(VietNamNet) - Thông tin cập nhật mới nhất của phóng viên VNN từ tâm bão Nghệ An - Hà Tĩnh cho hay: Các tỉnh này đang triển khai di dời dân khỏi vùng nguy hiểm ven biển.
Trước đó, các phương án phòng chống cơn bão số 5 đã được triển khai cấp tốc.
Nghệ An: "Bằng mọi cách giảm tang thương cho dân"
Tại cuộc họp khẩn cấp lúc 19h ngày 2/10, Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó Tổng tham mưu trưởng Bộ Tham mưu, Phó Ban chỉ đạo Tìm kiếm cứu nạn Quốc gia đã có cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An để tìm phương pháp đối phó với cơn bão số 5.
Sóng dâng cao 3-5m đã lấn vào đến mép nhà dân
Theo Tướng Soát, đây là cơn bão có đường đi hết sức phức tạp, có sức tàn phá lớn. Đến thời điểm hiện tại, mắt bão đã nhìn thấy rất rõ.
Để chủ động đối phó với những diễn biến xấu nhất có thể xảy ra, tướng Soát yêu cầu Ban chỉ huy Quân sự Quân khu 4, Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An và các cơ quan chức năng theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão, có biện pháp đối phó trước khi bão vừa đổ bộ vào. Công tác phòng chống bão lũ được phân chia làm 3 giai đoạn: trước, trong và sau bão. Trong đó, giai đoạn trước bão là hết sức quan trọng, cần kiểm tra lại xem việc neo đậu tàu thuyền đã an toàn chưa
“Chúng ta hãy thương xót hàng chục hộ dân đã thiệt mạng trong cơn bão Chanchu năm ngoái, và hãy lấy nó để rút kinh nghiệm. Phải làm thế nào để giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người và của. Muốn làm được điều đó và giảm tang thương cho người dân, công tác chuẩn bị trước bão rất quan trọng. Khẩn trương di dời dân đến những nơi an toàn. Chậm nhất, đến 2 giờ chiều mai phải di dời toàn bộ dân”- Tướng Soát chỉ đạo.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thế Trung (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) đã đề xuất với Tướng Soát nhiều phương án dự phòng. Theo đó, nếu bão đổ bộ vào Nghệ An, khả năng các vùng thượng nguồn sông Lam sẽ bị lũ lớn. Khi đó, đường 7 sẽ bị chia cắt và việc cứu hộ, cứu trợ sẽ rất khó khăn.
“Tôi mong Bộ chỉ huy Quân sự ém quân ở những vùng trọng điểm để kịp thời đối phó những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đồng thời, huy động thêm trực thăng và xuồng cứu hộ, sẵn sàng ứng cứu trong bão”- ông Trung nói.
Cũng trong cuộc họp khẩn này, Tướng Soát cho hay sẽ cấp thêm cho Nghệ An 3.000 áo phao cứu hộ, 15.000 mét vải chắn sóng. Dự kiến, số phao này sẽ có mặt tại Nghệ An trong sáng nay (3/10).
Quảng Bình: Dân đập nhà tránh... sập
Người dân thôn Bắc Dinh, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết: từ đêm 1/10đến nay, biển đã lấn sâu vào đất liền gây sạt lở nghiêm trọng. Sáng hôm qua, anh Trần Tuân đã phải gọi anh em, bà con về đập nhà, di chuyển đồ đạc vì lo sợ sạt lở gây sập nhà.
Bộ đội Biên phòng giúp dân chuẩn bị bao cát tại Thạch Kim (Hà Tĩnh).
Sáng ngày 2/10, hộ anh Tuân sau khi khuân vác đồ đạc đi gửi nhờ. "Rút kinh nghiệm" từ hàng xóm, anh đập luôn ngôi nhà mà mấy đời trong gia đình tích góp mới dựng được. Anh Tuân cho biết: "Tự tay đập nhà sớm may ra còn vớt vát được chút gạch, ngói... để sau này còn dùng mà xây lại nhà! Trước đây, nhiều bà con hàng xóm của anh do lưỡng lự, không chịu đập nhà sớm, đến khi cần thì "tất cả" đều nằm ngoài biển...
Ông Trương Kim Chuông (Bí thư chi bộ thôn Bắc Dinh) lo lắng: "Mấy năm trở lại đây, cứ đến mùa lụt bão, biển lại lấn sâu vào đất liền, gây sạt lở, "ăn" hết đất của dân. Đêm qua mưa lớn, sóng đập ầm ầm vào đất liền, tiếp tục gây sạt lở. Nhiều bà con trong thôn đã khuân vác đồ đạc đi ở nhờ hàng xóm vì lo nhà sập lúc nào không hay. Chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, biển đã xoá sổ 9 ngôi nhà của người dân".
"Cực lắm chú ơi. Nhà có 5 mẹ con. Mấy bữa ni không có chỗ ở, phải dựng tạm cái lều cạnh Nhà văn hoá thôn để có chỗ trú mưa, trú gió. Cả đời tui tích cóp mãi mới dựng được ngôi nhà, rứa mà biển "nuốt" mất rồi!” - một phụ nữ trong thôn xót xa kể.
Không riêng gì hộ anh Tuân, nhà các ông Trương Trỏng, Lê Nghinh, bà Hoàng Thị Chiến, Trần Thị Luận... cũng phải đập nhà tránh... sập vì lở đất. Người dân địa phương cho biết, do đập thuỷ lợi Đá Mài chặn lại, dòng chảy sông Dinh thay đổi nên biển cứ gây sạt lở, lấn ngày càng sâu vào khu dân cư, có nơi trên 300 mét.
Thôn Bắc Dinh hiện có 450 hộ, với 3.000 nhân khẩu, riêng xóm Bắc có 141 hộ, khoảng 600 nhân khẩu sống ven cửa biển sông Dinh. Mấy năm gần đây, biển đã lấn sâu vào đất liền làm sập nhiều nhà dân.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện tỉnh đang gấp rút triển khai các phương án đối phó với lũ. Có 2.027 hộ, với 10.593 người dân đã được tỉnh lên phương án di dời (trong đó có 1.176 hộ, 4.383 người dân nằm trong diện di dời khẩn cấp).
Tính đến 11h ngày 2/10, tổng số tàu thuyền đã gọi vào bờ trú ẩn an toàn là 1.941 chiếc, gồm 12.947 người (trong đó tàu thuyền nội tỉnh 1.848 chiếc, với 12.425 người; tàu thuyền ngoại tỉnh 93 chiếc với 522 người).
Toàn tỉnh đã chuẩn bị được 1.200 rọ thép, 3.259m3 đá hộc, 6. 714 bao tải, 180 cái tiêu vè, 260m3 đá cấp phối và một số đầm benley để sẵn sàng ứng phó với bão số 5.
Hà Tĩnh: Một sà lan mắc kẹt ngoài biển
Phóng viên VietNamNet đang ứng trực tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho hay: Một sà lan đang thi công tại cụm cảng số 2 Vũng Áng đã không thể vào bờ khi bão đổ bộ
Các địa phương trọng yếu của Hà Tĩnh đang thực hiện di dân.
Sà lan có trọng tải khoảng 400 tấn chở theo một cần cẩu hạng nặng thuộc Công ty Đường thủy 494 đang thi công tại cụm cảng số 2 Vũng Áng - Hà Tĩnh chỉ cách bờ khoảng 20 mét nhưng không thể vào bờ tránh bão vì không có phương tiện kéo.
Theo ông Phạm Khắc Dạ (Phó Chủ tịch huyện Kỳ Anh) thì “sở dĩ để xảy ra tình huống này là do công ty chủ quản phương tiện chủ quan, không đưa sà lan vào bờ sớm. Hiện nay do các đầu kéo đã đi sơ tán hết nên chúng tôi đành chỉ biết trông chờ vào sự may rủi”.
-
Hoàng Sang - Nguyễn Lý - Hà Vy - Văn Minh