221
441
Xã hội
xahoi
/xahoi/
984322
Chặt hạ cổ thụ chết ở HN: "Đau đẻ chờ... sáng trăng"!
1
Article
null
Chặt hạ cổ thụ chết ở HN: 'Đau đẻ chờ... sáng trăng'!
,

(VietNamNet) - Một cây Sếu chết, 3-4 tháng sau cơ quan chức năng mới ra biên bản kết luận chặt hạ, trồng cây mới. Hai tháng tiếp, khi một chạc cây đổ sập xuống nhà dân, mới hạ cành, nhưng để lại phần thân đã mục cao 10m phục vụ... điều tra.

Cây phải đủ giấy tờ mới được... đổ!

Khoảng 13h30 ngày 19/9 một cây Sếu cao 14m, đường kính rộng gần 60cm bị mục ruỗng lâu ngày, nay nứt toác một nhánh cây đổ xuống, đè lên đường dây điện và mái ban công nhà số 90 Tô Hiến Thành (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng), gây nguy hiểm cho người đi đường. 

Trao đổi với VietNamNet chiều ngày 19/9, ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Công ty Công viên cây xanh (số 2A Nguyễn Đình Chiểu) cho biết: “Ngày 3/7/2007 công ty đã khảo sát và phát hiện trước số nhà 88 Tô Hiến Thành có cây Sếu to, cao 14m đã bị chết khô”. Biện pháp xử lý được đề xuất là: "Chặt hạ, đánh gốc và trồng cây bằng lăng thay thế".

Cây Sếu vài phút trước khi sập 1 trong 2 chạc cây xuống nhà dân. (ảnh chụp lúc 11h30 ngày 19/9)

Giải thích vì sao suốt một thời gian dài công ty không cho chặt hạ, trồng cây mới, ông Hưng cho biết: “Công ty còn phải chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Sở Giao thông Công chính Hà Nội”.

Ông Nguyễn Xuân Hưng: "Chúng tôi chờ ý kiến chỉ đạo..."
Để “củng cố” thêm lập luận của mình, ông Hưng còn… liệt kê hàng loạt thủ tục, quy trình phức tạp để chặt hạ, hay trồng mới 1 cây xanh trong thành phố: “Theo đúng quy trình thì muốn chặt một cây xanh trong thành phố phải làm đơn với đầy đủ lý do chặt cây, kèm theo 3 ảnh chụp cây cần chặt ở 3 góc độ khác nhau, gửi kèm theo hồ sơ xin phép chặt cây được UBND phường sở tại xác nhận”.

“Sau đó Công ty Công viên cây xanh kết hợp với Ban duy tu giao thông đô thị, Tổ chuyên gia lập biên bản đề xuất biện pháp xử lý trình lên Sở Giao thông Công chính Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo. Nếu Sở đồng ý cho cắt bỏ thì công ty mới có quyết định cắt bỏ”.

Gian nan xin giấy... chặt hạ cây nguy hiểm

Quá trình xin… giấy trước khi chặt hạ 1 cây đã chết khô, đã đổ sập xuống nhà dân gây nguy hiểm cho người dân sống quanh khu vực và người qua đường là cả 1 chặng đường dài.

Theo hồ sơ quản lý cây của Công ty Công viên cây xanh thì cây Sếu trước cửa số nhà 88 Tô Hiến Thành đã có “phiếu điều tra khảo sát cây bóng mát” ký ngày 3/7/2007 ghi rõ: 1 cây Sếu đường kính 65cm, cao 14m chết khô.
Tổng giám đốc Công ty Công viên cây xanh đồng ý với đề xuất của tổ công tác là: “Chặt, đánh gốc, trồng cây bằng lăng thay thế. Thời gian thực hiện sau khi có giấy phép của Sở Giao thông Công chính”.

Cây Sếu mục tách làm đôi, đổ sập 1 chạc xuống ban công nhà 90 Tô Hiến Thành.

Đến ngày 19/7/2007 thì Sở Giao thông Công chính có công văn trả lời Công ty CVCX, đề xuất hướng xử lý của cây Sếu trước cửa nhà số 88 Tô Hiến Thành, công văn ghi rõ: “Sở GTCC đã thành lập tổ chuyên gia gồm các bên như sau: 

Bà Đặng Thu Nga - Phó phòng Giao thông đô thị làm tổ trưởng, bà Nguyễn Hoà Hợp - Phó Tổng giám đốc Công ty CVCX làm tổ phó và các chuyên viên phòng giao thông đô thị, cán bộ ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị, cán bộ Ban thanh tra Giao thông Công chính, UBND phường Lê Đại Hành ra 1 quyết định: "Cây Sếu trước cửa nhà 88 Tô Hiến Thành có đường kính 58cm (vậy là sau 16 ngày cây sếu đã “teo” mất 7cm) cao 14m, cây chết, gốc cây bị đốt và bịt xi măng”. Tổ chuyên gia đề xuất: “Chặt hạ, đánh gốc, trồng cây bằng lăng thay thế".

Ông Vũ Ngọc Hoà:  "Để hơn 2 tháng, cây đổ rồi mới xử lý chặt hạ là quá chậm"
Đi kèm theo công văn ngày 19/7 là một… đề xuất khác: “Cây Sếu trước số nhà 88 Tô Hiến Thành chuyển Ban Thanh tra Giao thông Công chính kiểm tra xử lý trước khi chặt hạ”. 

Như vậy, chỉ 1 cây Sếu đã chết cách đây gần nửa năm, cơ quan chức năng đã có biên bản kết luận chặt hạ, trồng cây mới cách đây 2 tháng (tổ chuyên gia kết luận 19/7/2007) nhưng đúng 2 tháng sau (19/9/2007), khi mà cây Sếu đã đổ sập xuống mái ban công của nhà dân thì cơ quan chức năng (Công ty Công viên cây xanh Hà Nội) mới… đủng đỉnh hạ cành (cây để nguyên, chiều cao còn lại khoảng 10m) vào 16h30 (sau 3h cành cây đánh đu trên ban công số nhà 90 Tô Hiến Thành.

Về việc này, chiều 19/9, ông Vũ Ngọc Hòa - Phó Chủ tịch phường, người có… tên trong tổ chuyên gia nhận định:

“Để hơn 2 tháng, cây đổ rồi mới xử lý chặt hạ là quá chậm, theo tôi, bất luận trong trường hợp nào, hễ cây có nguy cơ đổ, gây nguy hiểm là phải xử lý ngay, rồi báo cáo sau. Tuy nhiên, người quyết định không… tỉnh táo, quyết đoán nên xảy ra trường hợp nói trên…”

Vỏ cây mục nát rơi lả tả...
...Gốc cây bị bịt kín bằng xi măng

Bản thân phường trong những lần họp lấy ý kiến cử tri cũng có… bàn tới cây Sếu nói trên, nhưng “khổ nỗi”, theo ông Hoà phường không có chức năng chặt hạ cây xanh trên địa bàn nên chỉ đành “thúc” Công ty Công viên cây xanh và chờ…ý kiến chỉ đạo”. 

16h30 ngày 19/9, Công ty Công viên cây xanh mới cho chặt cành cây gãy, nhưng vẫn để lại thân cây cao 10m phục vụ... công tác điều tra(?)
Giải thích lý do vì sao chỉ hạ cành trong khi đã có kết luận trồng cây khác thay thế, ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp Công ty Công viên cây xanh “phán”: “Theo quan điểm của Công ty thì cây Sếu trên bị chết là do hành vi xâm hại cây xanh (do bị tác động bên ngoài của con người: đốt gốc, bịt xi măng gốc cây…) nên chỉ… hạ cành, chờ cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi xâm phạm thì mới đánh gốc trồng cây mới”.

Cây Sếu ở số 88 Tô Hiến Thành không phải là ngoại lệ. Hà Nội còn rất nhiều cây xanh đã chết chờ chặt hạ, trồng cây mới thay thế, tất cả đều chờ 1.001 loại giấy phép của cơ quan chức năng.

Thế là nhiều hộ dân Hà Nội vẫn đang “sống trong sợ hãi”, dưới những thân cây già nặng trịch chờ "vé cưa"!

  • Lan Thương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,