(VietNamNet) – Dự báo bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Trung Bộ. Để kịp thời ứng phó những tình huống xấu nhất do bão gây ra, Ban PCLB các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đang gấp rút triển khai kế hoạch đối phó.
Nghệ An: Vẫn còn 303 phương tiện, 1244 lao động đang lênh đênh trên biển Tại Nghệ An, các cơ quan chức năng và người dân đang ráo riết, gồng mình đối phó với bão số 5.
Ngư dân tự neo buộc thuyền tại Cửa Lò, Nghệ An. (Ảnh: Nguyễn Lý)
Trung tá Phan Văn Hồng, trực Ban tác chiến PCLB Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: “Bão số 5 có hướng đi rất phức tạp và khó dự báo. Sức tàn phá và càn quét của bão có thể so sánh với cơn bão Chanchu.
Hiện, bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hộ gia đình có tàu đánh bắt xa bờ để kêu gọi người dân nhanh chóng di chuyển tàu thuyền vào vùng tránh bão.
Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng còn liên lạc với các chủ tàu qua máy thông tin I-Com, bắn pháo hiệu báo bão và qua các ngư dân trở về dùng bộ đàm kêu gọi, thông báo hướng đi của bão số 5 trên biển Đông để các tàu thuyền vào vùng an toàn”.
Tại Nghệ An, tính đến 15h30 chiều nay, vẫn còn 303 phương tiện cùng 1.244 lao động đang lênh đênh trên biển. Trong đó có 12 phương tiện, với 76 lao động đang hoạt động ở vùng đánh cá chung (18-20 vĩ độ bắc, 106-107 độ kinh đông.
Ông Hùng - một chủ tàu đánh cá ở Cửa Lò cho biết: “Biển đang có sóng lớn, gió càng ngày càng mạnh. Nhiều chủ thuyền lo sợ nếu tốc độ di chuyển của bão nhanh, mạnh thì những tàu thuyền chưa kịp vào vùng an toàn tránh bão sẽ gặp nguy hiểm”.
Hà Tĩnh: Hơn một nửa tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn
Thực hiện Công điện số 65 CĐ-TW ngày 29/9/2007 của văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị BCH PCLB các huyện, thành phố và các sở ban ngành khẩn trương triển khai các nội dung ứng phó với bão.
Nhiệm vụ trước mắt của các đơn vị trên địa bàn tỉnh là thông báo cho các chủ có tàu thuyền đang hoạt động nghề cá và vận tải trên biển nhanh chóng vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn; nắm chắc và phân loại số lượng tàu, thuyền, số lượng người đang hoạt động trên biển và hướng dẫn nơi trú ẩn cho các phương tiện đã vào bờ; sẵn sàng bắn pháo hiệu thông báo cho người và phương tiện trên biển; kiểm tra hệ thống thông tin để kịp thời liên lạc trong những tình huống khẩn cấp…
Thông tin từ Bộ chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, đến 15h ngày 1/10/2007, toàn tỉnh đã gọi được 294 tàu, thuyền/840 người vào bờ. Hiện còn 161 phương tiện/780 người đang hoạt động trên biển, trong đó có 4 cặp tàu/53 người đánh bắt xa bờ đang hoạt động ở khu vực đảo Ngư, 68 chiếc/364 người hoạt động trên khu vực đảo Bạch Long Vĩ. Toàn bộ số tàu thuyền này sẽ được đưa vào nơi trú ẩn an toàn trong ngày hôm nay. Anh Nguyễn Ngọc Trung, chủ tàu HT-1886-TS cho biết: “Chúng tôi đã được thông báo về mức độ nguy hiểm và phức tạp của cơn bão số 5 nên từ chiều qua, các tàu thuyền của các hộ còn ở ngoài khơi đã gấp rút về đất liền, tìm nơi trú bão an toàn”. Đến chiều ngày 1/10/2007, tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có dấu hiệu ảnh hưởng của bão số 5 nhưng công tác PCLB-TKCN trên toàn tỉnh vẫn đang được gấp rút triển khai. Quảng Bình: Chưa nắm được số lượng tàu, thuyền trên biển Trong khi các tỉnh miền Trung đang ráo riết kêu gọi tàu, thuyền trên biển về nơi trú ẩn an toàn thì đến chiều nay (1/10), tỉnh Quảng Bình vẫn chưa nắm được số lượng người và phương tiện đang hoạt động ngoài khơi. Quảng Bình có tổng số 3.450 tàu thuyền. Theo số liệu của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Thuỷ sản và các địa phương trong tỉnh, tính đến 7h ngày 1/10/2007, đã có 1.714 tàu vào nơi trú ẩn an toàn (trong đó tàu nội tỉnh là 1.625 chiếc; tàu thuyền ngoại tỉnh 89 chiếc). Hiện đã liên lạc được với 68 tàu trên biển, 421 người (trong đó có 5 tàu đang trên đường vào bờ). Vào lúc 2h cùng ngày, ông Lê Đức Thuận, Trưởng ban Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện có trên 400 tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu tại các cửa sông Roòn, sông Gianh, sông Nhật Lệ và một số ít đang neo đậu tại cửa sông Lý Hoà. Khi có báo hiệu khẩn cấp thì Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ bắn pháo hiệu báo bão tại 3 điểm là Đồn Biên phòng Nhật Lệ, Cảng Gianh và Roòn”. Việc kêu gọi người và phương tiện trên biển vào bờ đang được tiến hành rất khẩn trương.
Đà Nẵng: Chống bão cả trên núi
Không chỉ chú trọng phòng chống bão số 5 ở vùng biển mà còn tập trung cho các xã miền núi có thể xảy ra lũ quét, sạt lở…
Bà con ngư dân Đà Nẵng đang khẩn trương đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão số 5. Ảnh: HC |
Do ảnh hưởng của bão số 5, suốt ngày 1/10, Đà Nẵng đã có mưa lớn kéo dài làm nhiều tuyến đường chính trên địa bàn Đà Nẵng như Quang Trung, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… bị ngập. Nặng nhất là tuyến đường Trần Phú do đang thi công nâng cấp mở rộng nên nhiều đoạn nước dồn ứ lại, gây ngập khá sâu làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trong khi đó, ở ven biển Sơn Trà - Điện Ngọc và Nguyễn Tất Thành, tàu thuyền đánh cá đã vào đậu chật kín. Hàng trăm tàu thuyền lớn, nhỏ khác cũng đang được ngư dân khẩn trương kéo vào bờ. Tại phường Thọ Quang, hầu hết thanh niên đã tập trung ra bờ biển, chia thành mỗi nhóm 8-10 người kéo tàu thuyền lên bờ tránh bão.
Ngư dân phường Mân Thái thì hợp đồng với Công ty Công trình đô thị Đà Nẵng để đưa xe cẩu đến kéo tàu thuyền lên bờ với mức giá 100.000 đồng/chiếc. Trong trường hợp khẩn cấp, ngư dân có thể yêu cầu Công ty điều thêm phương tiện cơ giới đến hỗ trợ.
Theo Ban Chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn Đà Nẵng, tính đến chiều 1/10, toàn TP đã có 246 tàu với 1.656 lao động trở về đất liền an toàn. Hiện còn 76 tàu với 783 ngư dân vẫn đang ở trên biển. Trong đó, 12 tàu với 261 lao động đang vào bờ hoặc đã di chuyển ra khỏi khu vực ảnh hưởng của bão, 4 tàu/28 lao động đang hành nghề lưới cản tại vùng biển Hải Phòng, 52 tàu/255 lao động đang hành nghề đánh bắt ven bờ từ Quảng Trị đến Đà Nẵng.
Đáng lưu ý là đến thời điểm này, trong số 21 tàu câu mực của ngư dân Đà Nẵng hoạt động ở vùng biển Hoàng Sa đã có 6 tàu trở về đất liền từ chiều 30/9; 15 chiếc còn lại đang trên đường về đất liền, dự kiến cập cảng Đà Nẵng và Quy Nhơn vào tối 1/10, nhưng cũng không thể loại trừ tâm lý chủ quan của một bộ phận bà con ngư dân khi có thông tin bão số 5 nhiều khả năng đổ vào khu vực Bắc Trung bộ.
Sơ đồ đường đi của bão số 5 qua vệ tinh. |
Ngoài ra,
hiện vẫn còn 8 tàu với 199 ngư dân Đà Nẵng đang câu mực ở khu vực quần đảo Trường Sa. Bộ đội Biên phòng TP đang khẩn cấp kêu gọi số tàu thuyền này trở về đất liền hoặc tìm nơi trú tránh an toàn ngoài vùng ảnh hưởng của bão số 5.
Ảnh hưởng của cơn bão số 5 đã gây mưa lớn trên địa bàn miền Trung, dự báo những ngày tới mực nước trên các sông sẽ lên nhanh. Các ngành chức năng đang tập trung chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão. Theo đó, không chỉ chú trọng ở vùng ven biển và ngoài khơi mà còn chú trọng ở vùng núi, nơi dễ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Trong ngày 1/10, Phòng NN-PTNT huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) phối hợp với xã miền núi Hoà Bắc đã bàn giao mặt bằng cho 25 hộ nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở. Đồng thời hỗ trợ thêm mỗi hộ 10 triệu đồng để sớm ổn định cuộc sống và yên tâm hơn trong mùa mưa lũ. UBND huyện cũng chỉ đạo các xã miền núi chuẩn bị kỹ lưỡng phương án di dời dân đến nơi an toàn khi có dấu hiệu nguy hiểm.
Quảng Nam: Tàu cố ý giấu toạ độ, không thể hướng dẫn tránh bão!
Tính đến 15h ngày 1/10, toàn tỉnh Quảng Nam đã có 353 phương tiện/1.666 lao động nhận được thông tin bão và đã vào bờ tránh trú.
Cố gắng liên lạc với khơi xa! Ảnh: Vũ Trung |
Hai phương tiện câu mực khơi của ông Phạm Phú Đức (Qna 95555) và Trần Công Tri (Qna 94619) với 49 lao động cùng ở xã Bình Minh, Thăng Bình vẫn chưa bắt được liên lạc.
Trao đổi với PV VietNamNet, Đại tá Lê Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Nam cho biết: theo nhận định của lực lượng trinh sát biên phòng, cả 2 phương tiện này cố tình giấu toạ độ khai thác mực khơi, gây khó khăn cho công tác hướng dẫn phòng chống bão trên biển.
Hiện lực lượng biên phòng đã cử cán bộ đến từng nhà các ngư dân và chủ 2 tàu đánh bắt trên thuyết phục để người thân liên lạc với các tàu.
Theo Đại tá Lê Thanh Tùng, việc giấu toạ độ đánh bắt của các chủ tàu đã từng gây ra những hậu quả đau lòng khi gặp bão lớn không ứng phó kịp. Đến khi các chủ phương tiện giấu toạ độ đánh bắt này gặp nạn mới gọi cầu cứu cơ quan chức năng giúp đỡ. Lúc đó là quá muộn
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hải yêu cầu các ngành chức năng theo dõi thường xuyên diễn biến của bão số 5, có biện pháp phòng tránh, không loại trừ khả năng bão đổ bộ vào đất liền Quảng Nam; Bộ đội Biên phòng giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi; ngành nông nghiệp có biện pháp kiểm tra các công trình thủy lợi, nhanh chóng thông báo đến ban quản lý các công trình, đề phòng mưa lũ, sạt lở đất.
Tại Quảng Nam trong những ngày qua mưa lớn và kéo dài, mực nước trên các sông đã bắt đầu
Nhân dân Núi Thành chằng chống nhà cửa chống bão. Ảnh: Vũ Trung |
lên. Nhiều địa bàn miền núi đã sinh lũ quét cục bộ. Nhưng nhờ chủ động phòng tránh nên chưa gây thiệt hại về người và tài sản
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải, biện pháp trước mắt là phòng tránh đề phòng lũ quét, sạt lở núi và nước sông, nước biển dâng cao khi bão đổ bộ vào tại những vùng trũng thấp.
Một phương án đối phó khẩn cấp cũng đã được dự lường đó là di chuyển hàng chục nghìn hộ dân ở vùng ngập lụt nếu nước dâng cao. Hiện phương án di chuyển dân đã được sẵn sàng chờ lệnh.
Việc các chủ tàu đánh bắt xa bờ cố tình giấu toạ độ khai thác, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Đức Hải khẳng định nếu điều tra xác minh đúng thực tế cũng sẽ xem xét xử lý các đối tượng.
1/10, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn số 1422/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống bão số 5 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Quảng Ninh tiếp tục giữ liên lạc nắm chắc số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển. Từ 12h trưa ngày 2/10, nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi đánh cá. Chủ tịch UBND các tỉnh: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn neo đậu cho tàu thuyền trong khu tránh, trú bão, không để xảy ra tình trạng tàu bị đắm ngay trong khu neo đậu tránh bão, trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo phương án sẵn sàng di dời dân trước khi bão đổ bộ, đồng thời phân công lãnh đạo xuống các khu vực xung yếu kiểm tra, rà soát các công việc phòng, chống bão, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Các tỉnh Bắc Bộ, Trung bộ và Tây Nguyên chỉ đạo ngay các biện pháp đối phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét có thể xảy ra, chủ động di dời dân ở các vùng nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Cũng trong ngày 1/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương có Công điện khẩn số 72/CĐ-TW yêu cầu khẩn trương đối phó với bão số 5. Công điện khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và TKCN các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công thương, Giao thông vận tải, Thông tin và truyền thông, Nông nghiệp và PTNT, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động thương binh và Xã hội Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương yêu cầu: Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và TKCN các tỉnh, thành phố , Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và TKCN các Bộ tiếp tục thực hiện nội dung công điện khẩn số 70/CĐ-TƯ hồi 17h ngày 30/9/2007, tập trung triển khai quyết liệt vào 15 công việc đã được chỉ đạo của công điện này. |
-
Hoàng Sang - Vũ Hoàng - Văn Minh - Nguyễn Lý - Hải Châu - Vũ Trung