàu đắm, nhà sập

Thông tin chiều nay: 2 tàu cá của người dân bị đắm tại Cảnh Dương. Tất cả thuyền viên trên tàu đã được di dời. Nhà điều hành của cảng Hòn La (Quảng Bình) bị gió cuốn bay mái, kéo sập tường.

Trước đó, có thông tin Quảng Bình được dỡ bỏ lệnh di dời dân. Tuy nhiên, trước diễn biến quá phức tạp của bão số 5, với sức gió đang ngày càng mạnh, kèm với mưa to hướng vào phía bắc tỉnh Quảng Bình, đến trưa nay toàn bộ người già, trẻ em của 2 huyện Bố Trạch, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) và các xã ven biển huyện Kỳ Anh đã được đưa đến nơi trú ẩn.

Trong khi đó, tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), chiếc xà lan không thể cập bờ (VNN đã đưa tin) do thiếu tàu kéo đã bị đánh đắm tại cảng Vũng Áng. Tuyến đê biển tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) đã bị sóng đánh vỡ 200m.

Được biết, tuyến đê biển Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) dài 3,6km đang thi công có nguy cơ vỡ rất cao do sóng biển đánh quá mạnh.

Quảng Trị: Nhiều tuyến giao thông chìm sâu trong nước

Tin mới nhất, sáng nay trên huyện Đảo Cồn Cỏ đã có 3 ngôi nhà dân bị tốc mái, 1 hội trường của làng Thanh niên lập nghiệp cũng bị tốc mái, sập cổng chào, 1 nhà bếp và gãy đổ nhiều cây xanh.

Trên địa bàn miền núi biên giới của huyện Đakrông, đường Hồ Chí Minh đoạn A Bung - Hồng Thủy, đường A Vao - Palin sạt lở làm tắc đường, ngầm A Vao, A Ngo, A Đeng bị ngập sâu không đi lại được, có khả năng bị chia cắt trong nhiều ngày. Tuyến đường biên giới Việt - Lào (Lia) đã bị ngập 3 điểm ở các bản 1, bản 2, bản 3 ở khu vực xã Thuận.

Trên địa bàn huyện Gio Linh, nước ngập đã làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đường du lịch ven biển Cửa Việt - Cửa Tùng, hơn 100 ha lúa hè thu của xã Gio Mỹ, Gio Châu bị ngập sâu trong nước và có khả năng hư hỏng hoàn toàn.

Nhiều người dân vẫn đang chủ quan đánh cá trên sông khi bão đang vào đất liền.
Nhiều người dân vẫn đang chủ quan đánh cá trên sông khi bão đang vào đất liền.

TT-Huế: Ngập nặng khu dân cư, giao thông bị chia cắt

Thông tin từ ông Hồ Đăng Vang - GĐ Sở NN và PTNT, Phó ban trực ban PCBL TT-Huế: Đến 7h ngày 3/10, toàn tỉnh đã có 10 phường nội thành, 20 xã bị ngập nặng từ 0,5 đến 1m. Con số thiệt hại chưa được thống kê.

Từ đêm qua, hệ thống đường liên tỉnh của TT-Huế đã bị tê liệt. Nhiều đoạn ngập sâu 0,6 m. Giao thông tắc nghẽn hoàn toàn. Đường 14B lên huyện miền núi Nam Đông đã bị sạt lở hơn 2000m2 đất đá, giao thông lên huyện miền núi này tắc nghẽn hoàn toàn.

Tại Quảng Điền, tỉnh lộ 4B và 8B đều ngập trên dưới 1m. Xe máy và ô tô không thể di chuyển. Phương tiện đi lại chủ yếu là bằng thuyền nan, ghe nhôm. Tuy nhiên, các loại phương tiện này cũng chỉ đi men theo đường cái, vào sâu trong khu dân cư thì không thể do phải băng qua đồng.

Ông Trần Giải - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho hay: Toàn huyện có 50% hộ gia đình đã bị ngập nước, trong đó 25% bị ngập nặng. Điều đáng lo của Quảng Điền là các hồ chứa nước trên vùng cát ở Quảng Lợi, Quảng Thái. Mực nước đang ở mức nguy hiểm. Ông Nguyễn Mới - Chủ tịch UBND huyện đang đích thân có mặt để chỉ đạo chống vỡ hồ.

Mưa to và liên tục đã làm ngập úng nhiều nơi, có nơi ngập sâu trên 1 mét như tỉnh lộ 4B, 8B qua địa phận huyện Quảng Điền. Bị ngập nhiều nhất là các xã dọc theo triền sông Bồ như Phong An, Phong Sơn, Phong Hiền thuộc huyện Phong Điền ngập sâu 0,3 đến 0,5 mét.
 
Có 20 xã thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang và 6 phường của TP Huế bị ngập sâu trên 0,3 mét. 
 
Thống kê ban đầu cho thấy ngập úng đã làm hơn 550 ha sắn, 270 ha lúa và 160 ha rau màu bị mất trắng. Ở các huyện Phú Lộc và Nam Đông, hơn 6,2 tấn cá nước ngọt và hàng chục hồ nuôi tôm đã bị nước cuốn trôi. 
 
Mưa to cũng làm hơn 2000m3 đất đá sạt lở trên đường 14B gây tắc đường. Ngay trong sáng 03/10, đơn vị quản lý đường đô thị, vành đai đã khắc phục sự cố và cho thông xe. 

  • Nhóm PV miền Trung

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,