(VietNamNet) - Hàng nghìn người đã dự lễ truy điệu những người xấu số trong thảm họa sập cầu Cần Thơ, diễn ra lúc 16h hôm nay tại công trường xây dựng cầu Cần Thơ, xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
>> Toàn cảnh vụ sập cầu tại Cần Thơ
>> Nghe điếu văn của Bộ Trưởng GTVT tại đây
>> Nghe phát biểu của nhà thầu chính tại đây
>> Nghe phát biểu của đại diện gia đình nạn nhân tại đây
Công tác cứu hộ vẫn đang khẩn trương nhưng ngày càng khó khăn, phức tạp
14h, bến phà Ninh Kiều, người dân chen nhau thuê ghe đò để qua bờ bắc sông Hậu đến nơi thảm họa dự lễ truy điệu.
Công tác tìm kiếm những nạn nhân còn lại ngày càng trở nên khó khăn phức tạp hơn. Tại những vị trí dự đoán phía dưới có thi thể của 3 người còn mất tích là khối bê tông lớn quá dày.
Vì vậy, các lực lượng cứu hộ phải sử dụng những thiết bị nặng để phá dỡ. Cả đêm chỉ dỡ bỏ được khoảng 6m2 bê tông cốt thép. Nhưng hiện tại vẫn chưa tìm thêm được người nào.
Theo Bộ GTVT, tính đến 7h sáng 30/9, hậu quả về người như sau: Số người chết là 49, số người bị thương là 82 và số người mất tích là 3.
14h30, đội hình trong trang phục nghi lễ trắng uy nghiêm chỉnh tề chuẩn bị cho buổi lễ.
14h45, đoàn người của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đến công trường chỉnh tề trong bộ comle đen và cà vạt đen. Gió vẫn lớn, trời càng lúc càng xám. Sông Hậu cuộn sóng.
Người dân đổ về đông hơn đợi đến giờ làm lễ truy điệu. Nhiều cặp mắt của những người mẹ già nua lưng tròng.
Trưa nay, tại hiện trường thảm họa bỗng nhiên gió lớn hơn, có lúc xoáy cuồn cuộn bụi tung mù mịt. Mây trên trời sậm hơn với màu xám đen.
Người dân đổ về càng lúc cùng đông. Trong khi đó, tại hiện trường ở hai nhịp cầu sập, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn đang cố gắng tìm và đưa những thi thể cuối cùng ra ngoài. Mọi cặp mắt chờ đợi bên hàng rào lưới B40 vẫn chăm chăm vào nơi hiện trường.
15h, những vòng hoa đầu tiên được đưa lên bến đò ngay cầu Cần Thơ. Dàn quân của đội nghi lễ tiến dần vào nơi làm lễ truy điệu cùng nhiều vòng hoa.
Trong công trình, tiếng động cơ cần cẩu vẫn gầm, các khung thép của giàn giáo được tháo rời và nhấc ra khỏi hiện trường một cách cẩn trọng.
Gió vẫn giật lên từng cơn làm tấm bạt của những chiếc lều tạm phần nhật. Bên những vòng hoa là những cặp mắt đỏ hoe.
Một công nhân rầu rĩ lướt qua tôi trên tay cầm chiếc đĩa nhựa có vài cái kẹo và bó nhang nhỏ. Có lẽ kẹo là thứ các anh hay dùng cho những lúc thấm mệt vì đổ mồ hôi trên công trường những ngày nắng nóng.
Người dân càng lúc kéo về càng đông vây quanh hiện trường. Họ chen nhau những chỗ đứng tốt nhất để nhìn vào đống đổ nát, gây ra những cái chết.
Dù đông người nhưng không thấy nhiều tiếng ồn ào, họ lặng lẽ nhìn về phía đống đổ nát.
15h30, đoàn người tiếp tục tiến về khu vực làm lễ truy điệu cách hiện trường thảm họa hơn 100m. Đoạn đường không dài nhưng những bước chân nặng nề làm đoạn đường trở nên rất xa.
Trên khán đài vừa được dựng lên sáng nay, tấm vải đen được dán dòng chữ màu trắng: Lễ truy điệu những người tử nạn do sự cố công trình xây dựng cầu Cần Thơ ngày 26/9 làm nhói lòng người đứng phía dưới.
Lẵng hoa được đưa đến càng lúc càng nhiều. Lẫn trong những hàng người dự lễ, màu áo xám, xanh khoác trên người các công nhân đến chia buồn với đồng nghiệp.
Trong đám đông, bé Lê Tuyết Lan, 7 tuổi, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa, Bình Minh, Vĩnh Long mắt nhìn trân trân về phía lễ đài, hai người anh ngồi bên cạnh, anh trai lớn 15 tuổi khoác vội chiếc áo tang lên người.
Anh em bé Lan mất cha. Anh là công nhân Trương Văn Chột, thi thể của anh cũng vừa được tìm thấy và đã được gia đình mai táng.
Lan ngồi bên cô ruột Trương Thị Lan. Chị Lan kể: Hôm chôn cha nó, đứa con trai út chỉ mới 2 tuổi kéo tay mọi người đến chỉ vào anh Chột nói: Cha con nằm ở đây nè. Lan quay qua tôi nói: Con nhớ cha con lắm.
Mẹ Lan kéo 4 đứa con đeo vội khăn tang lên và đi về hướng lễ truy điệu.
Bên hông khán đài, các nhân viên chữ thập đỏ cùng vài y bác sĩ đứng bên chiếc càng phòng có người ngất xỉu.
16h, Lễ truy điệu bắt đầu. Bộ trưởng GTVT đọc điếu văn truy điệu các nạn nhân:
Hôm nay, trong không khí vô cùng đau thương và xúc động, chúng ta có mặt tại đây để tiễn đưa các kỹ sư, công nhân đã ra đi sau tai nạn tại công trường xây dựng cầu Cần Thơ hồi 7h55 phút, ngày 26/9/2007.
Đây là mất mát vô cùng to lớn đối với gia đình, người thân của các nạn nhân đồng thời cũng là nỗi đau chung của cán bộ kỹ sư công nhân trên công trường, của ngành giao thông vận tải và nhân dân cả nước.
Buổi sáng mãi mãi không thể quên được ấy, khi những người thợ cầu đang bắt đầu một ngày mới, say sưa lao động quên mình để làm nên cây cầu lịch sử của ngàn năm mong đợi nối liền mạch máu giao thông của miền Tây Tổ quốc, thì tai hoạ thương tâm bất ngờ ập xuống.
Sàn bê tông hai nhịp biên dài 80m của cầu chính đã sập trong khi đang thi công, gây nên sự cố công trình và tai nạn lao động nghiêm trọng nhất lịch sử ngành GTVT. Tai nạn khủng khiếp ấy đã cướp đi nhiều sinh mạng, làm bị thương nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản và vật chất.
Từng giờ, từng phút, hàng triệu trái tim của đồng bào cả nước cùng hướng về nơi xảy ra tai nạn. Mặc dù công tác cứu hộ, cứu nạn được thực hiện kịp thời, hết sức khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao, với cả trái tim thương cảm, với mọi lực lượng và phương tiện vật chất hiện có, nhưng mỗi giờ cứu hộ cứu nạn trôi qua nỗi đớn đau lại nhân lên và niềm hy vọng mong manh lại lụi tàn khi số người chết và bị thương tiếp tục tăng lên.
Các anh không còn nữa, cha mẹ các anh mất đi người con hiếu thảo, con các anh mất đi người cha, những người “giang cả tấm thân gầy cha che chở đời con”, vợ anh mất đi người chồng thủy chung, gia đình mất đi người anh, người em siêng năng, mẫu mực. Quê hương đã mất đi những người con đã tận tâm góp công sức cho công cuộc xây dựng đất nước. Các đồng nghiệp trên công trường mất đi những người bạn luôn chia sẻ khó khăn trong công việc.
Với tư cách Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực GTVT, tự đáy lòng mình tôi xin được gửi lời xin lỗi đến toàn thể nhân dân, xin lỗi những người bị nạn và gia quyến.
Đại diện nhà thầu lên nói lời xin lỗi người bị nạn cùng gia đình và hứa tiếp tục hoàn thành xuất sắc công trình với mức an toàn đặt lên trên mức an toàn.
"Chúng tôi đã gây ra bao lo lắng cho người bị thương và người đang mất tích. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm cho được 3 người đang còn mất tích. Chúng tôi tha thiết mong muốn sự thông cảm", đại diện nhà thầu nói.
Đại sứ Nhật Bản Norio Hattori cũng bày tỏ sự xin lỗi của Chính phủ Nhật Bản trước sự cố đáng tiếc này ở một công trình vốn ODA của Nhật Bản và do nhà thầu chính của Nhật Bản thi công. Đại sứ khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc tìm ra nguyên nhân sự cố để công trình sớm được tiếp tục thi công.
Lễ truy điệu đã kết thúc nhưng hàng nghìn người xếp hàng để qua lễ đài thắp một nén nhang.
Danh sách 49 người tử nạn: |
Tỉnh Vĩnh Long: 1. Trần Văn Phúc (SN 1977, ấp Mỹ Phước 1, Mỹ Hòa, Bình Minh)
3. Nguyễn Văn Tâm (1979, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 4. Bùi Văn Bon (1965, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 5. Nguyễn Văn Tùng (1963, ấp Mỹ Thới 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 6. Nguyễn Văn Xớt (1961 ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 7. Lê Minh Tấn (1985, ấp Mỹ Thới 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 8. Bùi Tấn Lộc (1976, ấp Đông Hòa 1, Đông Thành, Bình Minh) 9. Nguyễn Văn Tạo (1972, ấp Thạnh An, Đông Thạnh, Bình Minh) 10. Nguyễn Văn Chính (1970, ấp Mỹ Khánh 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 11. Lê Văn Tươi (1962, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 12. Nguyễn Văn Nhỏ (1974, ấp Hòa Bình, Nguyễn Văn Thảnh, Bình Minh) 13. Huỳnh Văn Luật (1985, ấp Mỹ Hưng 2, Mỹ Hòa, Bình Minh) 14. Nguyễn Văn Thông (1971, ấp Đông Thuận, Đông Bình, Bình Minh) 15. Trần Ngọc Toản (1979, ấp Phù Ly 2, Đông Bình, Bình Minh) 16. Phạm Thanh Hùng (1973, ấp Mỹ Hưng 2, Mỹ Hòa, Bình Minh) 17. Trương Văn Chọt (1974, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 18. Nguyễn Văn Hào (1960, ấp Mỹ Hưng 2, Mỹ Hòa, Bình Minh) 19. Lê Văn Lai (1959, ấp Mỹ Lợi, Mỹ Hòa, Bình Minh) 20. Lưu Thanh Điền (1991, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 21. Lưu Tấn Mãi (1988, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 22. Nguyễn Văn Bé (1952, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 23. Lưu Hoàng Phúc (1984, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 24. Nguyễn Văn Trang (1971, ấp Mỹ Hưng 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 25. Đặng Văn Sóc (1976, ấp Phú Hữu Tây, Phú Thịnh, Tam Bình) 26. Lương Văn Khải (1980, ấp Mỹ Khánh 2, Mỹ Hòa, Bình Minh) 27. Lê Văn Thạnh (1964, ấp Thành Đức, Thành Lợi, Bình Minh) 28. Nguyễn Văn Mùa (1976, ấp Mỹ Khánh 1, Mỹ Hòa, Bình Minh) 29. Huỳnh Văn Thanh (1981, ấp Mỹ Hưng 2, Mỹ Hòa, Bình Minh) 30. Đặng Văn Bảy (1973, ấp Mỹ Hòa, Nguyễn Văn Thảnh, Bình Minh) 31. Nguyễn Văn Sơn (ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) 32. Nguyễn Quốc Dũng (1977, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) 33. Phạm Minh Quân (1958, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) 34. Nguyễn Văn Toàn (1985, ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) 35. Nguyễn Văn Đùng (1964, ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) 36. Nguyễn Văn Tiệp (1957, ấp Mỹ Hưng 2, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) 37. Đỗ Văn Sáu (ấp Mỹ Hưng 1, xã Mỹ Hòa, Bình Minh) 38. Nguyễn Tấn Hồng (SN 1973, phường Hưng Phú, Q. Cái Răng, TP.Cần Thơ) 39. Nguyễn Hoàng Em (1977, ấp Đông Hiển, Đông Thuận, Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) 41. Cù Văn Sơn (tỉnh Hà 42. Trần Quang Bình (1984, tổ 7, Trường Xuân, Tam Kỳ, tỉnh Quảng 43.Trương Quang Viễn (1974, Khánh Hồng, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) 44. Lê Hiến Chương (1982, Tịnh Bình, Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) 45. Lê Văn Biên (1965, Phước Quản, Đa Phước, An Phú, tỉnh An Giang) 46. Nguyễn Văn Tân (1983, Giao Hà, Giao Thủy, tỉnh 47. Nguyễn Quý Vinh (TP.Hà Nội) 49. Lê Trạch Hòa (1988, Xuân Phong, Xuân Thọ; tỉnh Thanh Hóa) |
Chùm ảnh: Lễ truy điệu các nạn nhân bị sập cầu Cần Thơ
|
|
|
|
|
|
|
|
-
Phan Công
Kính mời bạn đọc khắp nơi chia buồn tại đây: